Ma lai... chuyện hoang đường

08:12, 08/12/2016

Hồi nhỏ đọc mấy cuốn sách đường rừng và phong tục rừng của các nhà văn Hoàng Bình Trọng, Đỗ Quang Tiến... thấy nhắc đến Ma lai mà chả hiểu nó là cái gì, chỉ lơ mơ hiểu đấy là cái gì rất kinh khủng, khiếp đảm và... thần bí. 

Hồi nhỏ đọc mấy cuốn sách đường rừng và phong tục rừng của các nhà văn Hoàng Bình Trọng, Đỗ Quang Tiến... thấy nhắc đến Ma lai mà chả hiểu nó là cái gì, chỉ lơ mơ hiểu đấy là cái gì rất kinh khủng, khiếp đảm và... thần bí. Hãy hình dung, rừng âm u thế (trong trí tưởng tượng trẻ con), với đủ thứ kinh hãi mà nhà văn có thể “thêm thắt” vào được, một cô gái trẻ bị đày ra một cái chòi ở bìa rừng, cách xa dân làng, một mình, cô độc, mà cô ấy lại rất xinh đẹp và thông minh, cái gì cũng biết, xinh đến... ma cũng muốn ngó trộm, nhà văn tả mà chữ cứ rưng rưng. Và ở đấy, tất cả các tình huống trong đời thực, và cả những tình huống mà chỉ nhà văn mới nghĩ ra, xuất hiện. Cô gái vừa mong manh vừa can đảm chống chọi, xử lý các tình huống. Người đọc - trẻ con - thì nín thở, hồi hộp và cuối cùng là... trùm chăn lại nhưng vẫn ti hí mắt đọc tiếp...
 
Chả nghĩ rồi lại có ngày mình lại chứng kiến Ma lai.
 
Ma lai thường xuất hiện ở các trường hợp tự nhiên trong làng có biến như hỏa hoạn, dịch bệnh, ốm đau hay người chết bất đắc kỳ tử. Thậm chí tự nhiên vợ chồng đang hòa thuận thế, bỗng dưng nổi hứng cãi nhau. Nằm vắt tay lên trán, thấy tại sao lúc vợ chồng mình cãi nhau, cái thằng hàng xóm nó lại nhìn rồi tủm tỉm cười, thế thì đích thị nó là... Ma lai rồi. Hay đứa con gái nhà kia, đang nhem nhuốc thế, mũi dãi lòng thòng thế, nhọ nhem nhọ thủi thế, khẳng khiu thế, ngực phẳng như cái lá thế, bỗng một ngày nào đó thấy nó lớn bổng lên, má hồng e ấp, ngực non nhu nhú, đẹp lên một cách không ngờ. Ơ, không Ma lai thì là cái gì vào đấy... Tóm lại là tất cả cái gì không giải thích được, hoặc là giải được nhưng không thích, người ta bèn quy cho... Ma lai.
 
Lần ấy, cách đây hơn hai chục năm, tôi đang đi công tác ở huyện (giờ là thị xã) Ayun Pa. Đột nhiên tin cấp báo về, ở làng ấy đang có Ma lai, người ta sắp xử. Thế là rùng rùng các ban ngành xuất trận. Xe lao thẳng ra một con suối, ở đấy cuộc xử Ma lai đang chuẩn bị bắt đầu.
 
Thường thì dân làng (thực chất là từ một ông thầy cúng ất ơ nào đó, nhưng rất có uy tín với dân làng, cũng có thể là từ già làng hoặc một nhóm các già) có 2 cách xử lý Ma lai, một là đổ chì kiểm chứng: Những ai bị quy là Ma lai hoặc bị dân làng nghi về một vấn đề gì đấy (trộm cắp, nói dối... chẳng hạn) đều bị thử bằng hình thức đổ chì. Chì được nấu lỏng, xong đổ vào lòng bàn tay nạn nhân, nếu chì không ăn thủng tay hoặc nạn nhân không thấy nóng, tức là nạn nhân vô tội. Cách thứ hai cũng kinh hoàng không kém là... lặn nước, thường xảy ra ở những cuộc tranh chấp tay đôi. Hai người trong cuộc cùng lặn xuống nước, ai ngoi lên trước là thua cuộc. Thường thì cả kẻ thua lẫn người thắng đều... tiêu đời. Vì ngoi lên trước thì làng giết, còn nằm lại thì Hà Bá ru... 
 
Hôm ấy ở huyện Ayun Pa, Gia Lai, phải rất dằng dai, rất mất công sức, những người xuống giải quyết đông hơn dân làng, cuối cùng người ta đã xử lý như sau: Đồng ý với cách đổ chì, nhưng trước khi đổ vào nạn nhân, đề nghị đổ vào già làng và thầy cúng trước. Tất nhiên là các vị rụt tay lại. Nhưng quả là không phải bao giờ cũng sẵn có cán bộ để can thiệp ngay như hôm ấy, và đây cũng là cách xử lấy dã man trị dã man mà thôi.
 
Trong một báo cáo về việc này, người ta thống kê rằng, “chỉ tính riêng trong năm 2015, trong toàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra hơn 10 vụ có liên quan đến “Ma lai”, “Thuốc thư” tại 7 huyện gồm: Chư Păh, Đak Đoa, Chư Prông, Ia Grai, Chư Sê, Kông Chro và Krông Pa, làm chết 2 người, bị thương 4 người và thiệt hại về tài sản; các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt giam và khởi tố 4 bị can. Nguyên nhân chủ yếu do nghi kỵ nhau và hăm dọa dùng “Thuốc thư” để hại người khác, dẫn đến mâu thuẫn và đánh nhau”.
 
Ma lai thường đi kèm với thuốc thư, mà cả 2 thứ này thì đều là loại u u minh minh, chả ai tường tận, toàn là đồn thổi, nhưng thiệt hại gây ra là rất lớn. Nó không chỉ thiệt hại về người, tài sản, của cải vật chất, mà nguy hiểm hơn, nó gây những tâm lý bất ổn trong cộng đồng dân cư, trong xã hội.
 
Điểm khác biệt lớn nhất giữa sự “hiểu biết” từ nhỏ của tôi đối với Ma lai và Ma lai thực sự bây giờ ấy là hồi nhỏ thì nghe nói Ma lai có khả năng hút máu người. Người bị Ma lai hút máu cứ thế hết máu mà chết, và Ma lai tồn tại được bởi nó được hút máu người như một loại thức ăn của nó. Còn trong sự thực hôm nay thì Ma lai không hút máu ai cả, nó chỉ thư cho chết. Nhưng thuốc thư là gì và thư như thế nào thì cũng chỉ... nghe đồn, cũng chỉ do các ông thầy cúng hoặc già làng, thậm chí do chính... Ma lai, tưởng tượng ra, nói phao ra thế và rồi náo loạn cả làng lên...
 
Đa phần các ý kiến của những người có trách nhiệm bây giờ cho rằng, Ma lai, thuốc thư là hệ quả của việc thiếu hiểu biết, và cách hữu hiệu nhất là nâng cao trình độ hiểu biết cho bà con. Nghe cũng có lý, nhưng hình như vẫn chưa đủ. Ngay người Kinh chúng ta, rất nhiều người bằng cấp đầy mình, nhưng mê tín một cách rất hoang đường. Cũng xem ngày tốt ngày xấu, cũng cúng bái lễ tạ rất rình rang công phu, nhiều việc không thể lý giải được. Họ đặt hết niềm tin vào đấng siêu nhiên bí ẩn nào đấy, và vì thế, càng ngày các lễ hội tâm linh càng phát triển, đền chùa miếu mạo càng mọc lên dày đặc, các ông đồng bà cốt xuất hiện ngày càng nhiều (kể cả nhiều người tự xưng là nhà ngoại cảm, có thể nói chuyện được với người cõi âm, có người đã chết hàng mấy trăm năm), có khi chả vì lý do gì. Và cũng không phải không có những người tổ chức kinh doanh, và kinh doanh rất thành công, sự “mù quáng” này...
 
Việc lợi dụng hiện tượng Ma lai trong cộng đồng bà con dân tộc Tây Nguyên cũng là sự đáng báo động. Có khi chỉ vì ghét nhau mà đổ cho người ấy người kia là Ma lai rồi kéo cả làng đến giết cả nhà người ta. Những cái chết bất ngờ, những hạn hán dịch bệnh, cả hỏa hoạn, lũ lụt... đều là cái cớ cho Ma lai xuất hiện...
 
Vậy nên, Ma lai vẫn còn là bí ẩn, dù về mặt nào đấy, ai cũng biết nó là chuyện… hoang đường...
 
VĂN CÔNG HÙNG