Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Phương án thi THPT Quốc gia 2017, Sở GDĐT Lâm Đồng đã có những chỉ đạo cũng như hướng dẫn các trường THPT điều chỉnh cách dạy và học để phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm thay cho thi tự luận như trước đây.
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố Phương án thi THPT Quốc gia 2017, Sở GDĐT Lâm Đồng đã có những chỉ đạo cũng như hướng dẫn các trường THPT điều chỉnh cách dạy và học để phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm thay cho thi tự luận như trước đây.
|
Các trường đang điều chỉnh cách dạy và học để phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh: T.Hương |
Giáo viên đầu tư - học sinh học kỹ
Theo Phương án thi THPT Quốc gia 2017 của Bộ GDĐT vừa công bố, trong 9 môn thi năm nay thì có đến 8 môn thi theo hình thức trắc nghiệm, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân; chỉ riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Đó là một điểm mới đáng chú ý khi các môn Toán, Lịch sử, Địa lý trước đây luôn thi theo hình thức tự luận thì nay lại thi theo hình thức trắc nghiệm; đồng thời, đây cũng là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân “có mặt” trong kỳ thi quan trọng này. Việc điều chỉnh cách dạy - học đang được Sở GDĐT và các trường THPT quan tâm để giúp học sinh làm quen với hình thức thi mới.
Là trường có đầu vào không cao, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Trường THCS&THPT Tây Sơn (Đà Lạt) luôn giữ vững ở mức 98,6%. Riêng năm học 2015 - 2016 vừa qua, Tây Sơn là 1 trong 7 trường trong toàn tỉnh đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%. Có được kết quả này là do công tác chỉ đạo về mặt chuyên môn tốt của Ban giám hiệu nhà trường và sự điều chỉnh khá nhanh cách dạy - học của giáo viên - học sinh trước những đổi mới của kỳ thi mỗi năm.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Văn Trai - Hiệu trưởng nhà trường thì với cách thi trắc nghiệm của năm nay, ban đầu giáo viên và học sinh gặp khá nhiều lúng túng trong cách dạy và học. Trước tình hình đó, nhà trường đã chỉ đạo tổ bộ môn họp, nghiên cứu, bàn phương pháp đổi mới cách dạy sao cho phù hợp.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức họp Ban Đại diện Cha mẹ học sinh để thống nhất kế hoạch ngoại khóa ôn tập cho học sinh lớp 12. Đồng thời, tổ chức khảo sát sơ bộ cho học sinh đăng ký các môn tự chọn để từ đó lên kế hoạch ôn tập theo từng đối tượng học sinh, trong đó, tăng cường phụ đạo đối với học sinh yếu. Bên cạnh đó, giáo viên cũng bám sát học sinh và thường xuyên liên lạc với phụ huynh để nắm rõ học lực của các em.
“Để dạy tốt và học tốt cách làm bài thi trắc nghiệm, giáo viên phải đầu tư bài giảng cũng như dạy đầy đủ chương trình, còn học sinh phải học nhiều hơn và học kỹ hơn để bao quát hết nội dung chứ không tập trung vào một trọng tâm nào như trước đây. Điều này cũng tránh được tình trạng học tủ, học lệch… Đến thời điểm này, cả thầy và trò của trường đã dần quen với phương thức thi mới. Kết quả một bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm mới đây của học sinh lớp 12 cũng tốt hơn so với làm bài tự luận”, thầy Trai chia sẻ thêm.
Dạy - học theo chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng
Nếu như hai năm trước (2015, 2016), nội dung thi THPT Quốc gia rải rác ở cả lớp 10, 11 và 12 thì năm 2017 chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12. Với số lượng câu hỏi trắc nghiệm nhiều, đòi hỏi học sinh phải nắm được kiến thức cơ bản của toàn bộ lớp 12. Tuy nhiên, các trường phải điều chỉnh phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá cho học sinh khối 10 và khối 11 chuẩn bị đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng đổi mới nội dung thi theo lộ trình: năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và 12; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.
Do vậy, Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn học sinh ôn tập để học sinh nắm vững kiến thức cũng như làm quen với phương thức thi trắc nghiệm. Trên cơ sở đó, đa số các trường đã điều chỉnh phương pháp kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm môn Toán, đối với các môn xã hội thì chuyển dần theo tỷ lệ 60% trắc nghiệm - 40% tự luận và tăng cường sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm để học sinh có thời gian làm quen; đồng thời, hướng dẫn cho học sinh kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm. Trong đợt kiểm tra học kỳ I sắp tới, Sở sẽ tổ chức ra đề và kiểm tra tập trung đối với 9 môn thi THPT Quốc gia 2017 theo phương án thi của Bộ GDĐT ở khối 12. Thời gian tới, Sở cũng sẽ tổ chức hội nghị định hướng dạy học, kiểm tra, đánh giá và chuẩn bị cho kỳ thi này.
Sở GDĐT Lâm Đồng là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai ngân hàng đề tham khảo để dùng trong giảng dạy và ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Trên cơ sở đề thi minh họa do Bộ GDĐT ban hành, trong tháng 10/2016, Sở đã tổ chức cho các trường học, các tổ bộ môn xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm ít nhất 1 môn 1 đề với các mức độ nhận thức khác nhau để tạo ngân hàng đề dùng chung cho tổ bộ môn. Đồng thời, đẩy mạnh việc sinh hoạt chuyên môn theo trường và cụm trường để nâng cao chất lượng câu hỏi và làm phong phú thêm ngân hàng đề. Với khoảng 60 đề ở 9 môn từ đơn vị cơ sở, Sở đã thẩm định và biên soạn ngân hàng đề với mỗi bộ môn có ít nhất 25 đề để phục vụ công tác giảng dạy, kiểm tra, ôn tập đáp ứng cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các trường có ít giáo viên hay đội ngũ giáo viên trẻ (đặc biệt là môn Giáo dục công dân) bớt lúng túng trong quá trình ra đề tham khảo. Đầu tháng 12 này, Sở sẽ chuyển ngân hàng đề về cho các trường triển khai ôn tập cho học sinh.
TUẤN HƯƠNG