Tôi nhớ anh Võ Khắc Dũng, Báo Lâm Đồng, người anh, người đồng nghiệp của tôi đồng hành trong chuyến đi Trường Sa cuối năm 2011, đầu năm 2012, trên con tàu HQ - 936 lênh đênh suốt một tháng trời Trường Sa bão tố...
(LĐ online) - Tháng 11, tháng 12. Lại đến mùa Trường Sa đổi quân, thay quân.
Tôi nhớ anh Võ Khắc Dũng, Báo Lâm Đồng, người anh, người đồng nghiệp của tôi đồng hành trong chuyến đi Trường Sa cuối năm 2011, đầu năm 2012, trên con tàu HQ - 936 lênh đênh suốt một tháng trời Trường Sa bão tố. Anh Dũng là nhà báo tôi rất cảm phục về tài năng và tình yêu nghề nghiệp. Tôi tìm điện thoại gọi cho anh. Thuê bao không liên lạc được. Tự dưng tôi có cảm giác gờn gợn, lên mạng tra tìm, thì anh đã mất rồi! Quá lâu không liên lạc, anh mất bữa tháng 1- 2016 này. Vậy mà tôi không hề hay biết chi cả!
|
Nhà báo Võ Khắc Dũng ở trên tàu HQ-936 đi Trường Sa. Ảnh: TRẦN HOÀI |
Trên con tàu HQ-936 lắc lư dữ dội, anh Dũng ngày nào cũng bật laptop để viết. Anh viết nhiều, vừa lênh đênh giữa biển cả nghìn trùng nhưng gần như ngày nào anh cũng có tin, bài, ảnh đăng trên hai tờ Lâm Đồng và Lao Động - nơi anh cộng tác thường xuyên.
Tôi nằm dưới sàn tàu, say sóng nôn hết không còn gì trong ruột. Anh Dũng ngồi trên giường, cứ nôn ọe xong là ngồi dậy viết. Tôi hỏi:
- Anh Dũng ơi, nghỉ say sóng đi. Viết chi nhiều vậy anh?
-Anh phải viết, anh không còn nhiều thời gian nữa. Anh sẽ viết một cuốn sách, nhật ký về Trường Sa, cứ cho là thế đi!
Anh Dũng mắc bệnh tiểu đường típ 3. Nặng lắm. Ngày nào anh cũng tự chích thuốc cho mình. Anh Dũng sinh năm 1962, nhập ngũ, chiến đấu ở biên giới phía Bắc, đến năm 1990 anh xuất ngũ, quân hàm trung sỹ, vào học ngành sử Trường Đại học Đà Lạt, rồi đi làm báo, viết văn. Rồi làm nhạc, làm ca khúc. Lĩnh vực nghệ thuật nào anh cũng có tác phẩm đáng nhớ, được ghi nhận.
Tôi vốn lười. Nhưng thấy anh Dũng viết dữ quá, nóng ruột, cũng bật dậy, tranh thủ những ngày biển êm, viết được mấy bài vừa ký vừa báo, đăng lên được mọi người nhớ đến.
Hầu như bài viết nào của anh vừa xong, anh đều đưa tôi xem. Sau này, tất cả những bài viết đó đều được xuất bản trong tập sách tuyệt vời của anh: "Nhật ký Trường Sa - Vạn lý nơi đầu sóng". Đúng như dự định của anh! Dường như anh cảm nhận đó là chuyến đi biển cuối cùng của đời anh. Nhiều buổi sáng tinh mơ, tôi thức dậy, thấy anh ngồi trầm ngâm nhìn ra cái cửa tròn trong khoang tàu. Ngoài kia là biển, vẫn sóng to. Sóng đánh vào mạn tàu tung bọt trắng xóa trùm lên cả ô cửa tròn nhỏ...
- Dậy đi chú Hoài! Bình minh tuyệt vời chú ơi. Ngủ lúc này phí lắm. Dậy mà tận hưởng thiên nhiên, chú Hoài ơi.
Tôi ngáp dài:
- Bình minh em xem rồi. Bình minh nào thì cũng thế thôi anh!
-Không, ở đây chú biết nơi nào không. Đảo Tiên Nữ kia rồi, điểm cực Đông ngoài biển của Tổ quốc rồi. Ngày hôm nay, chúng ta là những người đầu tiên đón bình minh của Tổ quốc chú ạ.
-Vậy sao anh không ra boong mà ngắm cho đã?
-Chú đi cùng anh nhé? Sóng to quá, một mình anh...
-Dạ anh!
Và đây, anh Dũng đã viết về ngày hôm đó:
"Tàu đến đảo Tiên Nữ rất sớm – chưa đến 5 giờ sáng. Người ta bảo, ở vùng biển Tiên Nữ, ta có thể nhìn thấy mặt trời mọc sớm nhất. Điều đó thật là thú vị! Tôi chưa có điều kiện xác nhận lại thông tin này nhưng quả thật, mặt trời ở đây mọc rất sớm. Khi tàu chưa kịp dừng, tức là chưa đến 5 giờ sáng, tôi đã leo vội lên boong trên với chiếc máy ảnh trong tay. Khoảng 5 giờ, mặt trời đã bắt đầu ngoi lên từ hướng biển phía đông. Nhưng đáng tiếc, sáng sớm nay, mây xám cả một góc trời… Biển như thể đang muốn giận dữ. Nhưng may quá, con tàu đi xuyên đêm để có thể đến kịp nơi này trước lúc mặt trời mọc.
Khác với dự đoán của tôi, đảo Tiên Nữ nhìn từ xa giống một pháo đài hơn là một… tiên nữ. Giữa biển nước mênh mông, Tiên Nữ “trồi” lên một pháo đài vững chắc, một pháo đài hình như có hình lục giác và có “mặt tiền” quay ra nhiều hướng. Vẫn mênh mông sóng nước, dập dềnh sóng nước, bao la sóng nước… Đảo chìm Tiên Nữ với pháo đài lục giác như đóng đinh vào sóng nước biển Đông và hóa thành một dấu chấm than khảng khái, quyết đoán… Phía xa hơn trong sương mù biển sớm, ngọn hải đăng sừng sững với thời gian. Ngọn hải đăng ở phía xa mờ ấy thêm một lần đóng đinh vào sóng nước biển Đông và thêm một dấu chấm than của sự khảng khái, quyết đoán… Tôi không biết thời gian mặt trời ở đây thường mọc sớm hơn nơi khác là bao nhiêu, chỉ biết rằng khi nó thức dậy thì pháo đài hình lục giác kia giống như một tấm gương phản chiếu ánh nắng mặt trời nên trở nên rực rỡ hơn trong bóng sóng dát bạc của biển cả. Những đám mây màu xám rồi cũng tan theo bóng nắng. Mặt trời lóa lòa cả một góc biển.
Cả đêm qua con tàu không ngủ. Nó xuyên đêm rẽ sóng. Con tàu, như xưa nay vẫn thế, không bao giờ cỡi lên sóng, không xé toạc biển cả mà chỉ nương theo sóng, nương theo gió để ra khơi. Lời chào biển cả mỗi khi rẽ sóng của con tàu bằng ba hồi còi dài nói lên nhiều điều lắm, ẩn chứa nhiều thông điệp lắm. Tôi biết rõ con tàu không làm điều gì hỗn hào với biển cả đâu! Bởi, dẫu là một con tàu to lớn, nhưng trước biển cả bao la, nó trở nên nhỏ bé vô cùng. Nó không thể khuất phục được biển cả. Cũng như vậy, sáng sớm nay, trên boong tàu, tôi nhìn về hướng mũi con tàu và bỗng nhận ra cái điều mà từ mấy hôm nay tôi không để ý: Vừa dừng lại ở vùng biển Tiên Nữ, con tàu dập dềnh lắc lư như đang làm lễ tạ ơn biển cả, tạ ơn mặt trời! Ở nơi mặt trời mọc sớm nhất này, việc con tàu tự làm lễ tạ ơn biển cả và mặt trời âu cũng là chuyện “phải đạo” của nó vậy! Và, tôi lại có cảm tưởng rằng con tàu chạy xuyên đêm để đến vùng biển Tiên Nữ trước khi mặt trời mọc chính là để kịp thời gian làm lễ tạ ơn vào đúng thời khắc mặt trời vừa nhô lên khỏi sóng.
Có một điều gì đó rất thiêng liêng ở nơi sóng nước Tiên Nữ này mà tôi không thể giải thích một cách tường tận!".
|
Ảnh Võ Khắc Dũng chụp trong chuyến công tác Trường Sa cuối năm 2011, đầu năm 2012 |
Điều thiêng liêng đó, phải chăng là tình yêu thiêng liêng của mỗi người dân Việt, trải lòng ra nếm trải niềm hạnh ngộ sơ khai và nguyên thể của mình với mẩu đất máu thịt xa xăm nhất của Tổ quốc của mình?
Những đêm trăng sáng, trời yên biển lặng, hai anh em và mọi người xách cây đàn guitar lên boong tàu, tâm tình, đàn hát. Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Tình yêu, Tổ quốc, Mẹ và Em... Bộ đội ngồi vây quanh anh em chúng tôi, cùng trò chuyện, chơi đàn và hát. Đó là những phút giây sung sướng, thảnh thơi, hạnh phúc trong đời...
Anh Dũng ngày càng viết nhiều hơn, nhanh hơn. Dường như anh vội vàng gấp rút, tận dụng từng phút ít ỏi trên con tàu HQ-936, mà anh biết sẽ rất khó trở lại... Anh cứ ra trò chuyện với bộ đội ở trên boong tàu chừng một giờ, rồi quay về buồng viết. Viết dở, anh lại ra trò chuyện với bộ đội. Con tàu lúc nào cũng có chừng 200 - 250 người vừa lính mới lẫn lính cũ và từ các đảo chìm đảo nổi thay quân nhau lên tàu, kể cho anh nghe bao nhiêu là câu chuyện. Anh bao giờ cũng là người có mặt trên trên chuyến xuồng đầu tiên lên các đảo. Anh hỏi chuyện mọi người, cặn kẽ, chi tiết, từ cái cách chăm sóc một cái cây non trồng trong chậu xốp đặt trên ban công tầng 3 đảo chìm Núi Le, rồi anh hướng dẫn cho một người sỹ quan có con trai bị bệnh hiểm nghèo cách tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh ở đất liền.
Buồng "Máy trưởng 2" nơi chúng tôi được bố trí ở trên tàu HQ-936, rất nhỏ, chừng 6 mét vuông, 4 giường, bố trí 8 người. Lúc nào cũng ồn ào người qua lại. Nhưng anh Dũng vẫn cứ lặng yên ngồi viết. Anh em lính cũ, lính mới ngồi trò chuyện. Có chuyện gì hay anh Dũng liền ngừng lại, lắng nghe, hỏi thêm rồi ngay lập tức anh viết luôn vào bài dang dở trên máy tính. Cuộc sống đã "chạy" thẳng vào trang viết của anh như thế...
Anh Dũng cười khà khà:
-Chú Hoài. Đi Trường Sa viết báo sướng thật. Câu chuyện, nhân vật cứ tự động đến "nộp mạng" cho mình. Chả cần đi đâu xa. Ngay trên con tàu HQ-936 này, có vô vàn câu chuyện chưa từng ai biết đến... Mà sao chú chơi nhiều thế. Viết đi chứ. Không viết thành bài thì ghi chép lại, sau này sẽ cần... Chú hãy nghe anh...
Tôi nghe anh, viết được bài bút ký "Trường Sa và bè bạn", gửi về nhà được toàn soạn cho đăng ngay. Người yêu cũ của tôi ở Sài Gòn đọc được, liền gọi điện: "Anh à, em đọc bài anh khóc sưng cả mắt. Sao ngày xưa anh chia tay, em không khóc một tí nào, mà giờ đọc bài Trường Sa của anh chẳng liên quan gì em lại khóc. Lạ thế chứ!". Tôi liền kể với anh Dũng chuyện đó. Anh cười:
-Đó, chú thấy chưa. Sức mạnh của ngôn từ, xuất phát từ sự chân thành là như vậy đó.
Sáng ngày 4-1-2012. Tàu HQ-936 thả neo tại vùng biển Cô Lin, nơi từng diễn ra trận đánh ngày 14-3-1988, 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hi sinh. Toàn tàu làm lễ tưởng niệm. Và đây là câu chuyện anh Dũng đã kể lại:
“Trường Sa những ngày này có gió to sóng lớn nữa không Tuấn? Nắng Trường Sa có rực rỡ như ngày nào Tuấn đã kể với mình không? Hay nơi đó vẫn chiều chiều sóng vỗ rì rầm bên bờ đại dương xanh mênh mông? (…). Nước mắt mình không còn nữa để khóc vì Tuấn, vì chúng ta…”. Tôi đã đọc được những dòng này trong nước mắt của một cô gái trên đất liền gửi người bạn tình là một liệt sỹ. Cô gái tên là Nguyễn Thị Dung, hiện là giáo viên cấp hai của một ngôi trường ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Còn chàng trai, người yêu của Dung, là Tuấn, Võ Đình Tuấn – một trong sáu mươi bốn chiến sỹ đã hy sinh tại cụm đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao vào ngày 14.3.1988. Đó là lá thư của Dung đã viết và không gửi cho Tuấn cách nay gần một phần tư thế kỷ.
Buổi lễ viếng hương hồn anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Trường Sa được tổ chức trên con tàu HQ936 vào sáng ngày 4.1.2012, khi con tàu vừa thả neo tại vùng biển Cô Lin – nơi diễn ra trận đánh ngày 14.3.1988. Buổi sáng trên đảo Cô Lin nắng rất đẹp. Gió yên, biển lặng. Sóng nhấp nhô, nhấp nhô.
Và bất ngờ, trong buổi lễ tưởng niệm ấy, một phóng viên nữ còn rất trẻ của Báo Ninh Thuận đã đến gặp và đề nghị thượng tá Nguyễn Văn Thư – Phó Chính ủy Lữ đoàn Trường Sa, trưởng đoàn công tác – cho phép làm lễ “trao” kỷ vật của một cô gái trên đất liền gửi cho liệt sỹ Võ Đình Tuấn, một trong 64 chiến sỹ đã hy sinh trong trận đánh ngày 14.3.1988 tại cụm đảo Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin. Sau lời khấn cầu của thượng tá Nguyễn Văn Thư, tôi dường như nhận thấy biển bỗng nhiên hiền hòa trở lại. Nơi mạn tàu, những con sóng chỉ lăn tăn vỗ về. Trời yên, biển lặng. Lòng biển thăm thẳm như thấu được nỗi lòng của người khấn cầu nên cứ lặng yên trong mùa giông bão Trường Sa.
Hồ Thị Hồng Nhạn, cô phóng viên trẻ của Báo Ninh Thuận, kể: “Kỷ vật này được chị Dung (Nguyễn Thị Dung), người yêu của liệt sỹ Võ Đình Tuấn, gửi cho anh Nguyễn Đình Quân, phóng viên Báo Tiền Phong, mang ra Trường Sa để “trao” cho anh Tuấn. Nhưng, trong chuyến đi này, anh Quân được phân công theo tàu tuyến bắc – tàu HQ996, nên đã gửi lại và nhờ em…”. Những nhà báo chúng tôi lênh đênh với Nhạn trên con tàu HQ936 đã hơn 20 ngày và ngày nào cũng “ra vào giáp mặt nhau” nhưng chưa một lần Nhạn “hé” cho chúng tôi về những kỷ vật của người phụ nữ tên là Dung nào đó. Mãi đến trước giờ làm lễ tưởng niệm, Nhạn mới kể: “Dung (Nguyễn Thị Dung) là người yêu của anh Tuấn, một trong 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đã hy sinh trong trận đánh ngày 14.3.1988 – trận đánh đã được lịch sử ghi lại. Kể từ lúc anh Tuấn chuẩn bị lên đường ra Trường Sa (đầu năm 1988) thì mối tình của họ đã trải qua gần một năm. Nhưng, đó lại là mối tình chưa có một nụ hôn!”. Đêm trước khi Tuấn ra Trường Sa làm nhiệm vụ, Tuấn và Dung đã gặp nhau trên biển Nha Trang (Khánh Hòa). Nhà báo Nguyễn Đình Quân kể lại sau khi gặp Dung để tìm hiểu về mối tình của Dung và liệt sỹ Tuấn: “Nếu biết lần chia tay ấy là lần vĩnh biệt, có lẽ Trang (tên nhân vật được thay đổi) đã bạo gan ngả đầu vào lòng Tuấn một lần, nắm chặt tay Tuấn một lần, để nước mắt mình rơi vào lòng Tuấn, để Trang không mãi mãi ân hận về tình yêu chưa có một nụ hôn…”. Nhưng, lần chia tay sau đêm gặp gỡ trên biển Nha Trang ấy lại là lần gặp gỡ định mệnh, là vĩnh biệt…
Sáng hôm sau, Tuấn lên đường ra Trường Sa. Và định mệnh: Người lính trẻ này đã vĩnh viễn nằm lại với biển đảo quê hương! Tuấn đã ra đi mãi mãi trong một trận đánh mà không biết rằng nơi đất liền kia đã có những kỷ vật…
Biển lặng. Hồn biển như đang hiện về!
(Chiều 4.1.2012 nơi vùng biển Cô Lin)
|
Ảnh Võ Khắc Dũng chụp trong chuyến công tác Trường Sa cuối năm 2011, đầu năm 2012 |
Sau đúng tròn một tháng lênh đênh Trường Sa, tàu HQ-936 cập bến cảng Cam Ranh, thì cũng là lúc anh Dũng gửi qua e-mail cho tôi bản thảo tập sách "Nhật ký Trường Sa - Vạn lý nơi đầu sóng". Ít lâu sau, nó đã được xuất bản cùng lúc với 4 tập sách nữa của anh, trong năm 2012. Đúng là anh Dũng đã dự liệu đến sự ra đi sẽ sớm đến với mình...
Anh Dũng à. Em không biết tin anh đã rời khỏi cõi đời này gần tròn một năm rồi. Em thật có lỗi. Chiều nay, em đang dự tính đi Trường Sa chuyến nữa, nhớ đến anh, gọi anh không được... Em viết bài này như một nén hương dâng lên hương hồn anh. Cầu mong anh siêu thoát và phù hộ cho mọi người, phù hộ cho em viết được nhiều và hay như anh!
16-11-2016
* Những đoạn văn của Võ Khắc Dũng trong bài, được trích từ bản thảo tập sách "Nhật ký Trường Sa - Vạn lý nơi đầu sóng" mà nhân vật đã gửi cho tác giả vào năm 2012.