Bằng tất cả tấm lòng yêu thương học trò và tâm huyết với nghiệp "trồng người", những thầy giáo, cô giáo ngày ngày không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn "thắp" lên "ngọn lửa" say mê học tập cho biết bao thế hệ học trò.
Bằng tất cả tấm lòng yêu thương học trò và tâm huyết với nghiệp “trồng người”, những thầy giáo, cô giáo ngày ngày không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn “thắp” lên “ngọn lửa” say mê học tập cho biết bao thế hệ học trò.
Người thầy “truyền lửa” tin học
|
Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, Trường THPT Chuyên Thăng Long (Đà Lạt) |
Đó là thầy Nguyễn Ngọc Tuấn - Trường THPT Chuyên Thăng Long (Đà Lạt). Nhắc đến thầy là nhắc đến những thành tích vẻ vang của bộ môn Tin học mà Lâm Đồng đạt được trong thời gian qua. Từ các giải cao của đội tuyển môn Tin học trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đến các giải nghiên cứu khoa học, rồi giải Tin học trẻ không chuyên toàn quốc, và mới đây nhất là thủ khoa kỳ thi THPT quốc gia 2016 cũng là học sinh lớp Tin học của thầy…, bộ môn phụ này dần trở thành thế mạnh của Trường THPT Chuyên Thăng Long. Đặc biệt ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2015 - 2016 vừa qua, trong các giải nhì (giải cao nhất tỉnh đạt được) thì môn Tin học “ẵm” được 1 giải và được tham dự vòng 2 - vòng dự tuyển Olympic quốc tế.
Dù vậy, khi nói về những thành tích này, thầy Tuấn không nhận đó là công lao của mình mà theo thầy: “Đó là sự nỗ lực của chính các em học sinh, sự quan tâm của phụ huynh và sự hỗ trợ của nhà trường. Nhất là những năm gần đây, Sở GD-ĐT tạo điều kiện cho thầy và trò được tiếp xúc với các chuyên gia Tin học trên cả nước nên chúng tôi có cơ hội học hỏi nhiều hơn. Còn thầy giáo chỉ là người nhen lửa, động viên và theo sát các em mà thôi”.
Rất ít lời khi nói về bản thân nhưng thầy lại vô cùng hào hứng khi nói về Tin học và kể về học sinh của mình. Tốt nghiệp Sư phạm môn Tin học, sau đó là Thạc sĩ Khoa học máy tính Trường Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, hơn 17 năm giảng dạy môn Tin học thì có đến 14 năm thầy Tuấn tham gia bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, và năm nào môn học này cũng đều đặn “rinh” được giải về.
Từ sự tâm huyết, trăn trở với môn học này mà thầy Tuấn miệt mài nghiên cứu cũng như đầu tư thời gian, công sức tìm tòi những kiến thức mới nhất để truyền đạt cho học sinh.
Thầy để ý phát hiện những học sinh có tố chất từ khi mới vào trường, rồi kiên trì bồi dưỡng, ngày ngày truyền “ngọn lửa” đam mê từ chính mình sang cho các em.
“Em thích môn Tin học nhưng để có động lực tham gia thi học sinh giỏi môn này thì thầy Tuấn chính là người động viên, khích lệ và “thắp lửa” cho em”, Trần Chí Hào - lớp 12 Tin Trường THPT Chuyên Thăng Long, đoạt giải nhì Tin học quốc gia năm học 2015 - 2016 chia sẻ.
Là tổ trưởng bộ môn Tin học, vừa tham gia bồi dưỡng đội tuyển nên thầy Tuấn dành nhiều thời gian cả ngoài giờ lên lớp để lên kế hoạch cụ thể cho từng nhiệm vụ. Nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm học 2014 - 2015, thầy đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Nói về thầy, cô Nguyễn Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thầy Tuấn là một người rất khiêm tốn, giỏi chuyên môn, được Hội đồng sư phạm nhà trường tín nhiệm cao trong công tác giảng dạy, thầy rất quan tâm đến công tác đào tạo mũi nhọn môn Tin học. Thầy là tấm gương sáng để đội ngũ giáo viên trong trường noi theo, đặc biệt là cách “truyền lửa” cho học sinh”.
“Thủ lĩnh” thanh niên “nhen lửa” phong trào
|
Thầy Trần Nguyên Vũ, Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Liên huyện phía Nam (Đạ Tẻh) |
Về Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú (DTNT) Liên huyện phía Nam (Đạ Tẻh), giờ ra chơi vào hai ngày cuối tuần có lẽ là sôi động và hứng thú nhất đối với các em học sinh dân tộc thiểu số (DTTS). Bởi, dưới sự chỉ huy của thầy Trần Nguyên Vũ - Bí thư Đoàn trường, các trò chơi dân gian thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đó là một trong những kế hoạch hoạt động ngoài giờ của phong trào Đoàn, Đội được thầy Vũ xây dựng theo từng tuần, từng tháng để tạo sân chơi cho học sinh DTTS.
Là giáo viên dạy Vật lý, thầy Vũ kiêm thêm vai trò Tổng phụ trách (TPT) Đội từ những năm mới về trường và gần đây là Bí thư Đoàn trường. Làm công tác chuyên môn nên những ngày đầu, thầy Vũ gặp không ít khó khăn khi tham gia phong trào. Không quản ngại, thầy chịu khó học hỏi kỹ năng từ sách vở, từ những người đi trước, sưu tầm các trò chơi dân gian trên mạng để đổi mới cho học sinh đỡ nhàm chán…
Bên cạnh tự bồi dưỡng chuyên môn, thầy mạnh dạn tham gia các hội thi TPT Đội giỏi do Huyện Đoàn kết hợp với Phòng GD-ĐT Đạ Tẻh tổ chức. Và nhiều năm liền, thầy đạt danh hiệu TPT Đội giỏi cấp huyện; được Sở GD-ĐT tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ khi mới công tác đến nay; được Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh tặng giấy khen TPT Đội hoàn thành xuất sắc trong việc thực hiện công tác xây dựng Đội và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2008 - 2013; Bí thư Huyện Đoàn tặng giấy khen thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác năm 2012; Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học năm học 2011 - 2012; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2012 - 2013; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” năm học 2014 - 2015…
Công tác ở ngôi trường đặc thù là học sinh DTTS, thầy cô vừa là người dạy học, vừa là người cha, người mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, tinh thần cho học sinh. Đó cũng là tâm niệm của thầy Vũ từ khi mới đặt chân đến Trường THCS - THPT DTNT Đạ Tẻh. Bởi theo thầy, học sinh DTTS thường nhút nhát nhưng rất thật thà, khi tạo được niềm tin thì sẽ được các em yêu mến.
Thầy Vũ luôn hòa đồng cùng học sinh trong học tập, lao động cũng như tăng gia sản xuất.
Ở trong khu tập thể của giáo viên, làm trong Ban quản lý khu nội trú, thầy kiêm luôn “thợ” sửa chữa điện, nước cho phòng ở của học sinh. Có lẽ vì vậy mà thầy được các em xem như một người thân để tin tưởng, chia sẻ tâm tư. Dần dà, học trò ai cũng yêu mến thầy và từ đó, các em tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Đó cũng là yếu tố để phong trào của trường ngày càng lớn mạnh, đem về nhiều thành tích cho trường và cả cho người thầy “thủ lĩnh” thanh niên này. “Đối với học sinh DTNT, các em ở xa gia đình nên mình phải cố gắng tạo ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí để các em bớt nhớ nhà. Qua đó, tạo được tình cảm yêu trường, yêu lớp của học sinh và giúp tỷ lệ duy trì sĩ số của trường nhiều năm liền trên 98%”, thầy Vũ tâm sự.
Cô giáo Nùng “thắp lửa” hiểu biết cho học sinh mầm non
|
Cô Gịp Quỳnh Thu Mi, Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (Di Linh) |
Gịp Quỳnh Thu Mi - cô giáo người dân tộc Nùng ở Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (Di Linh) được nhiều đồng nghiệp và phụ huynh tin yêu bởi sự nỗ lực, tìm tòi trong việc giúp trẻ mầm non thêm hiểu biết.
Liên tục đoạt giải nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, rồi cấp tỉnh, đó là cả một quá trình của người “uốn” những “mầm non” này.
Trong giảng dạy, bản thân cô Mi luôn cảm thấy mình cần phải nâng cao chất lượng chuyên môn làm sao để có thể lôi cuốn trẻ hứng thú tham gia vào các hoạt động học tập một cách tích cực hơn, đồng thời giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn.
Trong quá trình tổ chức hoạt động, cô luôn cố gắng chuẩn bị tốt đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin và chú ý về tính thẩm mĩ để gây sự chú ý, lôi cuốn trẻ tham gia vào học tập một cách hứng thú, tiếp thu kiến thức được truyền thụ một cách hiệu quả hơn.
Cũng chính từ những trăn trở đó đã thúc đẩy cô Mi nghiên cứu và đưa ra hai giải pháp được Trường Mẫu giáo Vành Khuyên xem là “chìa khóa” giúp trẻ nâng cao nhận thức và hiểu biết. Đó là “Giải pháp giúp trẻ 4 tuổi duy trì hứng thú khám phá sự thay đổi của thực vật” và đề tài “Hình thành và rèn luyện thao tác rửa tay cho trẻ 5 tuổi”.
Đối với giải pháp thứ nhất, cô Mi lựa chọn khi đứng lớp Chồi - nhóm lớp có không ít trẻ cá biệt và hiếu động. Cô Mi đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp kích thích trẻ 4 tuổi hứng thú khám phá sự thay đổi của thực vật trong hoạt động tìm hiểu khám phá môi trường xung quanh với phương châm “Học mà chơi - Chơi mà học”. Sau một năm áp dụng các giải pháp này, các cháu có nhiều tiến bộ như: đã hứng thú hơn khi tham gia hoạt động; biết thực hiện công việc một cách hứng thú, cùng nhau gieo hạt, chăm sóc cây, hứng thú khi khám phá ra sự thay đổi của cây (cây nảy mầm, cây mọc rễ, lá…) và hiểu được vì sao cây phải được chăm sóc và bảo vệ; có ý thức giữ gìn, bảo vệ cây, hoa…; tỏ thái độ không đồng tình đối với các hành vi của bạn, người lớn xung quanh khi bứt lá, bẻ cành, giẫm đạp lên cây, hoa, cỏ…; mong muốn giữ gìn trường lớp mầm non xanh, sạch, đẹp…
Để hiểu rõ được khả năng tiếp thu của từng trẻ, cô thường xuyên bao quát, tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, luôn động viên, khuyến khích trẻ ở mọi lúc mọi nơi, nhất là những trẻ còn nhút nhát, e ngại.
Đề tài thứ hai được cô thực hiện khi tình hình dịch bệnh như cúm, tiêu chảy, tay - chân - miệng, đau mắt đỏ bùng phát ở nhiều nơi, đặc biệt là nơi đông người như ở trường học, và đa số bệnh tật ở trẻ em liên quan tới chăm sóc vệ sinh cá nhân trẻ và vệ sinh môi trường, trong đó có việc rửa tay sạch, đúng cách. Sau một năm thực hiện, các cháu đã có thói quen rửa tay đúng thao tác, rửa tay xong biết khóa van nước khi không sử dụng…
Không chỉ là người yêu trẻ, yêu nghề, cô Mi còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của ngành cũng như địa phương tổ chức; vận động những người xung quanh tham gia hưởng ứng hoạt động từ thiện, nhân đạo… Những cố gắng của cô đã được công nhận bằng giấy khen, bằng khen của Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT, UBND huyện Di Linh, UBND tỉnh Lâm Đồng và mới đây nhất là được Bộ GD-ĐT tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm học 2015 - 2016. Nhưng với cô: “Thành tích lớn nhất chính là sự lớn khôn của những “mầm non” tương lai”.
TUẤN HƯƠNG