Phối hợp quản lý rừng vùng giáp ranh Bảo Lâm

08:11, 04/11/2016

Toàn huyện Bảo Lâm hiện có 79.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 54% diện tích tự nhiên, bao gồm rừng đặc dụng (5.346 ha), rừng phòng hộ (9.867 ha) và rừng sản xuất (63.797 ha)...

Toàn huyện Bảo Lâm hiện có 79.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 54% diện tích tự nhiên, bao gồm rừng đặc dụng (5.346 ha), rừng phòng hộ (9.867 ha) và rừng sản xuất (63.797 ha). Diện tích rừng của huyện Bảo Lâm giáp ranh với thành phố Bảo Lộc và các huyện Di Linh, Cát Tiên, Ðạ Tẻh, Ðạ Huoai (tỉnh Lâm Ðồng), Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận), Ðắk Glong, Ðắk R’Lấp (tỉnh Ðắk Nông). Rừng ở vùng giáp ranh thường xảy ra các điểm “nóng”. Vậy, những năm qua, việc phối hợp giữa các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh ra sao?
 
Kiểm tra rừng giáp ranh tại khu vực Thủy điện Đồng Nai 5. Ảnh: H.Sang
Kiểm tra rừng giáp ranh tại khu vực Thủy điện Đồng Nai 5. Ảnh: H.Sang
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho 3 chủ rừng là các doanh nghiệp (DN) nhà nước, 3 cộng đồng dân cư, 367 gia đình và 56 tổ chức, DN tư nhân quản lý. Đối với huyện Bảo Lâm, lực lượng quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng tại vùng giáp ranh với tỉnh Đắk Nông gồm Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Lộc Bắc, UBND xã Lộc Bảo, UBND xã Lộc Lâm, UBND xã Lộc Phú, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm; lực lượng QLBV rừng tại vùng giáp ranh với tỉnh Bình Thuận gồm Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Lộc Nam và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri; lực lượng QLBV rừng tại vùng giáp ranh với 5 huyện, thành phố trong tỉnh gồm Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Lộc Bắc, UBND xã Lộc Tân, UBND xã Lộc Thành, UBND xã Lộc Ngãi, UBND xã Lộc Phú, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri. 
 
Cùng với việc phân công trách nhiệm cụ thể cho lực lượng QLBV rừng nói trên, trong giai đoạn 2008 - 2015, Huyện ủy Bảo Lâm đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/HU và trong giai đoạn 2015 - 2020, Huyện ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. 
 
Rừng ở khu vực giáp ranh là địa bàn trọng điểm, thường xảy ra tình trạng phá rừng khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản… trái phép. Thực hiện Quy chế phối hợp, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm và các huyện có rừng giáp ranh trao đổi thông tin; tổ chức kiểm tra, truy quét; tổ chức giải tỏa cây trồng trái phép trên đất lâm nghiệp và hỗ trợ, phối hợp xác minh các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng…

Theo đó, UBND huyện cũng đã ban hành kế hoạch triển khai các nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy; đồng thời, tổ chức ký kết Quy chế phối hợp về công tác QLBV rừng với các huyện trong và ngoài tỉnh có rừng giáp ranh. Năm 2013, UBND huyện Bảo Lâm đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với các huyện của tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận. Năm 2014, UBND huyện Bảo Lâm đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với các huyện, thành trong tỉnh...

Riêng trong năm nay, rừng ở vùng giáp ranh Bảo Lâm đã “nóng” lên tình trạng khai phá rừng lấy gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp; “ken”, đục khoét cây đổ hóa chất để tận diệt cây rừng rồi lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nổi cộm là ở khu vực xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Tân, Lộc Ngãi và Lộc Phú. Qua kiểm tra, truy quét tại những khu vực rừng giáp ranh, lực lượng QLBV rừng đã phát hiện 167 vụ vi phạm. 
 
Những hành vi vi phạm chủ yếu là phá rừng trái phép (41 vụ, thiệt hại 26,6 ha rừng); khai thác rừng trái phép (73 vụ, tịch thu 367 m3 gỗ); vận chuyển lâm sản trái phép (36 vụ, tịch thu 37 m3 gỗ); mua bán, cất giấu, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép (17 vụ, tịch thu gần 49 m3 gỗ các loại). Trong số những vụ vi phạm này, số vụ đã được xử lý hành chính là 134 vụ và xử lý hình sự 1 vụ; tịch thu 3 xe ô tô, 37 xe máy. Hiện còn tồn đọng 32 vụ đang được tiến hành xử lý (do mới phát hiện). 
 
Khu vực 2 xã Lộc Bắc và Lộc Bảo, diện tích rừng có tới 40.000 ha, giáp ranh với các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Đắk Glong và Đắk R’Lấp. Tại đây hiện đã có 20 DN thuê rừng và 5 công trình thủy điện lớn, nhỏ đã đi vào hoạt động. Đây là địa bàn hết sức khó khăn trong việc QLBV rừng. Đặc biệt, tại khu vực hồ Thủy điện Đồng Nai 5, trong thời gian gần đây, tình hình phá rừng diễn biến rất phức tạp. Lâm tặc khai thác lâm sản chủ yếu vận chuyển về phía Đắk Nông (qua cầu sắt). Trong thời gian vừa qua, lực lượng QLBV rừng kiểm tra, phục bắt nhiều vụ vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, lâm tặc tìm mọi cách để đối phó, chống trả, nên công tác ngăn chặn, bắt giữ gặp phải khó khăn.  
 
Riêng tại khu vực Thủy điện Đồng Nai 5, rạng sáng 8/7/2016, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) đã phục bắt quả tang nhóm lâm tặc (do Hà “đen” cầm đầu), bắt giữ 8 đối tượng và tang vật. Tuy nhiên, vào ngày 1/8/2016, tại đây lại tiếp tục xảy ra vụ phá rừng (Khoảnh 3, Tiểu khu 390A), các lực lượng chức năng đã phối hợp mật phục, truy bắt được các đối tượng phá rừng. 
 
Tại xã Lộc Tân, khu vực rừng giáp ranh giữa 3 huyện (Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai) diễn biến cũng hết sức phức tạp. Lâm tặc rất manh động, dùng hung khí (dao, mã tấu) chống trả lại lực lượng QLBV rừng hoặc đối phó bằng cách theo dõi, phá rừng khi vắng bóng lực lượng kiểm tra… 
 
Mặc dù đã có Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh, nhưng theo UBND huyện Bảo Lâm: “Việc tổ chức triển khai Quy chế đã ký kết đạt hiệu quả chưa cao. Việc duy trì họp giao ban định kỳ để đánh giá hiệu quả thực hiện Quy chế phối hợp thực hiện chưa tốt. Rừng tại vùng giáp ranh xa khu trung tâm, đường sá đi lại khó khăn, không đủ lực lượng để canh gác liên tục, nên lâm tặc có “cơ hội” xâm hại đến rừng và săn bắt động vật hoang dã…”. Đây chính là những vấn đề còn tồn tại đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị giao ban và ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa các huyện trong và ngoài tỉnh, do UBND huyện Bảo Lâm vừa mới tổ chức vào tháng 10/2016.           
 
XUÂN LONG