Mang nước về cho thôn bản xa - Ðó là mục đích của các mô hình "Giọt nước nghĩa tình" đã được Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) huyện Ðơn Dương phát động và thực hiện trong thời gian qua. Ðây là chương trình có ý nghĩa, góp phần giúp người dân giảm bớt khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt ở vùng khô hạn.
Mang nước về cho thôn bản xa - Ðó là mục đích của các mô hình “Giọt nước nghĩa tình” đã được Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) huyện Ðơn Dương phát động và thực hiện trong thời gian qua. Ðây là chương trình có ý nghĩa, góp phần giúp người dân giảm bớt khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt ở vùng khô hạn.
|
Người dân tích cực đóng góp ngày công chôn ống dẫn nước. Ảnh: V.Quỳnh |
Gần một năm nay, thiếu nước sinh hoạt đã không còn là nỗi ám ảnh của gia đình chị Ma Ny mỗi mùa khô hạn đến. Nếu như trước đây, mỗi ngày chị phải đi bộ đến con suối cách nhà hơn 2 cây số để lấy từng xô nước về dùng thì bây giờ, ống dẫn nước đã được đưa về tận nhà chị. “Có sẵn nước trong nhà, mình không còn mất nhiều thời gian đi lấy nữa. Đồ ăn thức uống được rửa kĩ, áo quần giặt giũ tại nhà, con cái cũng được tắm rửa sạch sẽ hơn. Sức khỏe gia đình được đảm bảo nên mình mừng lắm!”- Ma Ny phấn khởi. Đây cũng là niềm vui chung của 200 hộ dân sống trong thôn Kalkil, thị trấn D’ran kể từ khi công trình “Giọt nước nghĩa tình” được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016.
Thôn Kalkil là một thôn đồng bào khó khăn của thị trấn D’ran, đời sống của bà con nhân dân còn nhiều thiếu thốn, nhất là thiếu nước sinh hoạt. Con suối gần nhất nằm cách thôn đến 4 km, đường đi gập ghềnh, hiểm trở. Trước đây, người dân phải sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng do nguồn nước ở xa, muốn đào giếng rất sâu cũng chưa chắc đã có mạch nước ngầm, phải lấy nước dưới vực núi dốc đứng để sinh hoạt.
Cuối năm 2015, Hội CTÐ huyện Ðơn Dương nghiên cứu công trình lấy nước từ độ cao 1.000 m và lắp đặt hệ thống ống dẫn nước về tận thôn. Sau khi vận động các nhà hảo tâm với tổng số tiền 100 triệu đồng, 40 km đường ống được đưa về thôn. Người dân vô cùng phấn khởi, nhiệt tình đóng góp ngày công để đào đường lắp ống, dẫn nước về nhà.
Với 150 ngày công, hệ thống ống nước và bể xây chứa nước rộng 4m, dài 6m đã được hoàn thành. Hiện đã có đường ống dẫn từ bể chứa đến từng nhà. Ông Ha Sol, trưởng thôn Kalkil không giấu được xúc động: “Ở đây, trước kia cũng có công trình nước sạch do Nhà nước xây dựng nhưng vào mùa khô hạn thì nước vẫn thiếu, nhất là 50 hộ giãn dân sống trên đồi Bạch Đàn. Tội lắm, không gì khổ bằng thiếu nước. Bây giờ có nước rồi, bà con chỉ còn lo tập trung làm việc để có cái ăn, cái mặc nữa thôi. Cảm ơn chương trình nhiều lắm”.
Ông Thiều Cường, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Đơn Dương, cho biết: Trên địa bàn huyện Đơn Dương còn nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.Trong những năm qua, Hội CTĐ huyện thường xuyên tiếp nhận các đoàn từ thiện về giúp dân, chủ yếu là phát quà từ thiện. Nhận thấy việc này dễ tạo ra tâm lý ỷ lại trong người dân và không tạo được hiệu quả lâu dài, Hội CTĐ đã vận động chuyển mô hình tặng quà sang lĩnh vực cộng đồng theo phương châm “Cho cần câu, không cho con cá”, hướng tới xây dựng công trình nước gọi là “Giọt nước nghĩa tình”. Công trình tại thôn Kalkil là công trình đầu tiên được thực hiện trong chương trình này và hiện tại vẫn đang được sử dụng có hiệu quả.
“Giọt nước nghĩa tình 2” tiếp tục được Hội CTĐ huyện Đơn Dương thực hiện vào tháng 9/2016 tại Trường Tiểu học Kambutte, phân trường Bockabang xã Tu Tra. Đây là ngôi trường rất khó khăn khi không có công trình vệ sinh và nước sạch. Học sinh và giáo viên đều phải học tập và làm việc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh. Trước đó, Hội CTĐ huyện đã vận động nhà tài trợ xây dựng công trình nhà vệ sinh với tổng trị giá 75 triệu đồng, tuy nhiên, do không có nguồn nước nên công trình này vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Để giải quyết điều này, Hội đã vận động sức dân gồm phụ huynh học sinh và tình nguyện viên đóng góp 3 ngày công, hoàn thành công trình khoan giếng tìm nước sạch trị giá 90 triệu đồng. Đến nay, công trình vẫn đang phát huy hiệu quả, phục vụ cho trên 100 em học sinh và giáo viên tại trường.
Theo ông Thiều Cường, trên địa bàn huyện Đơn Dương còn rất nhiều nơi khô hạn cần đến nguồn nước sạch. Thời gian sắp tới, Hội CTĐ huyện sẽ tiếp tục vận động các nhà tài trợ nhằm xây dựng “Giọt nước nghĩa tình 3” tại thôn Tân Hiên, xã Lạc Xuân và một số trường học vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Đơn Dương không có nước. “Mình chỉ huy động nguồn tài trợ, còn ngày công xây dựng sẽ để cho bà con đóng góp. Điều này vừa giúp bà con cảm thấy mình có góp công sức đưa nước sạch về nhà, ý thức giữ gìn công trình chung cũng được tăng lên, vừa phá bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại. Đây là điều mà chúng tôi vẫn đang hướng đến trong mỗi lần thực hiện chương trình” - ông Cường cho biết thêm.
VIỆT QUỲNH