Nhà nước ta có nhiều chính sách ưu việt dành cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội, trong đó có chính sách trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em, người khuyết tật.
Nhà nước ta có nhiều chính sách ưu việt dành cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội, trong đó có chính sách trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em, người khuyết tật.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao là trợ giúp pháp lý (TGPL) cho đồng bào DTTS, người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em, người khuyết tật, đối chiếu với thực lực của đơn vị và nhu cầu của thực tế có sự khó khăn lớn, do đội ngũ trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), cộng tác viên pháp lý (CTVPL) và ngân sách đầu tư cho công tác TGPL có hạn, trong lúc nhu cầu TGPL rất lớn, với số lượng các đối tượng được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí rất lớn, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, vất vả, nhiều lĩnh vực cần được TGPL… Trước thực tế đó, BGĐ Trung tâm trợ giúp pháp lý (TTTGPL) Lâm Đồng triển khai chức năng, nhiệm vụ được giao một cách khoa học, sát thực tế để đạt được kết quả như mong muốn.
Theo đó, một mặt Trung tâm thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ TGVPL, CTVPL bằng những việc làm cụ thể thiết thực như: Tạo điều kiện cho 12 TGVPL tại 2 phòng nghiệp vụ và 2 chi nhánh trực thuộc Trung tâm, tại 10 phòng tư pháp huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc, được tham gia các khóa đào tạo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về các bộ luật, các luật sửa đổi; kỹ năng TGPL; không ngừng củng cố, mở rộng mạng lưới TGPL ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho 11 Tổ CTV TGPL (với 233 CTV TGPL) hoạt động; phối hợp với Đoàn Luật sư Lâm Đồng hình thành Tổ CTV TGPL với 26 luật sư tham gia giữ vai trò luật sư công trong các phiên tòa hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính và phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, nhà tạm giữ của công an tạo điều kiện cho các TGVPL, CTVPL tham gia tố tụng, tiến hành TGPL cho các đối tượng khi được yêu cầu… Mặt khác, tiến hành khảo sát, tổng hợp nhu cầu TGPL của các đối tượng, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch TGPL tại chỗ, lưu động, hoặc tham gia tố tụng miễn phí một cách chặt chẽ, phù hợp với đặc điểm, trình độ của từng đối tượng, từng địa bàn, từng loại hình, từng lĩnh vực tranh chấp dân sự, khiếu nại hành chính, hôn nhân gia đình, hình sự… Đồng thời, thành lập Tổ đánh giá chất lượng TGPL để đánh giá chất lượng, hiệu quả TGPL của các TGVPL, CTVPL theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Tư pháp.
Với những việc làm cụ thể, thiết thực nói trên, công tác TGPL trên địa bàn Lâm Đồng những năm qua không ngừng tăng về số lượng, lẫn chất lượng, hiệu quả. Chẳng hạn, 10 tháng đầu năm 2016, 2 phòng nghiệp vụ và 2 chi nhánh trực thuộc TTTGPL Lâm Đồng đã thực hiện 3.021 vụ việc TGPL cho 3.021 đối tượng được thụ hưởng TGPL miễn phí.
Về mặt chất lượng, qua đánh giá 875 vụ việc, số vụ việc đạt chất lượng tốt chiếm 765 vụ, số vụ đạt chất lượng 111 vụ, không có vụ việc nào các đối tượng được TGPL miễn phí không hài lòng, khiếu nại, thắc mắc.
Cùng với việc nâng cao số lượng, chất lượng TGPL, việc đa dạng hóa các hình thức TGPL cũng đã tạo điều kiện thuận lợi và sự hài lòng của các đối tượng được TGPL. Theo đó, trong tổng số 3.021 vụ việc TGPL 10 tháng đầu năm 2016, có 2.147 vụ việc do TGVPL thực hiện, 315 vụ việc do CTVPL thực hiện, trong 101 vụ tham gia bào chữa miễn phí tại các phiên tòa, có 63 vụ do TGVPL thực hiện, 38 vụ do CTVPL thực hiện và có 332 vụ việc TGPL tại trụ sở TTTGPL, chi nhánh TGPL, 2.583 vụ TGPL lưu động tại địa bàn các xã, phường, thị trấn, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK. Ngoài ra, kết hợp với TGPL, TTTGPL Lâm Đồng còn in ấn, phát miễn phí 14.000 tờ gấp pháp luật cho người dân tham gia các cuộc TGPL tại cơ sở, góp phần nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, tôn trọng pháp luật của người dân.
Nói về hiệu quả của công tác TGPL thời gian qua, ông Đỗ Xuân Hùng - Giám đốc TTPL Lâm Đồng cho biết: Thông qua các cuộc TGPL, các đối tượng là người yếu thế trong xã hội không những được tư vấn pháp luật, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, mà còn nâng cao được sự hiểu biết về pháp luật, để từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật theo phương châm: Sống và làm việc theo Hiến pháp, Pháp luật, nhất là đối với đồng bào DTTTS. Tuy nhiên, để hiệu quả công tác TGPL đạt được cao hơn, theo ông Hùng, cần tăng cường hơn kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác TGPL, đặc biệt là cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ cho công tác TGPL cho xã nghèo, thôn nghèo theo Quyết định 59/QĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, các CTVPL cần chịu khó nghiên cứu, cập nhật kiến thức pháp luật hơn, nhằm đáp ứng được nhu cầu TGPL trong tình hình hệ thống quy phạm pháp luật của đất nước thường xuyên thay đổi.
HOÀNG KIẾN GIANG