Nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa 2016 – 2020

08:11, 18/11/2016

Ðến nay, toàn tỉnh có 87% số hộ đạt Gia đình văn hóa (GÐVH) (250.460 hộ); 87% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa (1.350 khu dân cư); 115/148 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 45 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; 95,5% cơ quan văn hóa. Ðó là thành quả sau 15 năm nỗ lực thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000 - 2015...

Ðến nay, toàn tỉnh có 87% số hộ đạt Gia đình văn hóa (GÐVH) (250.460 hộ); 87% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa (1.350 khu dân cư); 115/148 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 45 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; 95,5% cơ quan văn hóa. Ðó là thành quả sau 15 năm nỗ lực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2015. Kế thừa kết quả đã đạt được, 5 năm tiếp theo (2016 - 2020), ngành Văn hóa Lâm Ðồng đã đặt ra vấn đề: làm thế nào để phát triển phong trào bền vững, có chiều sâu, hiệu quả, chất lượng và thiết thực.
 
Nông thôn mới xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương. Ảnh: Văn Báu
Nông thôn mới xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương. Ảnh: Văn Báu
Xác định văn hóa phải thực sự là sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động toàn dân toàn diện, đòi hỏi sự đoàn kết, chung sức của toàn xã hội, của mọi cấp, mọi ngành. Vì vậy, để nâng cao chất lượng phong trào, việc quan trọng đầu tiên là đẩy mạnh sự phối hợp thường xuyên, liên tục, chặt chẽ của MTTQ và đoàn thể các cấp; phát huy ý chí tự nguyện, tự giác của nhân dân, vai trò tự quản của cộng đồng để phong trào phát triển bền vững.
Lâm Ðồng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu hút được 50% trở lên người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; 100% số xã - phường - thị trấn có nhà văn hóa, trên 80% khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng; trong đó trên 50% thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã - thôn đạt chuẩn theo quy định. 85 - 90% gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; 98% cơ quan, đơn vị văn hóa; 77% xã chuẩn văn hóa nông thôn mới; 80% phường - thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đề ra như: Xây dựng “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến, xây dựng con người có đủ phẩm chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hóa; biểu dương “người tốt, việc tốt” ở các cấp để họ trở thành những tấm gương cho mọi người học tập, từ đó nhân rộng điển hình tiên tiến. Đồng thời, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Đó còn là đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái; đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Toàn dân chấp hành tốt pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. 
 
Trong đó, nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa: Nâng cao nhận thức và ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong xây dựng GĐVH; ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tự quản cộng đồng ở khu dân cư trong quá trình xây dựng và giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa. Thực hiện nghiêm túc việc công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” theo quy định của pháp luật bằng cách nghiêm túc thực hiện tốt quy trình bình xét ở cơ sở một cách dân chủ, công khai minh bạch, căn cứ đúng tiêu chí của ngành đề ra. Phát huy vai trò của Ban Mặt trận ở khu dân cư trong việc tuyên truyền, vận động, bình xét và công nhận các danh hiệu GĐVH, khu dân cư văn hóa.
 
Xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa hội đủ các tiêu chí: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường công sở văn hóa, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, ở đó người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường nông thôn văn hóa. 
 
Bên cạnh đó, phong trào phải luôn gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội như: Bổ sung các nội dung văn hóa phù hợp với thực tiễn; gắn kết chặt chẽ văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy vai trò của các yếu tố văn hóa, nhân tố con người trong phát triển kinh tế, xã hội. Gắn phong trào với các cuộc vận động xã hội rộng lớn như: ngày vì người nghèo, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xây dựng văn hóa giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội… Gắn kết việc thực hiện nhiệm vụ các ngành đoàn thể với phong trào như: phụ nữ với cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Hai giỏi”, nông dân với “thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; Đoàn Thanh niên với các phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Bảo vệ dòng sông quê hương”, “Xung kích tình nguyện vì cộng đồng”; Công an với việc “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”; Quân đội với “Xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; Giáo dục với “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Từ đó, tạo nên phong trào phù hợp với từng đối tượng nhân dân, thiết thực, hiệu quả, rộng lớn và đi vào chiều sâu; xây dựng đời sống văn hóa trở thành nếp sống, nếp nghĩ, thành hành động của đồng bào nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 
 
QUỲNH UYỂN