(LĐ online) - Ít nhất với hàng chục ngôi nhà đã bị ngập sâu trong nước, hàng trăm hecta hoa màu đang trong thời kỳ chờ thu hoạch bị nước lũ nhấn chìm…
* Gần 1.000ha hoa màu bị nhấn chìm trong nước
(LĐ online) - Ít nhất với hàng chục ngôi nhà đã bị ngập sâu trong nước, hàng trăm hecta hoa màu đang trong thời kỳ chờ thu hoạch bị nước lũ nhấn chìm…
Theo bà Phạm Thị Tâm (ngụ tại xóm Bãi, thị trấn Đ’Ran, Đơn Dương), cho đến sáng nay (ngày 4/11), gia đình vẫn bì bõm lội nước về nhà để tiếp tục đưa đồ đạc kê lên cao tránh lũ. Cũng theo bà Tâm, sau khi nhận được thông báo thuỷ điện tiến hành xả lũ, tối qua trắng đêm gia đình bà hầu như không ngủ để “canh nước lên”, và đưa tài sản có gia trị kê lên cao. Đến rạng sáng, nước tràn vào nhà quá nhanh, cả gia đình phải ra thị trấn ngủ nhờ. “Nằm chờ trời sáng chứ có ngủ được đâu, cả đêm tôi cứ lo nhà bị nước cuốn trôi” – bà Tâm lo lắng.
Cũng chung tình cảnh, trong đêm 3/11, khi nhận được thông báo xả lũ, gần hai chục hộ dân ở xóm Bãi nằm ngay dưới chân đập thuỷ điện Đa Nhim đã tiến hành di dời tài sản, vật nuôi để chạy lũ. Một số người dân tại đây cho biết, hơn 10 năm qua đến nay hồ thuỷ điện Đa Nhim mới tiến hành xả lũ với lưu lượng lớn như vậy. Dòng nước chảy cuồn cuộn và dâng quá nhanh, cuốn trôi nhiều diện tích rau màu, và tài sản của bà con, trong đó nhiều người bổng chốc đã trắng tay vì lũ.
Theo thống kê nhanh của huyện Đơn Dương, đến 15 giờ chiều 4/11, toàn huyện có gần 1.000ha rau màu bị ngập sâu trong nước sau khi thuỷ điện Đa Nhim tiến hành xả lũ. Diện tích này chủ yếu thuộc địa bàn các xã, thị trấn nằm dọc đôi bờ con sông Đa Nhim. |
Nằm cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ tại khu phố Quảng Lạc, thị trấn Đ’Ran), kể lại: “Hồ thuỷ điện họ bắt đầu xả lũ từ sáng hôm qua, đến chiều tối thì bắt đầu xả nhiều hơn, cứ một giờ là nước xả thêm một 100m
3, đến tối, xả đến 700m3 trên giây nên bà con trong vùng bắt đầu thu dọn tài sản chạy lũ, dù vậy nhiều người vẫn không kịp trở tay”.
Ghi nhận hiện trường vào trưa cùng ngày, gần 20 căn nhà của người dân thuộc khu vực Quảng Lạc (thị trấn Đ’Ran), nằm dưới chân đập hồ thuỷ điện Đa Nhim đã bị ngập sâu trong nước. Trong đó, một số căn ngập gần đến nóc nhà, nhiều tài sản bị nước cuốn trôi. Trong đêm 3/11, chính quyền địa phương cũng huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an để hỗ trợ người dân di tản đồ đạc, đưa người đến nơi an toàn.
Túc trực tại hiện trường, Trung uý Mai Văn Hùng (cán bộ Công an huyện Đơn Dương), cho biết: Từ tối qua đến rạng sáng nay, lực lượng công an huyện đã hỗ trợ 20 hộ dân thuộc khu vực dưới chân đập di dời đến nơi an toàn, riêng hoa màu của bà con chưa kịp thu hoạch vẫn chìm trong nước lũ.
Ngoài những vườn rau trồng ngoài trời còn có nhiều loại rau trồng trong nhà kính, nhà lưới cũng bị nước lũ nhấn chìm. Đặc biệt, các đoạn qua địa bàn xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Ka Đô… nước dâng sát đến sát quốc lộ 27. Tại cầu Ka Đô, nước lũ chảy cuồn cuộn, làm ngập hàng chục mét hai bên cầu. Chính quyền xã Ka Đô và Lạc Lâm phải huy động lực lượng chốt chặn, không để người dân lưu thông qua cầu từ đêm 3/11.
Phó chủ tịch UBND xã Lạc Lâm Trương Văn Kiên, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã hoàn tất việc di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Riêng hoa màu, toàn xã có gần 100ha bị ngập trắng 100% chưa kể diện tích rau trồng trong nhà kính, nhà lưới hiện đang được thống kê”.
Về quy trình xả lũ, trước đó hai ngày, đơn vị quản lý thuỷ điện Đa Nhim cũng thông báo cho huyện Đơn Dương về kế hoạch xả nước trong hồ. Sau đó, chính quyền địa phương đã thông báo đến người dân bằng nhiều phương tiện truyền thông để chủ động thu hoạch hoa màu, di dời tài sản.
Ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, cho biết: “Ngay khi nhận được kế hoạch xả lũ của nhà máy thuỷ điện, huyện đã chủ động thông báo sớm cho người dân để họ kịp thời di dời tài sản có giá trị đến nơi an toàn”.
Dù được thông báo trước, nhưng nhiều hộ dân vẫn không kịp thu hoạch hết diện tích rau màu ngoài đồng. Theo các hộ dân, đây là đợt xả lũ lớn nhất kể từ hơn 10 năm qua. Nhiều gia đình chỉ kịp chạy lấy người và một số tài sản có giá trị trong nhà đến nơi an toàn, còn lại các vườn rau màu thì bị nước lũ nhấn chìm, coi như mất trắng. “Nước xả lớn quá gia đình tôi thu hoạch rau màu không kịp, giờ gần 1ha cà chua và đậu leo chìm trong nước coi như mất trắng” - nhà vườn Lê Hồng Ngọc (thị trấn Đ’ran, Đơn Dương) - buồn rầu nói.
Một số hình ảnh nhà cửa, hoa màu của người dân chìm trong nước lũ:
Thụy Trang