"Giàn mướp cô trồng hôm nay lên xanh mát lắm, hôm nào có quả, cô kêu cháu xuống lấy về cho mấy đứa nhỏ ăn nhen" - cô Nguyệt gọi cho tôi, chỉ để nhắn nhe vài điều như thế. Nếu không có duyên gặp, tôi thực sự sẽ khó hình dung rằng bà là một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có nhiều chiến tích đánh Mỹ, được Bác Hồ viết thư khen ngợi.
|
Bà Lê Thị Thu Nguyệt - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân |
“Giàn mướp cô trồng hôm nay lên xanh mát lắm, hôm nào có quả, cô kêu cháu xuống lấy về cho mấy đứa nhỏ ăn nhen” - cô Nguyệt gọi cho tôi, chỉ để nhắn nhe vài điều như thế. Nếu không có duyên gặp, tôi thực sự sẽ khó hình dung rằng bà là một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có nhiều chiến tích đánh Mỹ, được Bác Hồ viết thư khen ngợi. Thời bình, bà trở về là người phụ nữ, người vợ, người mẹ bình thường, chăm sóc bữa cơm cho chồng con và sẻ chia với người thương quý bằng những rau trái sạch mình trồng được trên sân thượng.
Cô gái nhỏ và những trận đánh lớn
Lê Thị Thu Nguyệt là một trong hai nữ thành viên đầu tiên của đội Biệt động Sài Gòn (BĐSG). Cô tham gia BĐSG từ năm 1959, khi vừa 16 tuổi. Nhưng trước đó, từ năm 12, 13 tuổi, khi còn là một cô bé nhỏ xíu, mảnh khảnh, cô Nguyệt đã nhiều lần lao vào hiểm nguy để làm giao liên, đưa thư từ liên lạc cho chú mình - một người nuôi giấu cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ.
Hoàn cảnh gia đình cô Thu Nguyệt khá éo le: Ba thường xuyên đi kháng chiến xa nhà, Thu Nguyệt thường ở cùng bà, các cô, các dì trong vùng kháng chiến. Trong một chuyến công tác lên vùng núi hẻo lánh, mẹ cô bị sốt ác tính, thiếu thuốc điều trị nên ra đi khi không được nhìn mặt chồng con lần cuối. Ba cô sau đó lấy vợ hai, mong mẹ kế sẽ chăm sóc con gái chu đáo cho ông an tâm công tác. Nhưng không ngờ đó là những ngày tuổi thơ nhiều đọa đày, ẩn ức của cô khi phải sống chung người phụ nữ hai mặt. Một mặt hiếp đáp, một mặt tỏ ra thương quý con chồng khi có mặt chồng. Về sau, khi ba quyết định đi tập kết ra Bắc, Thu Nguyệt được gửi về ở cùng người chú là thợ cắt tóc khu vực Đa Kao, Sài Gòn. Ông chú là người chất phác, nhiệt tình với cách mạng. Tình yêu cách mạng và tinh thần chiến đấu được chắp nối từ ba mẹ, người chú qua Thu Nguyệt từ những ngày ấu thơ.
Năm 1963, đội BĐSG nhận nhiệm vụ gài mìn nổ chậm vào máy bay Boeing 707 chở cố vấn quân sự Mỹ. Để có cơ hội vào - ra tìm hiểu mục tiêu, đưa mìn nổ chậm vào khu vực nghiêm ngặt an ninh như sân bay, nhiều tháng ròng, Thu Nguyệt buộc phải đóng vai người tình đang mang thai của một kỹ sư trong sân bay, vốn là một đồng chí cùng chung chiến tuyến. Trong “bụng bầu” là một chiếc túi du lịch, chứa gói thuốc nổ C4 cài đồng hồ hẹn giờ. Thu Nguyệt đã vượt qua mọi sợ hãi, điều tiếng và cả những lời chỉ trích từ phía gia đình, xã hội khi làm người thứ ba của một người đàn ông đã có gia đình, để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sau khi có cơ hội đánh tráo túi du lịch đựng mìn với túi của một đại tá Mỹ, đưa vào khoang hành lí, Thu Nguyệt thở phào vì giải tỏa được bao ấm ức khi làm người thứ ba. Theo kế hoạch, mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút, bay trên Biển Đông, nhưng chiếc Boeing 707 sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu được hai phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng, những tài liệu quan trọng bị cháy. Hàng chục sĩ quan cấp tá Mỹ bị thương vì vừa xuống sân bay, gần khu vực máy bay phát nổ. Dù các tướng tá cố vấn Mỹ thoát chết nhưng cú nổ đã gây chấn động thế giới, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tầm nhìn về chiến tranh Việt - Mỹ bấy giờ.
Hơn 50 năm sau trận đánh vang dội khi mới vừa 19 tuổi, cô Thu Nguyệt háo hức chia sẻ: “Tuy kết quả không như ý vì không tính toán được việc trang thiết bị của mình bị vô hiệu hóa khi máy bay lên quá cao nhưng trận đó gây tiếng vang rất lớn. Chúng tôi được Bác Hồ điện vào khen: Quân dân miền Nam không chỉ đánh Mỹ ở miền Nam mà còn đánh Mỹ trên đất Mỹ”.
Từng dự lễ… truy điệu của mình
Lê Thị Thu Nguyệt với bí danh Chim Sắt, Mỹ Linh… là nữ anh hùng từng tham gia các trận đánh đầu tiên của đội BĐSG. Đặc biệt là trận đánh bom làm nổ tung máy bay địch tại sân bay Honolulu (bang Hawaii, Mỹ).
|
Là một thiếu nữ bé nhỏ nhưng Thu Nguyệt luôn nhận nhiệm vụ đánh cảm tử, từng hai lần được truy điệu sống vì những nhiệm vụ “một đi không trở lại”. Đó là lần chuyển 20 kg thuốc nổ TNT được ngụy trang trong hai thùng dầu phộng từ Củ Chi về Bình Chánh, khi đến ngã ba Ðức Hòa (Long An) thì bị địch chặn lại định khám xét. Trước tình thế gay cấn, Thu Nguyệt đã đưa tay sờ nụ xòe (gắn sẵn trong thùng dầu) sẵn sàng đánh cảm tử. Lúc ấy, cô bình tĩnh nói với địch: “Tôi là con gái tướng Trần Tử Oai (tướng chính quyền Sài Gòn) về quê ngoại chơi, ngoại cho dầu mang về. Các anh mà đụng đến, coi chừng tôi nói ba chuyển các anh xuống vùng IV chiến thuật (Mộc Hóa, Ðịnh Tường)”. Nghe đến đây, địch vội vàng xuống giọng, không khám xét nữa.
Một lần khác, cô cùng đồng đội đánh bom vào MAAG (Trụ sở cố vấn Mỹ tại Sài Gòn). Nhiệm vụ gay cấn tới mức khi bom mìn nổ bụi tung đầy trời, mọi người cùng chạy về phía xa mục tiêu và quay ngay về căn cứ để đảm bảo bí mật và bảo toàn tính mệnh. Thu Nguyệt lúc này phải rất vất vả mới quay lại được chiến khu và bất ngờ khi thấy anh em đang tổ chức… ghi công mình trong tiếng nhạc trầm hùng của bài Hồn tử sĩ. Thì ra các anh nghĩ cô em nhỏ đã thiệt mạng không thể trở về.
Sau những trận đánh oai hùng, Thu Nguyệt được tuyên dương Chiến sĩ thi đua của Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Cũng trong năm 1963, bà bị bắt. Bản án khổ sai 20 năm không làm cho Lê Thị Thu Nguyệt, khi đó mới 19 tuổi, lung lay. Trải qua 11 năm bị địch tra tấn đủ mọi hình thức trong các nhà tù khét tiếng, từ An ninh quân đội, Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo… nhưng bà vẫn yêu đời, tin vào cuộc sống và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối địch ngay trong chốn lao tù.
Sự tiếp nối xứng đáng từ Mẹ
11 năm chịu áp bức, tăm tối trong tù ngục, tới năm 1974, sau khi trao trả tù binh, cô Nguyệt mới trở về cuộc sống khi tuổi xuân đã trôi qua. Cô lập gia đình với đại tá Đỗ Khánh Vân - công tác tại Quân khu 7 và gắn bó với công tác Hội phó Hội LHPN Quận Tân Bình, Bí thư chi bộ, Trưởng cửa hàng lương thực trung tâm thành phố. Những di chứng chiến tranh cùng với giới hạn về tuổi tác khiến bà phải trải qua năm lần sẩy thai mới được làm mẹ lần đầu. May mắn, sau đó bà sinh được hai con trai khôi ngô, mạnh khỏe.
Trở về với cuộc sống bên ngoài nhà tù, cô Nguyệt đối mặt với trăm ngàn khó khăn khác. Đó là những ngày tháng vừa phải chăm lo công tác, vừa phải nuôi heo mới đủ trang trải nuôi con, trong khi chồng biền biệt công tác. Tới khi heo đủ lớn để tính chuyện bán buôn thì bị chết vì… côn trùng cắn. Đó là những ngày con triền miên khát sữa, hai vợ chồng khó khăn tới mức phải bấm bụng dùng một lon sữa vừa qua hạn sử dụng cho con và phải ôm con vào viện, đối diện với những trận đi tiêu tới rộc rạc của con… Sau những vất vả ấy, những đứa con của cô vẫn lớn lên, trưởng thành, ngoan ngoãn, học giỏi và luôn thương yêu, kính trọng ba mẹ.
Ở trung tâm phòng khách nhà cô Thu Nguyệt không có huân, huy chương, bằng khen chiến công của anh hùng, của những tháng ngày vào sinh ra tử. Cô xếp lại hết để tự hào với những tấm bằng tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ, ở Anh của hai con trai. Cô chia sẻ: “Đời mình, ngày trẻ chỉ ao ước được học hành tới nơi tới chốn nhưng do đất nước chiến tranh, không thực hiện được, nên tới đời con phải quyết đầu tư cho con, không nề hà gì”. Quả thật, đến cả việc bà cho con đi học ở Anh, Mỹ vào những năm 90 cũng mang nhiều điều tiếng vì nhiều người cho rằng: “Mẹ đánh Mỹ mà nay con lại đi học trên đất của kẻ thù”. Bà vẫn kiên định vì cho rằng thế hệ trẻ cần phải tiếp thu khoa học - kỹ thuật ở các nước tiên tiến nhất, để phục vụ nước nhà sau này. Những người Mỹ mang ý đồ xâm lược Việt Nam mới là người xấu chứ ngay từ trong chiến tranh vẫn có những người dân Mỹ cất tiếng nói phản chiến, bảo vệ hòa bình. Điều gì tiến bộ thì mình đều cần học hỏi.
Hiểu lòng ba mẹ nên tốt nghiệp loại giỏi và có nhiều cơ hội mời gọi ở nước ngoài nhưng hai người con vẫn quay về Việt Nam. Thạc sĩ Đỗ Khánh Vinh (33 tuổi), tốt nghiệp khoa Hàng không không gian ở Boston (Mỹ), hiện làm việc tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam và thạc sĩ Đỗ Khánh Hiếu, tốt nghiệp đại học ở Anh, ngành Hóa, đang công tác tại một tập đoàn lớn.
“Mẹ là niềm tự hào lớn của chúng tôi. Chúng tôi đi đâu cũng mang theo lời mẹ: “Phải luôn tự hào mình là người Việt Nam”, anh Khánh Vinh chia sẻ. Anh Vinh là Bí thư đoàn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, vẫn luôn tích cực tham gia hoạt động đoàn thể tại địa phương, cơ sở, tham gia những chuyến “về nguồn”, chia sẻ với những câu chuyện, tâm tư các cô chú thế hệ ba mẹ. Đó là cách để những người thanh niên trẻ ấy tiếp lửa nhiệt tình và yêu thương từ thế hệ trước truyền lại mãi sau này.
Võ Thu Hương