Trưởng thôn gương mẫu

08:12, 08/12/2016

Được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh thôn Toa Cát, xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng), ông Trần Văn Doanh không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn giúp đỡ người dân trong thôn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.

Được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh thôn Toa Cát, xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng), ông Trần Văn Doanh không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn giúp đỡ người dân trong thôn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
 
Rời quê hương Hải Hậu - Nam Định vào Lâm Đồng sinh sống từ năm 2008, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với bản tính cần cù, chịu khó cùng với bản chất của “người lính Cụ Hồ” đã không làm ông chùn bước. Biết cách làm ăn nên kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Doanh còn tham gia tích cực vào các phong trào ở địa phương. Từ khi được tín nhiệm và bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn, đến năm 2014 ông được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, ông luôn thể hiện tốt vai trò của mình trong mọi hoạt động. Được biết, thôn Toa Cát có 211 hộ dân, với 916 khẩu, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Với tâm niệm học tập và làm theo Bác từ những việc “nhỏ nhất, thiết thực nhất”, ông đã vận động bà con tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên thoát nghèo. 
 
Ngoài vai trò là Trưởng thôn và Chi hội trưởng CCB, ông được giao thêm nhiệm vụ Tổ trưởng tổ an ninh thôn; vì vậy, ông thường xuyên tổ chức các buổi tuần tra trong địa bàn thôn, thường xuyên nhắc nhở bà con nhân dân có tinh thần cảnh giác với mọi loại tội phạm. Nhờ vậy, trên địa bàn thôn hiện không có tình trạng trộm cắp vặt, không có cờ bạc hay chích hút ma túy. 
 
Là một xã vùng sâu, vùng xa, lại là xã mới thành lập, cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại của các thôn trong xã nói chung và thôn Toa Cát nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, các cháu học sinh đi học hàng ngày cũng như bà con đi lại sản xuất là vô cùng vất vả, nhất là vào mùa mưa đường rất lầy lội. Từ thực tế trên, bản thân ông đã chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cho phép vận động nhân dân quyên góp kinh phí, ngày công để tu sửa làm mới cầu gỗ và 2 km đường trong thôn. Năm 2012, ông tích cực cùng bà con sửa chữa 20 m cầu K61 bắc qua suối đã hư hỏng xuống cấp, việc làm này đã giúp cho việc đi lại của bà con cũng như các cháu học sinh trong thôn an toàn, không còn nguy hiểm như trước với tổng kinh phí là 8 triệu đồng (trong đó, vận động nhân dân đóng góp 6,5 triệu đồng, ông và gia đình đóng góp 1,5 triệu đồng và 40 ngày công). Năm 2013, ông chủ động vận động nhân dân đóng góp 26 triệu đồng và 170 ngày công để mua bi cống, đào đắp, rải cát, sỏi tu sửa trên 2 km đường trong thôn. Năm 2014, tiếp tục vận động nhân dân đóng góp 18,5 triệu đồng, trong đó gia đình ông đóng góp 5,5 triệu đồng. 
 
Đặc biệt, năm 2015, ông đã quán triệt, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc lắp đặt hệ thống điện thắp sáng đường quê để chung tay xây dựng nông thôn mới với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, đây là công trình 100% do nhân dân đóng góp. Thấy được lợi ích và ý nghĩa của việc lắp đặt điện thắp sáng, toàn thể bà con nhân dân trong thôn đã tích cực hưởng ứng. Do địa bàn cư trú của bà con không tập trung, bà con trong thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; do vậy, bản thân ông đã chủ động phối hợp với các ngành khảo sát thực tế, qua khảo sát tổng số bóng điện phải lắp đặt cả 3 cụm là 76 bóng với dự toán ban đầu là 1,4 triệu đồng/ bóng, tổng số tiền dự kiến là 98 triệu đồng. Với số tiền nhân dân đóng góp chỉ đủ lắp đặt 56 bóng, còn lại 20 bóng không đủ kinh phí để lắp đặt. Không chùn bước trước khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước bà con nhân dân, ông đã trăn trở suy nghĩ và quyết định vận động các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả trong thôn và doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Trước tấm chân tình của ông, nhiều hộ đã đóng thêm từ 500.000 đ - 1.000.000 đ và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đóng góp 10 bóng điện với số tiền là 14 triệu đồng. Với số tiền vận động thêm được 28 triệu đồng, đủ lắp đặt điện thắp sáng. Giờ đây, nhờ hệ thống điện thắp sáng đường làng ngõ xóm thôn Toa Cát, đã đem lại niềm vui cho người dân cũng như góp phần bảo vệ an ninh thôn.
 
Ông tâm sự: “Muốn người dân trong thôn nghe theo mình, làm theo mình thì mình phải gương mẫu làm trước bởi họ chỉ tin vào những hành động cụ thể. Là một trưởng thôn thì mình phải là cầu nối giữa nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, vừa động viên nhân dân phát triển sản xuất, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình vừa bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhất là trong việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Đó là những nhiệm vụ cơ bản để bà con tin tưởng và đoàn kết, đồng lòng vươn lên trong cuộc sống, đẩy lùi đói nghèo”.
 
Với những việc làm vì dân của ông Trần Văn Doanh, ông đã được xã Đa Quyn cũng như huyện Đức Trọng tặng nhiều giấy khen; điều đáng mừng, năm 2016, ông là một trong 18 cá nhân tiêu biểu được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây chính là nguồn động viên rất lớn và ý nghĩa để ông tiếp tục cống hiến vì bà con thôn Toa Cát.
 
HỒNG VĨNH