Đơn Dương: Để mỗi cây xanh trồng đều sống

08:12, 27/12/2016

Mỗi năm gần đây, Đơn Dương trung bình chi trên 360 triệu đồng để trồng gần 20 nghìn cây xanh, cây phân tán tạo bóng mát trên địa bàn nhưng tỷ lệ cây sống chỉ đạt trên 60%.

Mỗi năm gần đây, Đơn Dương trung bình chi trên 360 triệu đồng để trồng gần 20 nghìn cây xanh, cây phân tán tạo bóng mát trên địa bàn nhưng tỷ lệ cây sống chỉ đạt trên 60%.
 
Là huyện nông thôn mới đầu tiên của Lâm Đồng, những năm gần đây, Đơn Dương rất chú trọng đến việc trồng rừng phân tán, trồng cây xanh che bóng mát trên địa bàn. Đây cũng chính là một trong 4 nội dung “Sáng, xanh, sạch, đẹp” mà huyện phát động lâu nay.
 
10 cây trồng, gần 4 cây chết
 
Hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan, ban, ngành cùng các xã, thị trấn trên địa bàn phát động trồng cây xanh trong cộng đồng dân cư. Địa điểm trồng là các khu đất trống công cộng, các tuyến đường liên thôn, liên xã, ven Quốc lộ 20, trong khuôn viên công sở, bệnh viện, trường học, trên các bờ lô, bờ thửa ruộng sản xuất nhằm chắn gió cho cây trồng nông nghiệp.
 
Với trồng rừng phân tán, trong 3 năm, từ 2011 - 2013, Đơn Dương đã trồng 91.450 cây với 2 loại chủ yếu là thông ba lá, muồng đen, tổng diện tích trồng khoảng 147 ha. Cây được trồng trên nương rẫy cũ, đất bạc màu, đất có độ dốc cao tại các xã Lạc Xuân, Ka Đô, Pró, Ka Đơn và 2 thị trấn Thạnh Mỹ và D’Ran.
 
Trong trồng cây phân tán và cây che bóng mát, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện trồng được 28.365 cây với nhiều chủng loại cây phong phú như cẩm lai, phượng đỏ, viết, giáng hương,… 
 
Từ 2011 đến nay, Đơn Dương đã chi trên 2,2 tỷ đồng để trồng gần 120 nghìn cây xanh bao gồm trồng rừng phân tán, trồng cây phân tán tạo bóng mát; trong đó ngân sách tỉnh gần 1,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 560 triệu đồng, số tiền còn lại từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. 
 
Điều đáng chú ý, trong số cây trồng này tỷ lệ cây chết khá lớn. Cụ thể, số cây sống còn lại theo các ngành chức năng huyện cho biết chỉ còn gần 72.200 cây, chiếm tỷ lệ 60,7% số cây đã trồng. Điều này có nghĩa trong 10 cây được trồng đã có gần 4 cây chết.
 
Nhiều nguyên do được các ngành chức năng chỉ ra. Trước nhất vẫn là chuyện nhiều đơn vị, địa phương trồng cây “cho có”, trồng theo phong trào, trồng rồi không chăm sóc cây, chẳng tưới nước trong mùa khô nên cây chết. Nhiều cây trồng lên xanh tốt nhưng lại thiếu cọc che chắn, khung bảo vệ nên gãy đổ, thậm chí nhiều nơi người chăn nuôi gia súc còn thản nhiên cột trâu bò vào cây khiến cây bị đè bẹp dí.   
 
Một nguyên nhân khác khiến cây “ra đi” là chuyện trồng cây “không đúng chỗ”. Một số đơn vị được cấp phát cây xanh để trồng nhưng lại trồng vào khu vực đất quy hoạch, quãng thời gian sau lại phải nhổ bỏ để xây dựng các công trình, làm đường đi, xây hàng rào... Nhiều nơi khi được cấp cây xanh lại trồng vào khu vực đất cằn nên tỷ lệ cây chết rất cao.
 
Cũng có không ít trường hợp một số cây bóng mát trồng gần đất nông nghiệp “đột nhiên” chết. Do nhiều người sợ cây xanh che bóng mát ảnh hưởng đến vườn nên lặng lẽ “xử lý” khiến cây chết dần.
 
Bên cạnh những con đường có cây xanh phủ bóng khá đẹp như đoạn Quốc lộ 27 qua Lạc Lâm, đoạn Quảng Lập - Pró… thì Đơn Dương cũng có những cung đường cây “ra đi” rất nhiều, tỷ lệ cây sống thấp dù trồng đi trồng lại, như đường thôn Ha Ma Nhai - Đông Hồ xã Pró, Khu vực Trường bắn Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Quốc lộ 27 đoạn qua thị trấn D’Ran...
 
Ðể “trồng cây nào sống cây đó”
 
Rất nhiều ích lợi được chỉ ra cho việc trồng rừng phân tán, cây xanh che bóng mát trên địa bàn. Trước nhất là tăng hiệu quả về sử dụng đất đai, nâng cao độ che phủ của rừng, phát triển hệ thống cây xanh điều hòa khí hậu, cải thiện và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm xói mòn và chống rửa trôi đất, điều hòa và bảo vệ nguồn nước, tăng thêm thu nhập cho người dân…
 
Chính quyền Đơn Dương lâu nay luôn xác định trồng cây xanh là nhiệm vụ “thường xuyên, liên tục”. Trong 4 năm đến, trung bình mỗi năm Đơn Dương dự kiến trồng thêm khoảng 2.500 cây phân tán trên địa bàn. Chủ trương nhất quán của huyện là phải “trồng cây nào sống cây đó”.
 
Để thực hiện được điều này, UBND huyện Đơn Dương cho biết, huyện sẽ tiến hành rà soát lại tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân, công sở, trường học… đã đăng ký trồng rừng, trồng cây phân tán, cây che bóng hiện nay, nếu vị trí trồng nào không phù hợp sẽ được loại ra.
 
Để cây sống, huyện yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải chuẩn bị tốt cây giống, cây phải đạt chuẩn trước khi đem trồng. Các giống cây được chọn trồng phải là những loại cây có tỷ lệ sống cao trên địa bàn như muồng hoa vàng, sao, dầu, me tây, mai anh đào, giáng hương. Các đơn vị trồng phải có trách nhiệm chăm sóc cây đã trồng. 
 
Bên cạnh việc phát động toàn dân trồng cây vào dịp 19/5 hằng năm, huyện đang yêu cầu lực lượng đoàn viên thanh niên trong huyện phải cùng vào cuộc mạnh hơn, đi tiên phong trong công tác này. Đoàn Thanh niên huyện phải đưa việc trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh vào các hoạt động định kỳ của thanh niên như ngày chủ nhật xanh, chiến dịch mùa hè xanh…, phát động trồng cây tại các dịp lễ trong năm.
 
UBND huyện Đơn Dương trong dịp này cũng kiến nghị tỉnh nên bố trí nguồn vốn trồng cây phân tán hằng năm để huyện biết và chủ động hơn trong chuẩn bị cây giống. Đồng thời, trong kinh phí trồng cây này cũng nên tính luôn cả chi phí cây đỡ rào chắn để bảo vệ cho cây vừa được trồng.
 
VIẾT TRỌNG