Với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực đồng hành của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, công tác đối ngoại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần đưa Lâm Đồng đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực đồng hành của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, công tác đối ngoại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần đưa Lâm Đồng đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Sở Ngoại vụ Lâm Đồng (1/11/2011 - 1/11/2016), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Đào Thành Trung - Giám đốc Sở Ngoại vụ Lâm Đồng về những hoạt động đối ngoại mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong thời gian qua.
PV: Thưa ông, sau 5 năm thành lập, với vai trò là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý và tham mưu về hoạt động đối ngoại, ông có thể khái quát bức tranh đối ngoại hiện nay của tỉnh Lâm Đồng?
|
Ông Đào Thành Trung - Giám đốc Sở Ngoại vụ Lâm Đồng |
Ông Đào Thành Trung: Trước tiên, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đối ngoại, tạo nền tảng pháp lý trong việc quản lý và thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại tại địa phương. Có thể khái quát một số kết quả nổi bật như sau:
Trong lĩnh vực ngoại giao chính trị, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp đón hơn 1.000 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh; trong đó, đáng chú ý là các đoàn lãnh đạo cấp cao từ nguyên thủ quốc gia đến cấp Bộ trưởng, Đại sứ, Tổng Lãnh sự các nước và lãnh đạo chính quyền các địa phương của các nước Hoa Kỳ, Lào, Cam-pu-chia,… Đồng thời, tỉnh đã thiết lập được mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với một số địa phương trên thế giới như: tỉnh Đông Phờ-len-đơ (Vương quốc Bỉ); thành phố Guri, Chun-chơn (Hàn Quốc); tỉnh Chăm-pa-sắc (CHDCND Lào).
Trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại phong phú và đa dạng như: Tuần lễ phim nước ngoài (Pháp, Hàn Quốc,…); Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Văn hóa Trà; các chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Nam Tây Nguyên tại các chương trình đón tiếp đoàn ngoại giao, hội nghị, hội thảo quốc tế, sự kiện lớn.
Trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì, tổ chức một số hội nghị, hội thảo quan trọng, tập trung vào công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp và an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh việc hợp tác với các nhà đầu tư tiềm năng và truyền thống như JICA, JETRO (Nhật Bản), các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan… góp phần tích cực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã ký kết 10 thỏa thuận quốc tế và biên bản ghi nhớ với các địa phương có quan hệ hợp tác và các tổ chức phi chính phủ, trong đó, nổi bật là các chương trình hợp tác đã ký kết với tỉnh Đông Phờ-len-đơ (Vương quốc Bỉ), tỉnh Chăm-pa-sắc (Lào), tổ chức JICA (Nhật Bản).
Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng triển khai trên 30 chương trình, dự án, viện trợ phi dự án với tổng giá trị giải ngân đạt gần 2 triệu USD/năm, chủ yếu trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo, giải quyết các vấn đề xã hội… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) được cấp giấy phép hoạt động.
Trong công tác đối ngoại nhân dân, thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, hàng năm, tỉnh Lâm Đồng tổ chức chương trình “Gặp mặt kiều bào về quê ăn tết” nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa bà con kiều bào với quê hương và chính quyền địa phương.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang xúc tiến việc thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia. Đây sẽ là cầu nối để gắn kết hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Cam-pu-chia nói chung và mở ra cơ hội hợp tác, kết nghĩa giữa tỉnh Lâm Đồng với các địa phương của phía bạn.
PV: Những khó khăn trong công tác đối ngoại nói chung và hội nhập quốc tế nói riêng của tỉnh Lâm Đồng hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Đào Thành Trung: Trước hết, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp hơn. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự kiến; giá cả một số mặt hàng giảm sâu, kéo theo suy giảm thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu, khủng bố và dịch bệnh có xu hướng trầm trọng hơn. Các vấn đề khu vực, nhất là tranh chấp lãnh thổ, biển đảo căng thẳng hơn đang có những tác động nhất định đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh, gây khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa, kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch…
Trình độ phát triển mọi mặt của Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng còn thấp hơn mặt bằng chung của khu vực và thế giới, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu, thu hút FDI và ODA còn thấp hơn so với các địa phương khác. Môi trường đầu tư của tỉnh chưa thật sự hấp dẫn do vị trí địa lý ở xa các cảng biển và các trung tâm kinh tế lớn. Do đó gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và hội nhập quốc tế nói riêng đã được đào tạo, bồi dưỡng, đã có kinh nghiệm, nhưng vẫn chưa đủ cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế toàn diện.
PV: Theo ông Sở Ngoại vụ sẽ đóng vai trò gì trong bối cảnh cả nước và tỉnh đang hết sức tích cực tham gia vào các hoạt động khi mà các hiệp định thương mại đã, đang và sẽ có hiệu lực?
Ông Đào Thành Trung: Thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; Sở Ngoại vụ với chức năng là cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý hoạt động đối ngoại, sẽ đóng vai trò là cầu nối - kết nối Lâm Đồng với bạn bè quốc tế. Vai trò này sẽ được thể hiện ở những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Trước tiên, tiếp tục tham mưu hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cùng đó, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tập trung xây dựng Chương trình hành động cụ thể về hội nhập quốc tế của địa phương, trọng tâm là hợp tác kinh tế đối ngoại, theo hướng khả thi, cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, với lộ trình thực hiện và phân công thực hiện rõ ràng, chi tiết.
Lâm Đồng cũng cần đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, xây dựng và thực hiện Chương trình hoạt động ngoại giao văn hóa hàng năm; chủ động xây dựng, triển khai và nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại, quảng bá về tỉnh Lâm Đồng ra thế giới.
Tiếp tục triển khai tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bà con kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước (về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính …); làm tốt công tác lãnh sự bảo hộ công dân; tăng cường công tác thanh tra ngoại giao và công tác quản lý phi chính phủ nước ngoài.
Cuối cùng, Sở Ngoại vụ với vai trò của mình sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về các hiệp định thương mại thế hệ mới nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ CBCC, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh về vị trí, vai trò của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại toàn cầu trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THU VÂN (thực hiện)