Từ năm 2005 đến nay, Làng trẻ em SOS Đà Lạt thông qua chương trình hỗ trợ cộng đồng đã giúp rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại Lâm Đồng được ngày ngày đến trường.
Từ năm 2005 đến nay, Làng trẻ em SOS Đà Lạt thông qua chương trình hỗ trợ cộng đồng đã giúp rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại Lâm Đồng được ngày ngày đến trường.
|
Dương Hải Toàn và mẹ của mình bên góc học tập trong nhà. Ảnh: V.Trọng |
Cuộc đời trên những tấm vé số
Hơn 9 giờ sáng khi chúng tôi đến thăm, Dương Hải Toàn - học sinh lớp 7A6 Trường THCS Lam Sơn - Đà Lạt đang chuẩn bị bài học để đến lớp buổi chiều, nhà chỉ có 2 cha con, bố bị bệnh nằm trong nhà, mẹ đi bán vé số, chừng gần 1 tiếng sau mới về đến nhà.
Đó là một căn nhà nhỏ nằm ở phường 6 - Đà Lạt, đúng hơn là ngăn phía sau của một ngôi nhà, đồ đạc đơn sơ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. “Đây là ngôi nhà của ông bà nội cho, phía trước là nhà thờ ông bà. Lâu nay cứ đi thuê nhà hết chỗ này đến chỗ kia nên ông bà mới cho chỗ này để ở” - chị Lê Hồng Thúy Vân - 38 tuổi, mẹ của Toàn cho biết.
Bố của Toàn, anh Dương Ngọc Hải, 43 tuổi, từng là một tài xế xe tải, bị tai nạn lao động, liệt đốt sống cổ, bất động toàn thân, 13 năm nay chỉ nằm trên giường, mọi thứ sinh hoạt tất tần tật cần phải có người giúp đỡ.
Chị Vân vốn là một thợ đan len, nhưng những năm gần đây, nghề đan len Đà Lạt xuống dốc, hàng lúc có lúc không, mỗi ngày làm tính ra không bao nhiêu tiền nên chị xoay xở bằng cách đi bán vé số đã 3 năm nay.
Vì phải chăm sóc chồng (khoảng 1 - 2 tiếng phải lật qua lại để máu lưu thông) nên chị không dám đi bán xa, chỉ quanh quẩn trong khu vực gần nhà để còn kịp tạt về xem chồng cần gì. Nhiều năm nay để chạy chữa cho anh Hải, gia đình chị gần như kiệt quệ.
Niềm vui và hy vọng của vợ chồng anh chị chính là cậu con trai duy nhất - Dương Hải Toàn, khỏe mạnh, rất ngoan và là học sinh giỏi từ lớp 1 đến nay. Năm Toàn vào lớp 1, Làng SOS Đà Lạt đã nhận giúp đỡ. Thông qua chương trình hỗ trợ cộng đồng liên tục từ năm học lớp 1 đến nay, Toàn mỗi tháng được nhận đều đặn 300 nghìn đồng giúp cho việc ăn học. “Cứ 3 tháng một lần, Làng lại gọi gia đình đến nhận hỗ trợ, thật chẳng biết nói sao để cảm ơn hết được” - chị Vân xúc động.
Phạm Thị Thanh Nhàn, 8 tuổi - học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Nam Thiên - Đà Lạt quê ở Lai Châu, được bố mẹ bế vào Đà Lạt thuê nhà sinh sống khi chỉ vài tháng tuổi. Mưu sinh khó khăn, bố mẹ Nhàn lúc đó còn rất trẻ, cãi nhau như cơm bữa, cưới nhau chỉ hơn năm đã ra tòa ly hôn, sau đó cả hai bỏ đi biệt xứ, để lại Nhàn, lúc đó chỉ 10 tháng tuổi, cho bà nội nuôi.
Khi chúng tôi đến nhà, thực ra là phòng trọ nhỏ, bà Dung - bà nội của Nhàn đang đi bán vé số dạo ngoài chợ Đà Lạt. Trong 8 năm nay, từ khi con trai và con dâu bỏ đi, bà đã nhắn tìm mọi nơi nhưng không dấu vết. Tuổi cao nhưng bà hằng ngày bất chấp mưa gió phải lặn lội bán dạo từng tấm vé số để bà cháu kiếm sống qua ngày.
Là dân “ngụ cư” nên nhiều năm nay bà Dung và cháu Nhàn không có hộ khẩu, và cũng vì không có hộ khẩu nên bà cháu không được cấp sổ hộ nghèo, cuộc sống hết sức khó khăn. “Nếu không có Làng hỗ trợ thì không biết cháu Nhàn có đến trường được hay không, chắc phải đi bán vé số cùng tôi kiếm ăn mà thôi” - bà trầm ngâm.
Gần 1 tỷ đồng hỗ trợ mỗi năm
Trung bình mỗi năm Làng hỗ trợ khoảng 350 trường hợp với gần 1 tỷ đồng, mỗi trường hợp như thế sẽ được nhận hỗ trợ mỗi tháng 300 nghìn đồng. Việc hỗ trợ sẽ được kéo dài khi trẻ bắt đầu vào chương trình đến 18 tuổi; sau 18 tuổi, nếu các em đậu vào một đại học công lập sẽ được Làng tiếp tục hỗ trợ gấp 3 lần, mỗi tháng 900 nghìn đồng/sinh viên và kéo dài trong suốt 4 năm học. |
Theo ông Trần Bảo Long - Giám đốc Làng trẻ em SOS Đà Lạt, Làng đã triển khai chương trình “Hỗ trợ cộng đồng” từ năm 2005 đến nay với mục tiêu hỗ trợ, ngăn ngừa trẻ bị bỏ rơi ở cộng đồng, tạo cơ hội cho các em được tiếp tục sống cùng gia đình, người thân cũng như tiếp tục được đến trường.
Đối tượng được nhận trợ giúp của chương trình là trẻ em dưới 18 tuổi, mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai, đang còn đi học và sống cùng người thân nhưng người thân không đủ khả năng nuôi dưỡng do tàn tật, mất sức lao động, gia đình thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo. Những trường hợp được giới thiệu này đều được Làng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh kỹ trước khi đưa vào chương trình.
Bắt đầu thí điểm tại Đà Lạt, đến nay chương trình này đã mở rộng đến 7 huyện, thành khác trong tỉnh Lâm Đồng gồm Bảo Lộc, Đức Trọng, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đơn Dương và Lâm Hà.
Theo đánh giá của Làng, đa số các trường hợp nhận hỗ trợ sau một thời gian đã có nhiều tiến bộ trong học tập, tỷ lệ các em đạt khá giỏi trong các cấp học phổ thông mỗi năm học luôn chiếm từ 60% trở lên, rất ít học sinh yếu. Đặc biệt,trong những năm gần đây,số trường hợp vào được đại học ngày càng nhiều, như năm 2010 mới chỉ có 5 trường hợp thì đến năm 2016 này có 32 trường hợp. Có 4 trường hợp tốt nghiệp đại học ra trường, có việc làm ổn định.
Cùng với đó, Làng còn thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ khác như chăm sóc sức khỏe cho người thân và bản thân các em, tập huấn kỹ năng sống và phương pháp học tập trong hè; phối hợp với trường nơi các em theo học để kịp thời có biện pháp giúp đỡ các em nâng cao chất lượng học tập, hạn chế tình trạng bỏ học, nhất là các trường hợp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làng cũng vận động một số cá nhân và tổ chức hỗ trợ thêm hàng tháng cho một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Trong trường hợp người thân còn lại của các em không còn, trẻ không còn chỗ dựa, Làng sẽ tiếp nhận các em vào sinh sống học tập ngay tại làng ở Đà Lạt.
Sự hỗ trợ từ chương trình cho đến nay theo ông Long đã mang lại hiệu quả nhất định. “Thực tế cho thấy nhiều em dù gặp nhiều khó khăn nghịch cảnh trong cuộc sống nhưng khi được hỗ trợ đã cố gắng vươn lên,đạt được kết quả rất tốt. Người thân các em khi nhận hỗ trợ cũng có ý thức hơn trong việc đôn đốc nhắc nhở các em học tập”.
Chủ trương chung của SOS Quốc tế trong thời gian đến theo ông Long vẫn tiếp tục duy trì chương trình này tại Việt Nam.
VIẾT TRỌNG