Vào một sáng tháng 12/2016, tôi có dịp trở lại thôn Krọt Dờng (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Nằm trên trục đường nhựa liên xã, thôn Krọt Dờng trở nên khang trang và bề thế, khiến tôi không rời mắt khi trông thấy những mái nhà xây kiên cố "mọc" lên ngày càng nhiều và bao quanh là vườn cà phê trĩu quả đang vào vụ thu hái.
Vào một sáng tháng 12/2016, tôi có dịp trở lại thôn Krọt Dờng (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Nằm trên trục đường nhựa liên xã, thôn Krọt Dờng trở nên khang trang và bề thế, khiến tôi không rời mắt khi trông thấy những mái nhà xây kiên cố “mọc” lên ngày càng nhiều và bao quanh là vườn cà phê trĩu quả đang vào vụ thu hái.
|
Đội Cồng chiêng thôn Krọt Dờng. Ảnh: X.Long |
Khi vừa tới Krọt Dờng, tôi tìm đến Trưởng thôn Hoàng Bá Lâm. Tuy là người Kinh, nhưng Hoàng Bá Lâm sinh sống ở đây từ hồi nhỏ, nên bà con trong thôn thân thương gọi anh là K’Lâm. Anh Lâm cho biết: Dân số Krọt Dờng không đông lắm, chỉ có 188 gia đình và gần 1.000 nhân khẩu, với 96% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Bà con Krọt Dờng sinh sống chủ yếu là nhờ cà phê và lúa nước. Toàn thôn có hơn 285 ha đất sản xuất; trong đó, có 210 ha đất trồng cà phê và 75 ha trồng lúa nước (bình quân mỗi hộ có 1,5 ha). Từ sản xuất cà phê và lúa nước cộng với nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, mức thu nhập bình quân đầu người dân trong thôn được trên 20 triệu đồng (năm 2016), đời sống của bà con khá ổn định.
Hàng năm, thôn Krọt Dờng đều sắp xếp, bố trí cho bà con tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thâm canh cà phê và lúa nước; kỹ thuật chăn nuôi, trồng nấm rơm… Nhờ vậy, bà con DTTS trong thôn đã từng bước mạnh dạn đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao dần mức sống.
|
Cho dù đầu năm nay gặp thời tiết hạn nắng kéo dài, nhưng bà con ở thôn Krọt Dờng không đến nỗi mất mùa cà phê. Bởi khi trở lại Krọt Dờng, chúng tôi thấy từ sân nhà ra đến các tuyến đường làng, xóm ngõ và cả trên sân bóng đá nữa, chỗ nào cũng chằng chịt những tấm bạt lót làm sân phơi cà phê. Anh Lâm vui mừng: “Năm nay, so với mọi năm, năng suất cà phê ở thôn Krọt Dờng cũng đạt mức trung bình, nhờ Bảo Thuận có các công trình thủy lợi, bà con chủ động được nguồn nước tưới”.
Từ năm 2010, thôn Krọt Dờng thành lập Tổ Già làng. Ban đầu Tổ có 9 vị già làng và người có uy tín (nay còn 6 vị). Chi bộ và Ban Nhân dân, Ban công tác Mặt trận cùng các đoàn thể trong thôn luôn trân trọng, phát huy vai trò của Tổ Già làng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các già làng, người có uy tín và các vị chức sắc tôn giáo trong việc vận động bà con tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM)”...
Theo già làng K’Brès, các già làng và người có uy tín ở thôn Krọt Dờng luôn tham gia cùng với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động bà con DTTS trong thôn đoàn kết, tích cực giúp nhau lao động sản xuất, phát triển kinh tế; tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng NTM, “Ngày vì người nghèo” và thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tham gia việc hòa giải những mâu thuẫn ở khu dân cư; giáo dục, nhắc nhở con cháu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, không quậy phá, trộm cắp, đánh lộn; gặp gỡ, khuyên răn, giáo dục những thanh niên hư, có biểu hiện thiếu lành mạnh…
Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, bà con trong thôn hiến đất và đóng góp tiền, công sức để cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm. Từ khi triển khai xây dựng NTM, bà con đã đóng góp 250 triệu đồng, trên 500 ngày công lao động để làm 2,7 km đường giao thông nông thôn. Đời sống tinh thần của người dân Krọt Dờng ngày một được cải thiện. Những hủ tục lạc hậu trong ma chay, thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… được loại bỏ dần. Thôn Krọt Dờng hiện có 1 Đội Cồng chiêng phục vụ các lễ hội truyền thống của địa phương. Trong Đội Cồng chiêng có 4 nghệ nhân biết hát dân ca cổ và dân ca tân thời. Thôn có sân bóng đá, sân bóng chuyền và đã hình thành các đội bóng (nam, nữ) thường tham gia thi đấu giao lưu và thi đấu các giải do xã, huyện tổ chức. Thôn Krọt Dờng hiện có 100% gia đình được sử dụng điện lưới và hầu hết được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ông K’Brêm chỉ có 0,7 ha cà phê (mỗi năm thu hoạch khoảng 2 tấn nhân) và 1,3 ha đất ruộng sản xuất 2 vụ lúa/năm (năng suất đạt 4 tấn/vụ). Tuy đất đai không nhiều và mức sống của gia đình chỉ trên trung bình, nhưng khi UBND xã Bảo Thuận vận động hiến đất, ông đã không ngần ngại, gương mẫu chặt bỏ 180 cây cà phê để làm đường giao thông nông thôn.
Đến với thôn Krọt Dờng lần này, tôi nhận diện được diện mạo nông thôn mới ở đây có những khởi sắc. Trong thôn hiện chỉ còn 3,72% hộ nghèo (theo tiêu chí mới), số hộ giàu và khá chiếm tỷ lệ 22%. Thôn Krọt Dờng đã có nhiều nhà xây kiên cố. Bà con trong thôn đã mua sắm 156 chiếc máy kéo và máy cày, 53 máy tuốt lúa. Nhà nào cũng có máy xay cà phê và bơm nước chống hạn; có phương tiện xe máy đi lại; có ti vi để xem thời sự, nghe thông tin và giải trí… Năm 2016, thôn Krọt Dờng có 152/188 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; trong đó, có 80 gia đình đạt “Gia đình văn hóa” tiêu biểu 3 năm liền. 100% số cháu trong độ tuổi đều được đến trường” - Trưởng thôn Krọt Dờng, ông Hoàng Bá Lâm cho tôi biết thêm.
XUÂN LONG