Không chỉ xây dựng thư viện trường học theo hình mẫu một thư viện đại học với trên 14 nghìn bản sách, Trường THPT Ðức Trọng còn đưa sách đến tận lớp học để khuyến khích học sinh đọc sách.
Không chỉ xây dựng thư viện trường học theo hình mẫu một thư viện đại học với trên 14 nghìn bản sách, Trường THPT Ðức Trọng còn đưa sách đến tận lớp học để khuyến khích học sinh đọc sách.
|
Một tủ sách của lớp. Ảnh: V.Trọng |
Một thư viện mở
Có mặt tại thư viện Trường Trung học phổ thông (THPT) Đức Trọng trong giờ ra chơi buổi sáng, chúng tôi thấy rất đông học sinh nhộn nhịp ùa đến tìm chỗ ngồi đọc sách và báo. Rất nhiều loại báo và tạp chí để sẵn trên một kệ sách, có hẳn một ngăn riêng cho các loại báo và tạp chí mới trong ngày, còn sách để mẫu sẵn trong tủ dài dọc theo tường; học sinh có thể chọn sách báo hay tạp chí tùy thích, đọc xong cứ để lại chỗ cũ là được.
“Đây là một thư viện “mở” - chị Nguyễn Thị Hồng Thi, thủ thư của thư viện trường giới thiệu với chúng tôi. Mở vì ở đây có tủ sách, tủ báo cho học sinh vô đọc tự do tại chỗ. “Phải là thư viện mở để khuyến khích học sinh đến đọc chứ nếu quản lý chặt chẽ quá thì học sinh ngại đến” - chị Thi giải thích.Tất nhiên, theo chị, thư viện cũng đâu phải mở hẳn hoàn toàn, phải “vừa mở vừa đóng” vì có hệ thống sách tham khảo giá trị, muốn mượn phải thông qua thủ thư, có kỳ hạn.
Điều ngạc nhiên nhất của chúng tôi ở đây chính là qui mô của thư viện trường học này. Nó không kém gì so với một thư viện cấp huyện, thậm chí còn có nhiều điểm vượt trội hơn.
Với tổng diện tích khoảng 1.800 m2, thư viện trường được bố trí ở một khu riêng khá yên tĩnh, kho sách có trên 14 nghìn bản; trong đó có trên 8 nghìn bản sách giáo khoa và sách tham khảo trường học dành cho giáo viên và học sinh, số còn lại là sách phổ thông; có phòng đọc cho học sinh, phòng đọc riêng cho thầy cô giáo; tất cả đều được bày biện đẹp mắt, trang nhã, bối trí rất hợp lý. “Tính trung bình mỗi năm trường chi ra khoảng 30 triệu đồng để mua sách bổ sung, đủ loại sách” - chị Thi cho biết.
Để có một thư viện trường học khang trang như vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu còn có rất nhiều công sức của chị Nguyễn Thị Hồng Thi. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh với chuyên ngành thư viện, chị Thi về đây công tác từ năm 2003 và bắt tay vào xây dựng lại thư viện trường vốn là một kho sách lộn xộn trước đây thành một thư viện “chuyên ngành” cho trường học như hiện nay. Tất cả bắt đầu từ mô hình thư viện của một trường đại học khi chị đến thực tập tại TP Hồ Chí Minh. “Tôi đã đi rất nhiều thư viện trước đó, nhưng mô hình thư viện đại học này rất hay, thân thiện, khuyến khích người đọc đến đọc sách nên tôi nghĩ có thể áp dụng tại đây. Điều may mắn là được nhà trường rất ủng hộ”- chị Thi nói.
Không chỉ xây dựng một thư viện đẹp, chị Thi còn rất giỏi về nghiệp vụ thủ thư. Chị từng đoạt giải nhì nghiệp vụ thư viện cấp tỉnh, nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở của trường. Chính chị trong năm học 2014 - 2015 đã xây dựng một dự án phát triển thư viện trường học gửi ra Bộ Giáo dục - Đào tạo dự thi và đoạt giải, được Bộ cấp 55 triệu đồng bằng sách để bổ sung cho thư viện trường. Để khuyến khích học sinh đọc sách, bên cạnh việc tra cứu thư mục theo cách làm thông thường, chị còn phát triển hệ thống điện tử để học sinh trong trường có thể tìm sách tại thư viện thông qua mạng xã hội trên điện thoại thông minh.
|
Trong thư viện Trường THPT Đức Trọng. Ảnh: V.Trọng |
Ðưa sách đến từng lớp học
Là một ngôi trường nổi tiếng có truyền thống hiếu học của đất Đức Trọng và của cả tỉnh Lâm Đồng, năm học 2016 - 2017 này, THPT Đức Trọng có gần 1.500 học sinh trong 39 lớp học với 94 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác. Không chỉ là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia từ rất sớm, THPT Đức Trọng trong nhiều năm đã xây dựng được một thư viện trường học vào hàng lớn nhất trong các trường phổ thông tại Lâm Đồng hiện nay.
Sách nhiều, thư viện đẹp, phục vụ tốt chưa đủ, điều cần thiết là sách phải đến được tận tay học sinh và phải được đọc.
“Văn hóa đọc hiện nay đang bị văn hóa nghe nhìn lấn át. Nhiệm vụ của trường phải khuyến khích học sinh đọc, tận dụng được kho tri thức khổng lồ từ thư viện trường và đó là điều chúng tôi rất trăn trở”- thầy giáo Nguyễn Hữu Thái - Hiệu trưởng THPT Ðức Trọng cho biết.
Và một giải pháp được trường đưa ra, đó là đưa sách về đến tận từng lớp học, bắt đầu từ năm học 2015 - 2016 vừa rồi. 39 lớp học của trường trong năm nay đều được trang bị 39 kệ sách hay tủ sách, đây là tủ sách riêng cho từng lớp. Cán bộ lớp và giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp với thư viện trường để đưa sách về xếp trên các kệ sách này. Mục tiêu là đưa sách đến tận tay cho học sinh, để mỗi ngày, mỗi giờ ra chơi, lúc rảnh rỗi bất kỳ học sinh nào trong lớp cũng có thể lấy sách ra đọc. Sách đưa đến lớp, theo chị Thi, chủ yếu là sách về giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống như “Quà tặng cuộc sống”, sách về danh nhân, các tác phẩm kinh điển văn học Việt và thế giới… Lớp có trách nhiệm bảo quản tủ sách; cứ vài tuần sách từ các lớp lại luân chuyển với nhau.
Cùng với việc luân chuyển sách từ thư viện đến lớp học, trường còn tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến sách như phát động các cuộc thi kể chuyện theo sách, khuyến khích giáo viên ra bài tập có trong sách tham khảo để học sinh tìm đọc, khuyến khích học sinh đọc các tác phẩm văn học lớn và thảo luận về tác phẩm tại lớp. Trường còn phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức trưng bày và giới thiệu sách hay lứa tuổi học sinh cho học sinh toàn trường.
Và hiệu quả, theo thầy Thái là “trông thấy rõ”. Qua một năm áp dụng, số học sinh trong trường tham gia đọc sách đã tăng lên rất nhiều, thông qua số sách được mượn tại thư viện lẫn sách được sử dụng tại lớp.
Theo thầy Thái, nhà trường không chỉ khuyến khích học sinh đọc mà còn yêu cầu học sinh chia sẻ kinh nghiệm, điều hay lẽ phải từ sách cho các bạn trong lớp, khuyến khích học sinh có sách cũ ở nhà không dùng nữa có thể mang đến lớp để vào tủ sách cho các bạn trong lớp cùng đọc hoặc tặng cho thư viện trường, nhất là các bản sách quý.
Còn với chị Thi, mong muốn của người thủ thư giỏi này rất đơn giản, chị chỉ mong các thầy cô trong trường mỗi ngày lên lớp khi có dịp nên vận động học sinh đọc sách, đến với sách, coi đây như là nhiệm vụ chung của trường để làm sao các học sinh của mình mỗi ngày yêu và ham đọc sách hơn.
VIẾT TRỌNG