Luôn là "điểm tựa" để hội viên cùng nhau tiến bộ là phương châm hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Phú Hội (Ðức Trọng) trong suốt thời gian qua. Và, với những nỗ lực đó, tại hội nghị tổng kết phong trào hội năm 2016 do Hội LHPN huyện Ðức Trọng vừa tổ chức, Hội LHPN xã Phú Hội đã vinh dự nhận bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Luôn là “điểm tựa” để hội viên cùng nhau tiến bộ là phương châm hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Phú Hội (Ðức Trọng) trong suốt thời gian qua. Và, với những nỗ lực đó, tại hội nghị tổng kết phong trào hội năm 2016 do Hội LHPN huyện Ðức Trọng vừa tổ chức, Hội LHPN xã Phú Hội đã vinh dự nhận bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
|
Mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế ở huyện Đức Trọng. Ảnh: T.Vũ |
Hướng về cơ sở
Chị Lê Thị Thảo - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Hội cho biết, toàn xã hiện có 1.515 hội viên phụ nữ, sinh hoạt tại 15 chi hội trong toàn xã. Trong thời gian qua, nhận thức rõ tầm quan trọng về nhiệm vụ của hội, ngay từ đầu năm, Hội LHPN xã đã triển khai đăng ký thực hiện các phong trào thi đua. Đồng thời, tuyên truyền, vận động chị em vui xuân đón tết lành mạnh, tiết kiệm và an toàn.
Ngoài ra, còn phối hợp tổ chức tuyên truyền về phòng chống ma túy; Đề án 343 và 704; tuyên truyền “Luật phòng chống bạo lực gia đình”, “Chương trình hành động phòng chống tội phạm mua bán người” và tuyên truyền, vận động đến hội viên các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số về “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
“Trong số 15 thôn của xã thì có 6 thôn chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn. Để từng bước loại trừ tình trạng này, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho bà con thông qua các hội thi như Nét đẹp Phụ nữ Việt Nam hôm 20/10 vừa qua, bằng cách đặt câu hỏi để thông qua đó nhắn gửi tới mọi người. Và trong năm 2017 này, chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh tuyên truyền về tình trạng này. Cụ thể là song song với việc tuyên truyền tới từng chị em hội viên, chúng tôi sẽ phối hợp với Trường THCS Sơn Trung trên địa bàn (nơi có nhiều con em người dân tộc thiểu số theo học) để tuyên truyền cho các em hiểu” - chị Thảo nói thêm.
Song song với các hoạt động trên, các chi hội trong xã tiếp tục duy trì và xây dựng mới các mô hình phụ nữ giúp nhau về giống, vốn, cây con, kinh nghiệm sản xuất thông qua mô hình tiết kiệm, tổ tình thương, tổ hùn vốn, tổ vần đổi công. Đồng thời duy trì tốt việc tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các đường làng, ngõ xóm ở các chi hội vào thứ bảy tuần thứ 3 hàng tháng. Và, tất cả các hoạt động trên đều hướng mạnh về cơ sở, lấy các hoạt động của chi hội và lợi ích của hội viên làm trọng tâm.
Triển khai hiệu quả nhiều mô hình
Trong thời gian qua, Hội luôn chú trọng đến việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ trên địa bàn xã. Các CLB “Gia đình 5 không, 3 sạch” và CLB “Phòng chống bạo lực gia đình” luôn phát huy tốt hiệu quả trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em, cũng như hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc.
Song song với đó, hơn một năm nay, được sự quan tâm, hướng dẫn của Hội LHPN huyện và tỉnh, Hội LHPN xã Phú Hội cũng đã triển khai mô hình “Hố ủ phân từ rác thải” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Ngay từ những ngày đầu triển khai, mô hình đã được đông đảo chị em hội viên hưởng ứng, ủng hộ. Với 15 hộ triển khai lúc ban đầu, đến nay, đã có 6 thôn thực hiện mô hình này và mô hình trên cũng được Trung ương hội đánh giá cao. Chị Trương Thị Ngọc Nữ (thôn Phú Hòa) cho biết: “Từ khi thực hiện mô hình này, gia đình tôi đã biết cách phân loại các loại rác, các loại rác nào dễ phân hủy thì cho xuống hố, sau một thời gian ủ hoai thì dùng để bón lại cho cây cối trong nhà thêm tươi tốt”.
Cùng đó, mô hình “Góc tư vấn” tuy mới được thực hiện hơn một năm qua cũng đã phát huy được tính nhân văn, là nơi để chị em tìm đến để sẻ chia, tháo gỡ những thắc mắc thầm kín chẳng thể ngỏ cùng ai. Với 5 đường dây nóng chuyên giải đáp, hướng dẫn về các lĩnh vực hôn nhân, gia đình, tình cảm… trong năm qua, đường dây đã nhận được nhiều cuộc gọi của chị em.
“Chúng tôi cung cấp cho chị em số điện thoại và mọi chia sẻ của chị em đều được giữ kín, chị em cũng có thể nói tên hoặc không nói, khi gọi đến đường dây nóng, chỉ việc chia sẻ câu chuyện của mình và cần tư vấn những gì. Từ mô hình này, đã và đang giúp cho cán bộ hội gần gũi, hiểu được tâm tư, tình cảm của chị em hội viên hơn; đồng thời, để có kiến thức, hiểu biết trả lời cho chị em, cán bộ hội cũng phải tự học hỏi, trau dồi thêm kiến thức cho bản thân” - chị Thảo cho hay.
“Phát huy những kết quả đã đạt được, mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác năm của hội, chúng tôi cũng vừa thông qua định hướng phát triển thêm một số mô hình, CLB. Trong đó, nổi lên là 2 mô hình mới, đó là mô hình “Kỹ năng sống” và chuyên mục “Phụ nữ với cuộc sống”. Trong đó, chuyên mục “Phụ nữ với cuộc sống” đã được chúng tôi triển khai vào giữa tháng 11 vừa qua. Cứ chiều thứ năm hàng tuần, trên sóng truyền thanh của xã, chúng tôi lại đọc bản tin phụ nữ tỉnh, các bài báo, thông tin mới liên quan tới những vấn đề mà chị em quan tâm nhưng không có thời gian, cũng như phương tiện để lên mạng đọc” - chị Thảo chia sẻ thêm.
Nói về chuyên mục này, cô Hoàng Thị Nhinh (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Phú Bình) cho biết: “Đây thật sự là một cách làm hiệu quả, để chị em trong toàn xã đều có thể tiếp cận với những phong trào, cách làm hay mà phụ nữ khắp nơi trong tỉnh, huyện đang thực hiện. Chị em chúng tôi, nhất là những chị em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa không có phương tiện hiện đại để đọc báo thì thứ năm hàng tuần, chúng tôi lại “ngóng” để nghe thời sự mà Hội LHPN xã truyền tải”.
THY VŨ