Với mục tiêu đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào ổn định, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục Quản lý thị trường Lâm Ðồng đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm siết chặt công tác quản lý thị trường trước, trong và sau Tết.
Cứ vào dịp cuối năm, gần Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường lại tăng vọt, nhu cầu tiêu dùng tăng cao kéo theo các loại hàng giả, hàng kém chất lượng cũng xuất hiện nhiều hơn. Với mục tiêu đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào ổn định, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục Quản lý thị trường Lâm Ðồng đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm siết chặt công tác quản lý thị trường trước, trong và sau Tết.
|
Siết chặt quản lý thị trường dịp cuối năm. Ảnh: D. Thương |
Khảo sát các chợ, siêu thị trên địa bàn các huyện, thành phố những tháng cuối năm, dễ dàng nhận thấy lượng hàng hóa bắt đầu tăng về số lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như quần áo, hàng tiêu dùng, thực phẩm... Đây cũng là thời điểm để các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu trà trộn vào các cửa hàng, điểm mua sắm.
Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, dịp cuối năm, ngành Công thương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên toàn tỉnh. Chỉ trong tháng 11/2016 đã kiểm tra 160 vụ, phát hiện và xử lý 104 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 191,3 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 74,657 triệu đồng.
Ông Nguyễn Kiến Thiết - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chia sẻ: Dịp cuối năm chính là thời điểm phức tạp nhất trong đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân chưa cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, người dân vẫn có tâm lý mua hàng giá rẻ. Đây cũng là nguyên nhân mà hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng dễ dàng thâm nhập vào thị trường này. Mặt khác, hoạt động kinh doanh vẫn chỉ mang tính nhỏ lẻ, thưa thớt, chưa có các trung tâm thương mại, do đó, công tác quản lý thường xuyên gặp nhiều khó khăn về thời gian, phương tiện, nhân lực.
Để đối phó với những tình hình phức tạp dịp cuối năm, Chi cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các Ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh phổ biến cho các tiểu thương niêm yết giá, nếu vi phạm sẽ có hình thức xử lý. Riêng các mặt hàng bình ổn giá như xăng, dầu, ga... chi cục tăng cường kiểm soát chống bán phá giá hoặc tăng giá so với quy định, từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Ông Kiều Xuân Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Để tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý thị trường, thời gian cuối năm, lực lượng quản lý thị trường sẽ vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm kiểm soát và ổn định thị trường. Trước mắt, xác định sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các hộ kinh doanh cố định trên địa bàn đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; tăng cường công tác nắm địa bàn nhằm phát hiện các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm và các vụ việc phức tạp về buôn lậu trên địa bàn. Phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng giả. Trong đó, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng trọng điểm có sức mua lớn vào dịp cuối năm như: may mặc, giày dép, điện thoại, phụ kiện, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ điện dân dụng. Đồng thời siết chặt giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý đối với hoạt động vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng cấm như pháo nổ, đồ chơi bạo lực, độc hại…
Bà Nguyễn Thị Kim Vui (kinh doanh bánh mứt tại Khu B, Chợ Đà Lạt) chia sẻ: Cùng với các hộ kinh doanh trong chợ Đà Lạt chúng tôi cam kết nói không với hàng không rõ xuất xứ, mập mờ về thành phần, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và của các hộ dân kinh doanh chân chính trước vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang diễn ra ngày một phức tạp, tinh vi”.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bình ổn giá thị trường những tháng cuối năm, cùng với lực lượng quản lý thị trường cần có sự vào cuộc hơn nữa của các ngành có liên quan, chính quyền các địa phương và đặc biệt là các hộ kinh doanh nghiêm túc thực hiện cam kết về giá, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa. Có như thế mới thực hiện công tác bình ổn giá một cách hiệu quả, đẩy lùi hàng gian, hàng giả và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
DIỄM THƯƠNG