Huyện Đức Trọng hiện có khoảng gần 56 ngàn người là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 31% dân số toàn huyện). Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Huyện Đức Trọng hiện có khoảng gần 56 ngàn người là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 31% dân số toàn huyện). Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Những kết quả khả quan
Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng Võ Văn Phương, những năm gần đây, đặc biệt, trong năm 2016, tình hình đời sống và sản xuất của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có bước phát triển ổn định. Các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất như: Chương trình 135, Chương trình 755, Chương trình trợ giá cây trồng…
Trong năm 2016, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cho các trường vùng ĐBDT trên địa bàn là 21.990 triệu đồng, trong đó, 18.860 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng 21 phòng học, thư viện, nhà vệ sinh và hạ tầng. Hiện, các trường học tại các vùng trên đều có đủ phòng học cho dạy và học 2 buổi/ngày. |
Năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhất là hạn hán xảy ra tại các xã vùng ĐBDT nhưng đời sống người dân tại các xã này vẫn tiếp tục có bước phát triển, diện tích các loại cây trồng tăng, công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi được quan tâm, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Trong tổng số 7.709,47 ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao toàn huyện, vùng ĐBDT có diện tích nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là 1.500 ha.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đức Trọng còn có 7 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động trong vùng đồng bào DTTS. Các hợp tác xã, tổ hợp tác này đã có nhiều nỗ lực trong liên doanh, liên kết với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài huyện nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Ngoài ra, huyện còn thực hiện có hiệu quả đối với các dự án hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, hỗ trợ máy móc nông cụ, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) hỗ trợ cho 151 hộ, kinh phí 1.460 triệu đồng; Chương trình 755 hỗ trợ cho 376 hộ, kinh phí 1.868 triệu đồng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục học sinh tại các trường vùng đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm, chú trọng; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, thực hiện tốt công tác huy động trẻ em DTTS trong độ tuổi đến trường.
Cụ thể, tỷ lệ mầm non 5 tuổi người DTTS ra lớp đạt 99,8%; tỷ lệ duy trì sỹ số bậc tiểu học đạt 100%, bậc THCS đạt 99,6%; xây dựng và triển khai tốt các phương án dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc tại 13 trường tiểu học trên địa bàn có học sinh dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.
Song song với đó, các công tác về y tế, văn hóa cũng được quan tâm. Các chương trình y tế quốc gia tại vùng đồng bào DTTS được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Bà con tại các vùng trên cũng được hướng dẫn thực hiện công tác diệt muỗi phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika gây ra…
Trong năm, nhiều hoạt động vui chơi và các hoạt động tín ngưỡng chào đón năm mới theo phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng miền đã được các DTTS trên địa bàn tổ chức như lễ hội Bor Chu Bur mừng lúa mới (dân tộc Chu ru); lễ hội Hoa Ban, lễ hội Xên Mường (dân tộc Thái)...
Từ các lĩnh vực của đời sống đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như: Ông K’Đô (dân tộc K’Ho, xã Hiệp An), ông Lục Văn Tâm (dân tộc Nùng, thị trấn Liên Nghĩa), ông Ya Thi (thị trấn Liên Nghĩa)...
Cần nỗ lực hơn nữa
Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, nhưng phải nói rằng, đời sống của phần lớn đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, chênh lệch về điều kiện sống; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm tương đối nhiều nhưng chưa thật sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo cao...
Trong năm 2017, Đức Trọng đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBDT trên 4%; phát triển và đảm bảo lưới điện phủ kín trên địa bàn các xã vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn để phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đảm bảo 75% đồng bào DTTS vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các xã vùng ĐBDT, vùng sâu và vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Để đạt được mục tiêu trên và tiếp tục tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trên địa bàn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, trong thời gian tới, huyện Đức Trọng tiếp tục nỗ lực và phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc miền núi, tận dụng và phát huy hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị...
THY VŨ