Với sự phát triển, bùng nổ của thông tin vô tuyến điện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; nhu cầu sử dụng phổ tần số vô tuyến điện ngày càng cao, tần số vô tuyến điện ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, vấn đề quản lý tần số vô tuyến điện là một yêu cầu khách quan đối với tất cả các nước và cả cộng đồng thế giới.
Với sự phát triển, bùng nổ của thông tin vô tuyến điện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; nhu cầu sử dụng phổ tần số vô tuyến điện ngày càng cao, tần số vô tuyến điện ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, vấn đề quản lý tần số vô tuyến điện là một yêu cầu khách quan đối với tất cả các nước và cả cộng đồng thế giới.
|
Tháp viễn thông Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu |
Chú trọng tuyên truyền
Theo con số thống kê, hiện nay ở Lâm Đồng có 212 tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, với tổng số hơn 563 giấy phép. Trong đó có 121 đơn vị sử dụng thiết bị truyền thanh không dây ở xã phường; còn lại tập trung vào các lĩnh vực như: viễn thông (thông tin di động, truyền dẫn vi ba, bộ đàm taxi, hàng không,…); phát thanh truyền hình (phát thanh, truyền hình mặt đất); định vị dẫn đường (dẫn đường hàng không, ra đa thời tiết)… Ngoài ra, còn có hàng nghìn trạm phát sóng (BTS) của các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin di động (được cấp giấy phép sử dụng băng tần).
Từ năm 2005, khi Sở Bưu chính Viễn thông (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) được thành lập đã phối hợp tích cực với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII - Cục Tần số vô tuyến điện thực thi công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh.
Để tăng cường công tác quản lý vấn đề này, Sở đã phối hợp Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII xây dựng nội dung và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/2012/CT-UBND ngày 21/5/2012 về việc tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn (thay thế cho Chỉ thị số 06/2009/CT-UBND ngày 13/11/2009), đồng thời Sở cũng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện đúng quy định pháp luật về quy hoạch băng tần cho các đài truyền thanh không dây cấp xã, phường, thị trấn; thủ tục cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện; thu, nộp phí tần số…
Phổ tần số vô tuyến điện được đánh giá là nguồn tài nguyên quý hiếm và hữu hạn của quốc gia, được ứng dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đơn vị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực tần số vô tuyến điện cho các đối tượng sử dụng thuộc các lĩnh vực như viễn thông, phát thanh truyền hình, các mạng thông tin thuộc nghiệp vụ lưu động dùng riêng, nội bộ, đặc biệt là các đơn vị sử dụng đài truyền thanh không dây. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền Luật Tần số vô tuyến điện; Thông tư 05/2015/TT-BTTTT ngày 23/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện; Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; Thông tư số 112/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện ...
Tăng cường công tác quản lý
Cùng với công tác tuyên truyền, đơn vị đã kịp thời chấn chỉnh nhiều hành vi vi phạm về lĩnh vực tần số vô tuyến điện thông qua công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, trong đó có việc xử lý nhiều vụ can nhiễu thông tin vô tuyến điện. Vào năm 2015 đã xử lý triệt để nguồn gây can nhiễu cho mạng thông tin di động 3G của Mobile phone, nguyên nhân do 72 hộ gia đình sử dụng máy điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 không phù hợp quy định của Việt Nam về băng tần gây ra, nên trong năm 2016 không còn xuất hiện hiện tượng can nhiễu nói trên.
Đồng thời, thông qua công tác đo thông số kỹ thuật của thiết bị phát thanh, phát hình và thiết bị truyền thanh không dây đã kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục nhiều thiết bị không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hạn chế nguy cơ gây can nhiễu thông tin vô tuyến điện do thiết bị không đảm bảo chất lượng khi hoạt động gây ra.
Theo ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng, trong thời gian tới, để công tác quản lý và sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện bảo đảm đúng quy định, đáp ứng các nhu cầu về thông tin, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; tránh hiện tượng can nhiễu có hại thông tin vô tuyến điện, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến an toàn thông tin thì việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến là hết sức cần thiết. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, trước hết cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tần số vô tuyến điện; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý tần số vô tuyến điện như về chứng nhận hợp quy, thẩm định tính phù hợp với quy hoạch ngành, các quy định về chất lượng thiết bị, trước khi đưa thiết bị vào sử dụng phải tiến hành các thủ tục xin cấp phép sử dụng và thực hiện đúng quy định ghi trong giấy phép; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo các đài truyền thanh - truyền hình địa phương, các đài truyền thanh không dây của xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, đặc biệt về tần số vô tuyến điện; khi đầu tư, mua sắm trang thiết bị phát sóng phải thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh.
PV