Nhờ thực hiện tốt dân chủ cơ sở trong học đường, nhiều trường học tại Ðạ Tẻh đã tạo nên sự đoàn kết, nhất trí trong tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Nhờ thực hiện tốt dân chủ cơ sở trong học đường, nhiều trường học tại Ðạ Tẻh đã tạo nên sự đoàn kết, nhất trí trong tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
|
Giờ thể dục của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi - Đạ Tẻh. Ảnh: G.Khánh |
Phát huy trách nhiệm người đứng đầu
Toàn huyện Đạ Tẻh hiện nay có 34 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 33 CĐCS của 33 trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện quản lý, 1 CĐCS còn lại tại Phòng GD-ĐT với tổng cộng trên 900 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là công đoàn viên đang sinh hoạt tại các CĐCS này.
Theo ông Đinh Nam Việt, Chủ tịch Công đoàn GD-ĐT Đạ Tẻh, nhiều năm nay, Công đoàn GD-ĐT huyện đã yêu cầu các CĐCS xây dựng và thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ cơ sở trong trường học theo tinh thần của ngành chỉ đạo.
Trong đó đã yêu cầu các trường xây dựng và thực hiện các qui chế tại đơn vị mình như Qui chế chi tiêu nội bộ, Quy chế làm việc của trường, Quy chế phối hợp công tác giữa nhà trường và Công đoàn, Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở... Tất cả các qui chế này phải được niêm yết cho mọi người cùng biết, được công khai hóa rộng rãi thông qua các kênh như họp Hội đồng giáo viên, Hội nghị công chức - viên chức - người lao động hằng năm...
Công đoàn GD-ĐT huyện yêu cầu các trường học trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn viên đóng góp ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, công tác hoạt động hằng năm của đơn vị; công khai chế độ, chính sách tiền lương; thu nhập tăng thêm, nâng lương trước thời hạn, thi đua khen thưởng… cho công đoàn viên biết và góp ý.
Công đoàn huyện đề nghị cấp ủy và chi bộ của các trường đưa nội dung thực hiện dân chủ cơ sở vào tiêu chí thi đua và bình xét công nhận các danh hiệu hằng năm; phân công cụ thể cho cán bộ, đảng viên trong trường phụ trách công tác này, gắn thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với nhiệm vụ cơ quan, với cải cách hành chính và việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại đơn vị mình.
Để phát huy dân chủ cơ sở, Công đoàn GD-ĐT huyện cũng yêu cầu các tổ chức, đoàn thể trong trường học nâng cao trách nhiệm, đồng thời cấp ủy Đảng cũng cần tăng cường vai trò chỉ đạo. Đặc biệt là việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể là Hiệu trưởng và các thành viên trong Ban Giám hiệu. Các trường cần có giải pháp để cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Nâng chất lượng giáo dục
Cho đến nay, việc thực hiện qui chế dân chủ cơ sở trong trường học trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, theo Công đoàn GD-ĐT huyện đánh giá, đã đi vào nền nếp và được hầu hết các trường học thực hiện rất tốt.
Cụ thể, theo ông Việt, tất cả các trường học tại huyện đến nay đều có hòm thư góp ý để mọi người có thể đóng góp ý kiến.
“Thực hiện nghiêm túc qui chế dân chủ cơ sở đã tạo kỷ cương, nề nếp, đồng thuận trong nội bộ nhà trường, mọi người giúp nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của trường học”. (Theo ông Ðinh Nam Việt, Chủ tịch Công đoàn GD-ÐT Ðạ Tẻh)
Hầu hết các trường học đến nay đều đã ban hành nội quy hoạt động của trường, xây dựng qui chế dân chủ trong hoạt động, dịp đầu năm học phổ biến kế hoạch năm học và những nội dung liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, thầy cô giáo, học sinh trong trường học cho mọi người biết.
Trong hoạt động của mình, tất cả các trường học trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức họp phụ huynh học sinh, ít nhất mỗi năm 3 lần vào đầu năm học, giữa năm học và cuối năm học để thông báo kế hoạch, nhiệm vụ năm học, thông báo kết quả học tập của học sinh, lắng nghe ý kiến của phụ huynh, thống nhất công tác phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình học sinh.
Hầu hết các trường, theo ông Việt, cũng thực hiện tốt việc đối thoại giữa Ban Giám hiệu với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường thông qua các hội nghị đối thoại trực tiếp. Hằng năm, hiệu trưởng các trường phối hợp với cấp ủy và Ban Chấp hành Công đoàn cùng tiến hành đánh giá công chức, viên chức, xét đề nghị nâng lương, quyết định khen thưởng tập thể và cá nhân.
Ban Thanh tra nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong trường như Công đoàn, Đoàn thanh niên cũng từng bước hoạt động có hiệu quả hơn. Hiệu trưởng các trường đã tạo điều kiện cho Ban Thanh tra nhân dân thực hiện quyền giám sát sử dụng ngân sách, tài sản; thực hiện nội quy, quy chế của đơn vị.
Trong nội bộ trường, cán bộ, giáo viên, nhân viên đã từng bước phát huy quyền làm chủ thông qua hội nghị công chức - viên chức đầu năm học, nhà trường chú ý tiếp thu các ý kiến, giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo nếu có theo luật định. Chính vì vậy, trong vài năm gần đây, trong ngành hầu như giảm hẳn chuyện đơn thư khiếu nại, mỗi năm Công đoàn ngành chỉ giải quyết “một số thắc mắc nhỏ” như ông Việt cho biết.
Và điều đáng nói nhất, theo ông Việt, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong trường học đã góp phần không nhỏ để người lao động an tâm công tác, đóng góp tích cực cho việc dạy và học của trường, chất lượng giáo dục của nhiều trường học đã có những chuyển biến rõ rệt.
GIA KHÁNH