Từ ngôi Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, rất nhiều thế hệ sinh viên được đào tạo, trưởng thành. Hiện, trong số những cựu sinh viên của trường, nhiều người đã thành đạt và đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Từ ngôi Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, rất nhiều thế hệ sinh viên được đào tạo, trưởng thành. Hiện, trong số những cựu sinh viên của trường, nhiều người đã thành đạt và đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt Lâm Đồng:
“Tôi học Khóa 1, niên khóa 1976 - 1979, Khoa Trồng trọt, Trường Trung học Kỹ thuật nông nghiệp Bảo Lộc (cũ), nay là Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc. Sau khi hoàn tất việc học tập ở trường, tôi tự thấy rằng mục tiêu phấn đấu của mình vẫn còn, chưa phải đã chấm dứt. Bởi, con đường khởi nghiệp của những sinh viên như chúng tôi không cố định như những sinh viên tốt nghiệp đại học, nên bản thân phải tự nỗ lực vươn lên. Nếu không có động lực, an phận thì sẽ không phát triển được”, ông Lại Thế Hưng chia sẻ.
Trải qua nhiều đơn vị và chức trách công tác khác nhau, nhưng trước sau ông vẫn chọn chuyên ngành được đào tạo để lập nghiệp.
Đối với ông, những kiến thức ông được đào tạo ở trường vẫn là nền tảng cơ bản cho hành trình lâu dài về sau.
Ông Hưng cho rằng, những năm tháng học tập, rèn luyện cùng bạn bè và thầy cô ở trường đã giúp ông có được phương pháp tư duy, gắn thực tiễn với lý thuyết. Tất nhiên, sau này, ông còn phải tự rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ để có thể đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của một cán bộ kỹ thuật trong thời kỳ hội nhập với thế giới.
Ông Phạm Thắng - Chủ Cửa hàng Thuốc Thú y Thắng Tươi:
Tốt nghiệp Khóa 9, niên khóa 1984 - 1987, Khoa Chăn nuôi - Thú y, ông Phạm Thắng kinh qua rất nhiều nghề để kiếm sống, như làm cán bộ kỹ thuật, kế toán - kế hoạch và thậm chí là làm thuê, nhưng cuối cùng vẫn giữ được cái nghề mà ông đã được đào tạo: nghề dịch vụ thú y. “Mặc dù phải trải qua rất nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng những cựu sinh viên như chúng tôi không bao giờ bỡ ngỡ, vẫn đầy tự tin để thích ứng với các giai đoạn phát triển của đất nước. Bởi ngoài việc được đào tạo chuyên sâu, chúng tôi còn được nhà trường cho học bổ sung các môn cơ sở của tất cả các ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, những kiến thức được đào tạo từ thực tế trang trại đến các nông trường, trạm - trại, các cơ quan đã tạo dựng hành trang vào đời khá vững chắc cho chúng tôi.”, ông Phạm Thắng cho biết.
Theo ông Phạm Thắng, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo những kỹ sư cho tất cả các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp từ cây lương thực, cây công nghiệp, con giống, kỹ thuật, cơ khí, kế toán - kế hoạch... và không riêng gì ông mà tất cả các sinh viên sau khi ra trường đều đáp ứng được yêu cầu công việc.
Cho đến bây giờ, ông Phạm Thắng vẫn thấy hài lòng với những kiến thức mà ông đã được đào tạo ở Trường.
Ông Tào Anh Khôi - Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc:
Bản thân ông Khôi là một cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc. Ông học Khóa 25, niên khóa 2002 - 2004, Khoa Trồng trọt. Sau đó, ông Khôi thi vào Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học, ông học lên thạc sĩ. Năm 2012, ông Khôi quay trở lại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc làm giảng viên từ đó đến nay. Ngoài công tác giảng dạy, ông còn đang theo học khóa Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.
Theo ông, sinh viên nông nghiệp không thể ăn trắng mặc trơn như sinh viên các ngành nghề khác được, mà phải lăn lộn cùng nông dân, dám sống đời sống của người nông dân thực thụ thì mới bám trụ được với nghề.
Ngay từ thời còn là sinh viên của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, ông Khôi đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh. Từ năm 2012 - 2015, ông tiếp tục thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước: “Tuyển chọn những dòng cà phê vối chín muộn tại Tây Nguyên”.
Trưởng thành từ ngôi trường và rồi lại quay về phục vụ ngôi trường trong sự nghiệp trồng người, nghiên cứu sinh Tào Anh Khôi cho biết: “Cái làm nên thương hiệu của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc là đặc biệt chú trọng đến công tác thực hành, bên cạnh sự hỗ trợ của lý thuyết. Trường có diện tích hơn 58 ha thì đã có đến 34 ha dành cho các vườn thí nghiệm. Hơn nữa, các sinh viên được tiếp xúc hằng ngày với cây, con, trạm, trại... và tiếp cận thường xuyên với bà con nông dân từ năm nhất nên khi ra trường tay nghề rất vững”.
TRỊNH CHU