Cô giáo Huỳnh Thị Nguyên Phương - Hiệu phó Trường Mầm non Anh Đào, Đà Lạt là cá nhân duy nhất trong ngành học MN vừa được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng với thành tích xuất sắc 5 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TW của Bộ Chính trị về "Phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn"
Cô giáo Huỳnh Thị Nguyên Phương - Hiệu phó Trường Mầm non (MN) Anh Đào, Đà Lạt là cá nhân duy nhất trong ngành học MN vừa được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng với thành tích xuất sắc 5 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TW của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn”.
|
Cô giáo Huỳnh Thị Nguyên Phương |
Là hiệu phó phụ trách chuyên môn của một trường MN đạt chuẩn cấp độ 2 năm 2013, những ngày cuối năm, cô Nguyên Phương hết sức bận rộn bởi nhiều công việc. Vả lại, cô cũng tỏ ái ngại khi đưa tên mình lên mặt báo. Tôi đưa ra lý do nhằm khích lệ và ghi nhận thành tích của một cá nhân, đặc biệt, chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp, cô Nguyên Phương mới đồng tình tranh thủ trao đổi.
Sinh năm 1969, vào nghề sớm và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, cô giáo Huỳnh Thị Nguyên Phương đã có một bề dày rất đáng trân quý. Là thành viên Ban chỉ đạo PCGD của phường 4, chuyên trách công tác PCGD MN cho trẻ 5 tuổi của trường, cô sát cánh cùng Ban giám hiệu nhà trường, vừa làm đầu mối, vừa tích cực tham mưu với UBND phường 4 ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo trong công tác phổ cập hàng năm. Và với cương vị Thư ký Ban chỉ đạo, trong 5 năm (2011 - 2015), hồ sơ phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi của phường 4 thường xuyên có số liệu cập nhật kịp thời, đảm bảo tính xác thực.
Để đạt được, hàng năm, Huỳnh Thị Nguyên Phương chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng giáo viên (GV) dạy lớp 5 tuổi; thực hiện kiểm tra theo kế hoạch; tư vấn, bồi dưỡng cho GV dạy lớp 5 tuổi thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi theo Chương trình GDMN; sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi để xây dựng mục tiêu, nội dung, hoạt động dạy trẻ. Mặt khác, cô tổ chức học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ và hướng dẫn các trường MN trong địa bàn tổ chức điều tra trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 5 tuổi theo từng tổ và thực hiện sổ phổ cập theo mẫu của Bộ. Hướng dẫn GV rà soát đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị tối thiểu của các lớp. Đồng thời tích cực tham mưu với hiệu trưởng các nội dung thiết thực như: trang bị, bổ sung dần từng năm về cơ sở vật chất thực hiện phổ cập; bố trí số lượng GV dạy lớp MN 5 tuổi theo định mức; chuẩn về trình độ đào tạo để đáp ứng nhu cầu tổ chức thực hiện đánh giá chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.
Thành công của cá nhân cô giáo Huỳnh Thị Nguyên Phương cũng như tập thể Trường MN Anh Đào còn là sự tổng lực của Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn, Chi đoàn thanh niên... tổ chức tốt các phong trào thi đua của GV, các hội thi của trẻ, giúp quảng bá rộng rãi về chất lượng chăm sóc GDMN của địa phương, góp phần thu hút trẻ đến lớp.
Qua chia sẻ của cô Nguyên Phương cho thấy, vấn đề nội lực của bản thân hết sức quan trọng. Đó là phải có tinh thần khắc phục khó khăn; lấy mối đoàn kết, tinh thần tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp; luôn gương mẫu chấp hành tốt quy chế, nội quy của ngành và đơn vị. Cùng đó là tự giác và tích cực theo dõi, chỉ đạo, nắm bắt thông tin hai chiều và những diễn biến, tình hình của các lớp, của GV để kịp thời giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra, tham mưu nhằm có biện pháp xử lý phù hợp.
Và, cũng rất quan trọng, khi giữ vai trò cầm cân nẩy mực, hiệu phó Nguyên Phương lấy ứng xử khách quan, vô tư, công bằng và đúng mức để “hành đạo làm người, đạo làm thầy”.
Chia sẻ kinh nghiệm 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị, cô giáo Nguyên Phương đúc kết nhiều bài học. Từ công tác điều tra, chia các tổ gần từng trường về cho các trường để tiện việc điều tra; hàng năm vào tháng 9, 10 các GV tiến hành đến từng hộ dân điều tra, lập phiếu; đến công tác nhập liệu, chia ra thành 2 giai đoạn lớn, trong đó lại chia từng giai đoạn nhỏ cụ thể để vừa đạt được tính chính xác, vừa khoa học và thuận lợi khi xử lý...
Cùng đó, nhiều công tác khác được triển khai thường xuyên như: đầu tư cơ sở vật chất bằng nhiều hình thức, đặc biệt là phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi…; nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ bằng các hoạt động chuyên đề bồi dưỡng; tuyên truyền phối hợp đồng hành từ trong nhà trường đến ngoài xã hội…
Sau 5 năm thực hiện, cá nhân cô Huỳnh Thị Nguyên Phương và tập thể Trường MN Anh Đào đã thu nhận được nhiều “vị ngọt” đầy khích lệ. Đó là, từ cơ sở vật chất như xây mới Trường MN 4, MN Thiên Hương; 100% các lớp đủ đồ dùng, trang thiết bị theo yêu cầu; đến quy mô, chất lượng như 2 cơ sở GDMN đạt các chuẩn quốc gia mức độ 2 và 1... Đó còn là, 100% cán bộ quản lý và GV dạy lớp 5 tuổi đạt trình độ trên chuẩn; 100 % trẻ 5 tuổi được đến trường lớp; 100% trẻ được bán trú tại trường; 98% trẻ chăm ngoan; 100% trẻ hoàn thành chương trình MG 5 tuổi; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng xuống dưới 5%;... Công tác tuyên truyền, xã hội hóa ngày càng đạt hiệu quả trong việc tập trung đầu tư nguồn lực và tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc GDMN.
Bản thân cô giáo Huỳnh Thị Nguyên Phương ngoài thành tích được trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh năm 2016, còn được nhận nhiều danh hiệu khác như Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở, Lao động tiên tiến và nhiều giấy khen của Sở GD-ĐT, UBND thành phố Đà Lạt...
ÐẠO PHAN