Với rất nhiều người Đà Lạt, ngựa là con vật quen thuộc, gắn bó cùng nhau từ thuở ban sơ. Dù nay trên đường phố có nhiều xe cộ hiện đại nhưng ngựa cũng như xe ngựa vẫn còn đó như một nét đẹp du lịch cho thành phố ngàn hoa.
Với rất nhiều người Đà Lạt, ngựa là con vật quen thuộc, gắn bó cùng nhau từ thuở ban sơ. Dù nay trên đường phố có nhiều xe cộ hiện đại nhưng ngựa cũng như xe ngựa vẫn còn đó như một nét đẹp du lịch cho thành phố ngàn hoa.
|
Ngựa làm du lịch tại Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu |
Ðể ngựa làm du lịch
Có mặt tại Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu trong buổi sáng nắng ấm cuối năm khá vắng khách, chúng tôi có dịp trò chuyện và xem cách mà các chủ ngựa chăm sóc chúng. Quả thật, nuôi ngựa là một nghề không dễ chút nào, nếu không nói là khá vất vả, đòi hỏi sự kiên trì và tính tỉ mỉ cao.
Trong chiếc áo khoác da cùng chiếc mũ rộng vành kiểu “cao bồi”, ông Đặng Văn Công Tiến, 48 tuổi, đang cẩn thận chải lông cho ngựa. Đó là một con ngựa cao lớn, có bộ lông ươm vàng pha lẫn các đốm đen trắng rất đẹp, lông đuôi dài, bờm xõa ra hai bên. “Gia đình tôi nuôi ngựa từ lâu rồi, từ trước giải phóng, tôi biết cưỡi ngựa từ lúc nhỏ”- ông Tiến cho biết.
Chú ngựa cao lớn này theo ông Tiến là con của một ngựa mẹ vốn là ngựa đua của một trường đua tại TP HCM, được chủ nhập từ nước ngoài về. Trong một cuộc đua, ngựa mẹ bị chấn thương, chân tập tễnh, phải thải ra và được ông mua về Đà Lạt làm giống. Theo ông Tiến, hầu hết ngựa của người Đà Lạt đang nuôi hiện nay là các giống ngựa nhập nội, nhiều con trong đó là hậu duệ của đàn ngựa do người Pháp đưa sang đây khi xây dựng thành phố này.
Đà Lạt thực ra cũng có giống ngựa bản địa của mình, đó là ngựa của người Lạch, một cộng đồng thiểu số của Lâm Đồng. Ngựa này chịu lạnh tốt, rất khôn, leo núi cực giỏi, có thể mua về để kéo xe, còn làm du lịch không được vì chúng vốn nhỏ, con thấp lùn, không bắt mắt du khách. Giống ngựa nhỏ con này ngày nay vẫn còn, muốn tìm cứ vào những ngôi làng người Lạch dưới chân Lang Biang - Lạc Dương, nơi đây vẫn còn những đàn ngựa nhà thả rông sống như ngựa hoang quanh năm trong rừng.
Nhiều nhà vườn Đà Lạt trước đây, như thế hệ của cha ông Tiến, ngựa là con vật không thể thiếu trong nhà, ít nhiều mỗi nhà cũng nuôi vài con ngựa. Như một người bạn với con người trong cuộc mưu sinh, ngựa nuôi không tốn kém gì nhiều, thức ăn là cỏ, rau củ thải trong vườn, mỗi năm ngựa sinh thêm các thành viên mới đem bán ngựa con cũng có tiền. Ngựa thuần tính, cùng người làm việc chăm chỉ ngày ngày, giúp chủ chuyển sản vật nông nghiệp ra chợ trên các cỗ xe đơn sơ, đưa phân bón, hàng hóa, vật dụng, nông cụ vào vườn bất kể đó có là con dốc đứng hay đường rừng sình lầy trong mùa mưa. Nay nhà vườn Đà Lạt máy móc, xe cộ thay dần sức ngựa, tại thành phố này nay chỉ còn ngựa đi làm du lịch.
Để có một con ngựa “đạt chuẩn” làm du lịch, theo ông Tiến, phải mất rất nhiều thời gian. Trước nhất là con ngựa phải có hình dáng đẹp, cao ráo, lông đẹp để bắt mắt du khách, kế tiếp là chủ ngựa phải tập làm sao để ngựa bạo dạn, thân thiện với mọi người, để người lạ leo lên lưng cưỡi ngựa không phản ứng, khi rong ruổi ngoài đường không sợ người.
Với các chủ xe ngựa quanh hồ Xuân Hương cũng thế. Ngoài con ngựa có thời giá hiện nay chừng 15 - 20 triệu đồng, cần phải có thêm cỗ xe ngựa đặt làm dưới TP HCM, tùy theo kiểu dáng xe mà có giá riêng, cỗ xe thường thường cũng khoảng chục triệu đồng, xe đẹp thì đắt tiền hơn. Ngựa mua về kéo xe du lịch cũng cần được thuần hóa, phải mất rất nhiều công sức để chúng quen được với đám đông, thân thiện với mọi người, quen với tiếng còi xe inh ỏi trên đường.
Ngựa và người
Chỉ cần vào các khu du lịch ở Đà Lạt như Thung lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ, Vườn hoa thành phố, Thác Prenn, Chùa Tàu... du khách sẽ bắt gặp các chủ nhân và ngựa của mình đang chờ.
Theo ông Tiến, đàn ngựa làm du lịch ở Thung lũng Tình Yêu đông nhất Đà Lạt hiện nay với khoảng 20 con, thay phiên mỗi ngày phục vụ khách. Ở Vườn hoa Đà Lạt và khu vực quanh hồ Xuân Hương có ít ngựa hơn, với khoảng 12 xe hoạt động ở 2 địa điểm chính là trước cổng Vườn hoa và ngay bến du thuyền. Tại khu vực Chùa Tàu trên đường Khe Sanh - Đà Lạt trước đây cũng khá đông nay còn khoảng chục con ngựa đang hoạt động.
Ngày nào cũng vậy, mặc cho cái lạnh cắt da cắt thịt của thời tiết Đà Lạt, trời vừa tờ mờ sáng là các chủ ngựa đã lên đường, dẫn ngựa ra nơi làm việc, cho chúng ăn cỏ, rồi vừa ngồi trông chừng ngựa vừa đợi khách.
“Nghề này là phải chờ đợi” - ông Lê Viết Đông, 47 tuổi, hành nghề xe ngựa hơn 30 năm ở điểm trước Vườn hoa Đà Lạt xuýt xoa. “Chỗ này đâu có chỗ trú mưa, những ngày trời nắng thì không nói làm gì, gặp những ngày trời mưa thì lên xe trú mưa hoặc mặc áo mưa vào chịu trận”.
|
Đưa du khách đi dạo trên lưng ngựa |
Tùy vào từng địa điểm mà ngựa cho thuê có mức giá khác nhau. Với các chủ ngựa cho thuê chụp hình tại khu vực hồ Xuân Hương gần nhà hàng Thanh Thủy hay ở Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu thì giá mỗi kiểu hình là 10 nghìn đồng, còn nếu du khách có nhu cầu thuê ngựa để cưỡi thì giá khoảng 100 - 300 nghìn đồng/giờ. Nếu thuê xe ngựa làm nửa vòng, chừng 30 phút quanh hồ Xuân Hương hoặc các điểm du lịch khác thì giá mỗi lượt đi là 300 nghìn đồng.
Theo các chủ ngựa, vào các dịp lễ, tết hay mùa du lịch thì nguồn thu nhập từ việc cho thuê ngựa cũng như xe ngựa tương đối ổn định, và đó cũng là nguồn thu nhập chính của hầu hết những người nuôi ngựa nơi đây. Nhưng không phải ngày nào cũng có khách, như những ngày cuối năm này Đà Lạt chỉ đông vào dịp cuối tuần, còn ngày thường vắng hoe, đợi cả ngày nhiều người chẳng có khách nào. Những ngày như thế chủ ngựa chỉ biết chờ, có nhóm ngồi tụm năm tụm ba tán gẫu, có nhóm rủ nhau chơi cờ tướng hoặc nhậu lai rai, chờ mỏi thì đánh xe về, dù trời chưa tắt nắng. “Nghề như vậy rồi thì đành phải chấp nhận thôi” - ông Đông cười.
Với những chủ xe ngựa, bên cạnh điều khiển cỗ xe nhanh, chậm theo ý khách còn phải biết thêm chút ít về Đà Lạt, để khi du khách hỏi có thể hướng dẫn cho họ về các địa điểm đi chơi, các món ăn ngon ở thành phố này, biết một chút về lịch sử Đà Lạt để khi cần có thể nói chuyện với khách.
Và niềm vui của họ chính là sự hài lòng của khách khi được phục vụ. Như một du khách - anh Lê Thanh Tùng, người Nha Trang sôi nổi sau chuyến thuê ngựa cưỡi tại Thung lũng Tình Yêu: “Được cưỡi trên lưng một con ngựa đi trong rừng thông, tôi có cảm giác như mình đã chinh phục được thiên nhiên vậy”. Một du khách, chị Trần Thị Bích Thảo - người TP HCM, cũng hào hứng không kém khi thuê ngựa cho con mình chụp hình tại bờ hồ Xuân Hương. “Ở Sài Gòn, để gặp được ngựa rất khó, con tôi chỉ nhìn thấy chúng trên phim nên lên đây cho chúng chụp chung với ngựa cho biết, với lại ngựa trên này thân thiện, dễ thương, con tôi rất thích”.
Một điều thú vị khác mà các chủ ngựa kể với chúng tôi là rất nhiều người trong số họ đã đi… đóng phim cùng với ngựa của mình. Đó là khi các đoàn làm phim cần các cảnh có ngựa và họ đến thuê ngựa để đóng phim. “Thông thường họ chọn ngựa rất kỹ, những con ngựa phải có dáng đẹp và khỏe mạnh” - ông Đông cho biết. Đây là công việc mang lại thu nhập cao nhất cho những người nuôi ngựa Đà Lạt hiện nay.
Với ngựa đóng phim, tùy theo con mà đoàn phim phải trả “cát xê” khác nhau, từ 3 đến 4 triệu đồng cho một con trong một ngày lên phim, nếu thuê cả ngựa và xe thì có giá từ 7 đến 8 triệu đồng. Nhiều đoàn phim còn thuê cả chủ ngựa đóng vai quần chúng hoặc khi cần có thể đóng thế nhân vật chính những đoạn phi ngựa vượt qua các chướng ngại vật, vì diễn viên chính không biết cách cưỡi dễ làm ngựa hất xuống đất gây chấn thương. Có khi đoàn phim còn thuê cả ngựa và các chủ ngựa Đà Lạt đưa đến nhiều tỉnh, thành khác trong nước để quay phim và những chuyến đi như vậy theo các chủ ngựa “có thu nhập rất khá”.
Mai này Ðà Lạt có còn ngựa?
Với rất nhiều người, ngựa không chỉ giúp họ mưu sinh mà đó thực sự là người bạn tinh thần đem lại niềm vui cho chính chủ nhân của nó. “Không nhờ có chú nó, tôi không thể nào nuôi được gia đình và đứa con trai đang học đại học” - ông Lê Viết Đông vừa vỗ vào lưng ngựa vừa cười.
Nhưng có một thực tế là đàn ngựa tại Đà Lạt đang ngày càng giảm dần, số người nuôi ngựa tại thành phố này ngày càng ít đi. Bến xe ngựa thồ bên hồ Đội Có một thời chở rau ra chợ sớm Đà Lạt nay đã đi vào dĩ vãng, ngựa làm du lịch cũng giảm dần nhanh chóng.
Như các chủ ngựa tại Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu cho biết, trước đây có khoảng 50 con, nay chỉ chừng dưới 20 con đeo đuổi với nghề, nơi đây mỗi ngày có chừng 10 con thay phiên phục vụ khách. Tại bến xe ngựa ven hồ Xuân Hương, chúng tôi chỉ bắt gặp những người lớn tuổi hành nghề: “Tuổi trẻ bây giờ có nhiều chọn lựa hơn, với lại chúng không yêu ngựa nhiều và cũng không đâu thể kiên nhẫn ngồi đợi khách như chúng tôi được, con tôi chẳng đứa nào theo nghề này”- một chủ xe ngựa khác - ông Lê Văn Việt trầm ngâm.
Sẽ buồn biết bao nhiêu nếu sau này Đà Lạt vắng bóng những con ngựa?
Phóng sự: VIẾT TRỌNG - NGUYÊN LINH