Sử dụng lao động trẻ em, nhất là tại địa bàn nông thôn là vấn đề lâu nay rất được xã hội quan tâm. Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã có Quyết định số 2254/QÐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn toàn tỉnh.
Sử dụng lao động trẻ em, nhất là tại địa bàn nông thôn là vấn đề lâu nay rất được xã hội quan tâm. Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã có Quyết định số 2254/QÐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn toàn tỉnh.
|
Ngoài giờ lên lớp, Ma Trang lao động để giúp đỡ gia đình. Ảnh: C.Tú |
Ông Trần Tuấn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ - TB&XH) cho biết: “Mục tiêu của chương trình là thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội để phát triển. Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành, tổ chức, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em về lao động trẻ em. Hỗ trợ và can thiệp kịp thời 100% trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật khi có thông báo”.
Theo kế hoạch đề ra, sẽ có các mô hình thí điểm về tập huấn kỹ năng sống cho trẻ như: kỹ năng hòa nhập cộng đồng, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp, trợ giúp gia đình có lao động trẻ em sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động sẽ được giúp đỡ để cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với từng độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. |
Những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được tăng cường tại nhiều địa phương với sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, cộng đồng và chính quyền, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Các huyện, thành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nghiêm túc các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là vấn đề trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Mặc dù được quan tâm, nhưng tình hình lao động trẻ em ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Di Linh… vẫn là vấn đề còn nan giải.
Đến thôn Ha Wai (Tu Tra, Đơn Dương) rất nhiều người ngỡ ngàng khi được hỏi về cụm từ “Lao động trẻ em”, theo họ, con trẻ đi làm việc là một chuyện rất bình thường và từ bao đời nay con cháu của họ vẫn thế. Trưởng thôn Ja Túc cho biết: “Thôn có 116 hộ, 1.015 nhân khẩu, đa phần bà con đều làm nông nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. Đặc biệt, có khoảng 15 cháu đang độ tuổi đi học phải nghỉ giữa chừng để đi làm thuê làm mướn hay một buổi đi học, một buổi đi làm”.
Ghé nhà Ma Bia (53 tuổi, cùng thôn), bà cùng hai đứa cháu sống trong ngôi nhà tạm bợ. Bà bảo rằng chúng mồ côi bố, riêng bà thì đau ốm triền miên, còn mẹ chúng đi làm thuê chưa về. Cháu trai của bà là Ja Sân (15 tuổi) đã nghỉ học, đang bươn chải để tìm kế sinh nhai qua từng ngày, còn cô cháu gái Ma Trang (13 tuổi) sau mỗi buổi đi học thì cắt cỏ nuôi bò. Ma Trang tâm sự: “Cuộc sống cực khổ nên em phải phụ giúp bà để có thêm đôi đồng. Ai gọi làm thuê em đều tranh thủ tối đa. Nhiều lúc cũng muốn được vui chơi như các bạn cùng trang lứa nhưng mình không làm thì không còn ai khác”.
Cũng theo ông Tuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em lao động sớm nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do đói nghèo, điều kiện kinh tế chưa phát triển. Nhiều gia đình không thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho con em nên các em phải tự dùng sức lao động của mình để kiếm tiền giúp trang trải cuộc sống gia đình như: bán vé số dạo, đánh giày, đến mùa vụ thu hoạch cà phê thì đi hái thuê cho những chủ vườn ở địa phương… Điều đặc biệt là một số trẻ ở trong điều kiện như gia đình tan vỡ do ly hôn, sự vô trách nhiệm của gia đình với con cái đã dẫn đến một số em bị mất điểm tựa, phải sớm lao vào lao động để mưu sinh.
Nhận thức rõ ràng về việc học tập của con cái mình, anh Phạm Tấn Hùng (thôn Lạc Nghĩa, Ka Đơn, Đơn Dương) cho hay: Ngày xưa tôi rất vất vả, phải lao động từ sớm nên biết rõ cái cám cảnh đó. Nay gia đình tương đối có điều kiện về kinh tế, tôi quyết tâm cho con cái ăn học để thoát khỏi nghèo đói. Con tôi còn quá nhỏ nên không làm công việc gì cả, nếu lớn hơn một tí thì có thể cho cháu phụ giúp cha mẹ.
Qua trao đổi, không chỉ rất nhiều người dân chưa rành rẽ về vấn đề lao động trẻ em mà ngay một cán bộ của Phòng LĐ-TBXH của một huyện cũng bỡ ngỡ khi phóng viên trao đổi, họ giả sử rằng nếu trẻ em bán vé số dạo có vi phạm hay không, đến vụ thu hoạch cà phê đi hái thuê thì như thế nào?
Hy vọng với những mô hình thí điểm nằm trong kế hoạch để phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em sẽ không còn những trường hợp “mất tuổi thơ” như Ja Sân, Ma Trang và bổ túc kiến thức cho người dân lẫn người làm công tác quản lý.
CẨM TÚ