Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, các sở và ngành, địa phương, MTTQ cùng các đoàn thể trong tỉnh Lâm Đồng đã tích cực phối hợp, triển khai thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch về BVMT liên quan đến ngành, địa phương, tổ chức mình.
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, các sở và ngành, địa phương, MTTQ cùng các đoàn thể trong tỉnh Lâm Đồng đã tích cực phối hợp, triển khai thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch về BVMT liên quan đến ngành, địa phương, tổ chức mình.
Điều ghi nhận trước hết là công tác quản lý nhà nước về BVMT được chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và nhân dân từng bước nâng lên, tạo chuyển biến tích cực trong hành động. Tỉnh tập trung làm tốt công tác kiểm soát ô nhiễm, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiểm tra giám sát về chấp hành quy định pháp luật về BVMT. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội đồng cấp tổ chức ký kết nhiều chương trình liên tịch về BVMT. Chú trọng việc tuyên truyền, phát động, hưởng ứng BVMT nhân các sự kiện, ngày BVMT của quốc tế và Việt Nam hằng năm. Trong các chương trình, dự án, đề án của ngành, địa phương đã lồng ghép nội dung về BVMT. Hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong hoạt động; toàn tỉnh có trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mới đạt yêu cầu về BVMT. Nội dung còn được đưa vào các cam kết, hương ước và là tiêu chí để xét, công nhận gia đình, thôn, buôn, khu phố và cơ quan văn hóa, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường còn nhiều khó khăn, bất cập. Biểu hiện, việc phân cấp, phân bổ kinh phí và phân công nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp chưa thống nhất, còn chồng chéo. Nội dung BVMT trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và việc phối hợp, giải quyết vấn đề môi trường có tính chất liên vùng giữa các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Kết cấu hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp chưa được xây dựng đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường. Việc thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ xử lý môi trường đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc nhóm dịch vụ công ích và việc di dời đối với cơ sở sản xuất, cơ sở chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm cao ra khỏi khu dân cư tập trung chưa triệt để. Việc quản lý, xử lý chất thải rắn nguy hại còn bất cập, thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về môi trường ở địa phương, cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn. Nguồn kinh phí hạn chế, đầu tư thiếu tập trung và bền vững. Công tác gìn giữ, tôn tạo và phát triển môi trường cảnh quan chưa đáp ứng yêu cầu.
Đà Lạt - Lâm Đồng là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X xác định: Tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường nhằm phát triển dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh. Du lịch phát triển không thể đánh đổi bằng mọi giá, trong đó có môi trường. Theo đó, Lâm Đồng cũng đề ra phương hướng phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và BVMT đảm bảo sự phát triển bền vững. Thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái...
Từ kết quả thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, Lâm Đồng đã đề ra một số mục tiêu cơ bản đến năm 2020 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội gắn với BVMT theo hướng bền vững. Đó là: Đảm bảo 100% các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển được đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và có kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định; 100% các dự án đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được xác nhận hoàn thành công trình xử lý nước thải theo quy định. Duy trì tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mới với yêu cầu về BVMT đạt 90%, phấn đấu đến năm 2020 đạt 95%. Kiểm soát không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khống chế tỷ lệ cơ sở hiện đang gây ô nhiễm môi trường dưới 0,5% tổng số các cơ sở đang hoạt động. Tiêu hủy, xử lý đúng quy định 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải rắn y tế; thu gom xử lý 90% chất thải sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ; các đô thị loại IV trở lên phải có hệ thống thu gom nước thải tập trung và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt; phấn đấu 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt là phải giảm nhẹ mức độ suy thoái tài nguyên thiên nhiên; kiềm chế tốc độ suy giảm đa dạng sinh học; duy trì và khôi phục rừng đầu nguồn, nâng cao chất lượng rừng. Tiếp tục thực hiện các chương trình trồng rừng, nâng độ che phủ rừng đạt tối thiểu 55% vào năm 2020...
Một trong nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy Lâm Đồng đặt ra là phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác BVMT. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương khi để xảy ra ô nhiễm môi trường. Thực hiện giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp hạng công tác này đối với các ngành, các địa phương.
LAN HỒ