Cảnh quan sư phạm đẹp, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, chất lượng đào tạo được nâng cao, cung ứng nguồn nhân lực tốt cho địa phương và khu vực là những thành quả nổi bật mà Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc đã đạt được trong suốt 40 năm hình thành và phát triển.
Cảnh quan sư phạm đẹp, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, chất lượng đào tạo được nâng cao, cung ứng nguồn nhân lực tốt cho địa phương và khu vực là những thành quả nổi bật mà Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc đã đạt được trong suốt 40 năm hình thành và phát triển. Đây cũng là nội dung trao đổi giữa ông Nguyễn Đức Thiết, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, với phóng viên Báo Lâm Đồng nhân dịp này.
PV: Bản thân ông đã có hơn 30 năm gắn bó với ngôi trường này, vậy qua chừng đó thời gian, tình cảm của riêng ông dành cho ngôi trường này như thế nào?
|
Ông Nguyễn Đức Thiết - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc |
Ông Nguyễn Đức Thiết: Năm nay nữa là tôi đã gắn bó với ngôi trường này tròn 35 năm, từ năm 1981 đến nay. Khi mới thành lập, trường chuyên về lĩnh vực nông nghiệp là chủ yếu. Những năm sau này, cùng với sự đổi mới của đất nước thì nhà trường cũng vươn lên đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu thời gian đầu mới thành lập vào năm 1976, trường chỉ có 2 ngành chủ lực là trồng trọt và chăn nuôi thì càng về sau trường càng phát triển thêm nhiều ngành, như: Kinh tế, cơ khí, kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, điện công nghiệp, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, quản lý đất đai… Từ cái nôi đầu tiên là nông nghiệp, đến nay, trường đã phát triển đa ngành nghề. Riêng giai đoạn từ năm 2009 trở lại đây, khi được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, trường không chỉ đào tạo đa ngành mà còn đa cấp, vừa hệ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Sự phát triển của nhà trường trải qua nhiều thế hệ xây dựng nên mới có như ngày hôm nay.
PV: Qua 40 năm, những đổi thay nào có thể “cân đo” bằng những con số cụ thể, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Thiết: Qua nhiều bước thăng trầm, dù thay đổi nhiều cơ quan chủ quản, từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sang Tổng Công ty Dâu tằm tơ rồi đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên rồi trở lại Bộ Nông nghiệp năm 2006, tập thể sư phạm nhà trường luôn nỗ lực để xây dựng ngôi trường ngày càng phát triển.
Hiếm có trường nào trong hệ thống các trường trực thuộc Bộ có vị trí đẹp, có mặt tiền rộng như trường hiện nay. Diện tích đất của trường hiện còn 58,8 ha. Ngoài khu vực dành cho hành chính, trường dành nhiều quỹ đất cho đồng ruộng để cho sinh viên thực tập.
Hơn 26.000 học sinh, sinh viên đã được nhà trường đào tạo trong 40 năm qua. Số lượng sinh viên thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 50%. Hầu hết học sinh, sinh viên sau khi ra trường đều đáp ứng được nhu cầu của xã hội. |
Về đội ngũ giáo viên, trong suốt giai đoạn 2002 đến 2009, nhà trường tập trung cho cán bộ, viên chức tham gia học tập nâng cao trình độ để có học vị sau đại học, đủ đội ngũ để thành lập trường cao đẳng. Đến nay, tổng số giáo viên có trình độ sau đại học đã đạt 58% trong tổng số 88 giáo viên và con số này cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn mà nhà nước quy định là trên 25%.
Về quy mô học sinh, sinh viên, từ 8 lớp với hơn 600 học sinh, sinh viên vào những năm 80, đến nay nhà trường đang có 81 lớp với số học sinh, sinh viên hơn 3.200 em và duy trì ở đủ các hệ.
Song song đó, nhà trường thường xuyên liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại bậc trung cấp nghề. Tính đến nay, riêng dự án bauxite, nhà trường đã đào tạo và đào tạo lại, thi nâng bậc cho gần 1.000 công nhân nghề. Nhà trường còn liên kết với các trường đại học để đào tạo các bậc cao hơn cho sinh viên của trường, gồm đào tạo đại học và sau đại học. Việc này được thực hiện từ những năm 90 và đến nay đã có 1.800 sinh viên được liên kết đào tạo.
Ngoài Lâm Đồng, thì khu vực Nam Tây Nguyên, các tỉnh ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa cũng được nhà trường cung cấp nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương rất lớn. Hiện tại, nhiều sinh viên của trường đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương.
PV: Hiện tại, vấn đề chung của đào tạo bậc cao đẳng, đại học là thường dễ ở đầu vào nhưng lại khó ở đầu ra. Thực tế ở nhà trường hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Thiết: Trong quá trình học, song song với dạy lý thuyết, trường rất chú trọng đến nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề của các em. Bên cạnh đó, trường cũng có những chương trình đào tạo để cung cấp thêm cho các em kỹ năng mềm, như: Kỹ năng xin việc làm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng khởi tạo doanh nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm... Hiện, có nhiều cựu sinh viên của trường đã mở ra những cơ sở kinh doanh rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp...
Nhà trường rất tự hào khi học sinh, sinh viên thuộc lĩnh vực trồng trọt của trường thì 100% các em có việc làm, lĩnh vực chăn nuôi thì từ 90 - 95% có việc làm.
Bắt đầu từ năm 2016, nhà trường có chủ trương gắn học sinh, sinh viên và giáo viên với Học kỳ doanh nghiệp. Ngoài việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại trường, học sinh, sinh viên còn được tham gia vào hoạt động của các doanh nghiệp thông qua Học kỳ doanh nghiệp phù hợp với từng ngành nghề.
Bên cạnh đó, hàng năm, nhà trường đều tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp để ký kết các văn bản ghi nhớ trong việc liên kết, hỗ trợ đào tạo, thực hành, thực tập. Đến nay, nhà trường đã ký kết văn bản với hơn 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại tại Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai. Số lượng này cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tập của sinh viên hàng năm.
|
Học đi đôi với hành là chủ trương luôn được nhà trường bám sát để cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương và các vùng lân cận. Ảnh: H.Sang |
PV: Với những kết quả đạt được chắc chắn có sự lãnh đạo, chỉ đạo hợp lý của Đảng ủy nhà trường. Trong thời gian qua, công tác xây dựng Đảng được nhà trường chú trọng triển khai ra sao?
Ông Nguyễn Đức Thiết: Trong thời gian đầu thành lập, trường có một chi bộ, đến nay, nhà trường đã có một Đảng bộ với 62 đảng viên, chiếm hơn 50% cán bộ, viên chức. Đảng bộ hiện có 5 chi bộ trực thuộc. Trong nội bộ của Đảng bộ hiện nay rất đoàn kết, đồng thuận. Đảng ủy luôn thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc triển khai các chủ trương, chính sách. Tất cả các nghị quyết thường kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm đều được tổ chức Đảng và các đoàn thể bám sát để góp ý, đưa ra chủ trương trong công tác lãnh đạo nhà trường. Trong suốt thời gian 40 năm, tổ chức Đảng của nhà trường liên tục đạt trong sạch vững mạnh... Bình quân mỗi nhiệm kỳ, Đảng bộ đưa ra chỉ tiêu phát triển từ 16 đến 18 đảng viên và đều đạt chỉ tiêu đề ra này. Sau nhiều năm, đến năm 2016, Đảng bộ nhà trường đã kết nạp được một đảng viên là sinh viên.
Qua 40 năm hình thành và không ngừng lớn mạnh, Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc đã được tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động; trong có, có Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng cho nhà trường trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đặt ra chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc trở thành trường cao đẳng trọng điểm quốc gia có năng lực hội nhập khu vực và quốc tế và phấn đấu trở thành Trường Đại học Công nghệ và Kinh tế Tây Nguyên. Để làm được điều này thì ngoài công tác phát triển đào tạo, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ có uy tín trong vùng, thì việc giữ nguyên hiện trạng đất đai của nhà trường hiện có để đáp ứng quy mô đào tạo của một trường cao đẳng trọng điểm hướng đến trường đại học về lĩnh vực nông nghiệp cũng là vấn đề cần được quan tâm.
HỮU SANG (thực hiện)