Hành trang không mang trong ba lô người lính đảo

08:12, 27/12/2016

Buổi chiều hôm ấy có lẽ là một buổi chiều khó quên của tôi và hàng trăm chiến sỹ lên đường ra đảo xa làm nhiệm vụ. Trên bến cảng buổi tiễn quân ngày cuối năm, những lời chia tay, dặn dò như chưa bao giờ da diết thế...

Buổi chiều hôm ấy có lẽ là một buổi chiều khó quên của tôi và hàng trăm chiến sỹ lên đường ra đảo xa làm nhiệm vụ. Trên bến cảng buổi tiễn quân ngày cuối năm, những lời chia tay, dặn dò như chưa bao giờ da diết thế. Bởi lẽ, thời khắc chuyển giao bao giờ cũng làm lòng bùi ngùi hơn cả - phút chia tay những người lính ra giữ Trường Sa những ngày giáp tết. Có người lần đầu ra đảo, có người đi lần thứ hai, thứ ba… nhưng tôi hiểu trong nụ cười và cái vẫy tay chào tạm biệt của các chiến sỹ ấy, có cả những hành trang không mang theo ba lô trên vai, mà họ gói ghém ở trong trái tim.
 
Các chiến sỹ chia tay lên đường ra Trường Sa. Ảnh: D.Thương
Các chiến sỹ chia tay lên đường ra Trường Sa. Ảnh: D.Thương

Người mẹ Trần Thị Thấm (quê Hải Dương) tay bồng đứa cháu trai 3 tuổi, mắt nhìn theo con trai lên tàu rơm rớm nước mắt. Bà Thấm cùng con dâu là chị Nguyễn Thị Thìn ra cảng tiễn con trai lên đường làm nhiệm vụ. Bà chia sẻ: “Tôi từ Hải Dương vào đây trông cháu cho con yên tâm lên đường công tác cũng 5-6 tháng rồi, vợ nó làm giáo viên ở Cam Ranh này, cưới nhau mấy năm thì con tôi cũng đi chừng ấy năm. Thương con cháu nên tôi vào. Giờ chỉ mong con yên lòng làm nhiệm vụ”. Đứng kế bên mẹ, chị Nguyễn Thị Thìn xúc động không nói nên lời, chỉ đưa tay vẫy chào người chồng đang bước lên tàu, đôi mắt đượm buồn nhưng đầy niềm tin.
 
Có chiến sỹ nói với tôi rằng, vợ người lính cũng là một chiến sỹ và trên mặt trận ấy cũng đầy ắp những hy sinh thầm lặng, lo chu toàn hậu phương. Thế đấy, những cảm thông thấu hiểu vẫn cứ gói ghém vào trong lòng của cả những người lính và người ở nhà, trong hành trang của những người lên tàu để làm tròn nhiệm vụ, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.
 
Trước con tàu mang tên Trường Sa, một nhóm các chiến sỹ trẻ đang chia tay nhau mỗi người mỗi nơi theo nhiệm vụ được phân công. Những binh nhất, binh nhì này đa phần đều đến từ TP Hồ Chí Minh, một vài người trong số họ lên tàu Trường Sa về tuyến Bắc làm nhiệm vụ. Những cái ôm ghì chặt, vài câu chúc lên đường làm tốt nhiệm vụ, nước mắt tuôn rơi kèm lời dặn trong cảm xúc nghẹn ngào: “Nhớ giữ liên lạc, gởi thông tin cho tao nha”. Các em đều tầm 19-22 tuổi, nụ cười còn hiền khô của những cậu bé mới lớn, vừa rời ghế nhà trường nhưng ánh mắt và cử chỉ đầy rắn rỏi của các em làm chúng tôi thật sự cảm phục. Binh nhất Phan Văn Tuấn Khoa (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) tâm sự: “Lần đầu em rời gia đình lên đường làm nhiệm vụ, tết đảo xa chắc sẽ nhớ gia đình lắm. Nhưng được ra Trường Sa là niềm tự hào, thôi thúc em lên đường, đem sức trẻ cống hiến cho quê hương”.
 
Lại cũng có những người thân như chị Phan Ngọc Thảo (Canh Ranh, Khánh Hòa) bịn rịn chia tay chồng lên tàu trong nụ cười thật rạng rỡ. Chị nói với tôi: “Phải cười thật tươi tiễn anh ấy lên tàu chứ, nhiệm vụ vẻ vang mà, để yên tâm làm tốt nữa”. Vậy mà khi bóng chồng vừa khuất vào boong tàu, nước mắt đã chảy dài trên khuôn mặt người vợ trẻ tiễn chồng đi xa lần thứ hai. 
 
Nước mắt chia tay. Ảnh: D.Thương
Nước mắt chia tay. Ảnh: D.Thương

Đó chỉ là một trong hàng trăm lời tạm biệt trên bến cảng hôm ấy. Trong không khí bùi ngùi, cảm động và đầy tin - yêu của lễ tiễn quân, những lời tạm biệt, dặn dò “yên tâm công tác” cũng là một hành trang để các chiến sỹ lên đường làm nhiệm vụ. Các chiến sỹ ấy cũng như bao nhiêu người lính đã lên đường ra đảo xa theo tiếng gọi của Tổ quốc, biển đảo quê hương. Hành trang gói trong tim ấy là cả tình thương của mẹ cha, lòng tin yêu của những người vợ và cả tiếng bi bô của con thơ…
 
“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả…”. Tàu rời bến, những giai điệu như tiếng lòng người chiến sỹ lại vang lên trên những con tàu tiến ra biển Đông. 
 
Ghi chép: DIỄM THƯƠNG