Từ mạch nguồn cách mạng…

08:12, 22/12/2016

Nam Tây Nguyên, mùa nắng lạnh. Trở về với những buôn làng, "cái nôi" nuôi dưỡng phong trào đấu tranh cách mạng tại Lâm Đồng, để được ngắm nhìn sự thay da, đổi thịt. Những vùng căn cứ xưa nhuốm màu cỏ úa, giờ đã dệt những miền xanh thanh bình và ấm áp.  
 

Nam Tây Nguyên, mùa nắng lạnh. Trở về với những buôn làng, “cái nôi” nuôi dưỡng phong trào đấu tranh cách mạng tại Lâm Đồng, để được ngắm nhìn sự thay da, đổi thịt. Những vùng căn cứ xưa nhuốm màu cỏ úa, giờ đã dệt những miền xanh thanh bình và ấm áp.  
 
Vui hội buôn làng. Ảnh: M.V.Bảo
Vui hội buôn làng. Ảnh: M.V.Bảo

Trên cung đường nhựa chạy dọc về xã anh hùng Lộc Bắc, Bảo Lâm, màu xanh của những nương chè, đồi cà phê trải dài như tiếng chiêng của người Tây Nguyên. Trong nhà dài truyền thống của người Mạ, tại buôn B’Đăng, ngược miền ký ức, già làng K’Diệp kể: Thời kháng chiến, các xã Lộc Bắc, Lộc Lâm, Lộc Nam đã phát động các phong trào “Năm thi đua”, “Bốn nhất” trong thanh niên, thực hiện chống càn để bảo vệ căn cứ, chống biệt kích, bắn máy bay địch, bổ sung lực lượng cho các đơn vị vũ trang… Vít cong cần rượu, già tự hào: “Mình đi làm cách mạng từ năm 1963, sau đó bảy năm thì được làm bộ đội Cụ Hồ, cấp bậc thượng sĩ. Miền đất này còn có du kích K’Vét, xưa đã bắn rơi máy bay địch đó”. Trong mạch nguồn câu chuyện, già K’Diệp bảo, cách nay chừng mười, mười lăm năm, xã Lộc Bắc còn khó khăn lắm, đường sá đi lại vất vả, cuộc sống bà con chủ yếu nhờ lộc rừng, giờ thì vui hơn rồi… 
 
Những câu chuyện, cũng là niềm tự hào của người Mạ ở vùng căn cứ xưa và bây giờ cứ nối dài bên bếp lửa nhà dài, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc - K’Tư cho hay, Lộc Bắc là xã vùng sâu, vùng xa, có hơn 1.100 hộ sinh sống tại bốn thôn, 11 buôn; trong đó, hơn 72% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện xã đã đạt 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt hơn 94%, tỷ lệ hộ nghèo còn 16%, giảm 4,8% so năm 2015. “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước triển khai hỗ trợ Chương trình 30a, 135 và các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, nhờ đó bộ mặt buôn làng có nhiều khởi sắc” - Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc thổ lộ.
 
Chiều. Chia tay những buôn làng Lộc Bắc trong tiếng chiêng huyền thoại, tôi đến xã anh hùng Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm. Chuyện xưa buôn làng đói cơm, thiếu áo, nhưng vẫn dốc sức lo cho bộ đội từng hạt muối, củ mài, lá bép và bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm, giữ bình yên buôn làng. Năm 1978, Lộc Lâm vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Lộc Lâm có khoảng 79% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên quần tụ, sinh sống; chủ yếu dân tộc Mạ, với 610 hộ, hơn 2.300 nhân khẩu. Đang tỉ mẩn chăm sóc vườn cà phê của gia đình mùa đượm trái, ông K’Yàng hồ hởi: “Mình sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà, khó khăn không thể khuất phục được bà con mình, phải xây dựng cuộc sống ấm no, sung túc hơn”. Nhờ sớm được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, học tập nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu trong tỉnh, K’Yàng đã áp dụng hiệu quả mô hình sản xuất của gia đình và tích cực hướng dẫn cho bà con trong buôn. Từ 3 ha cà phê, năm sào chè và đàn bò 25 con, hàng năm đã mang về thu nhập cho gia đình ông hơn 400 triệu đồng. Giữa mênh mang đại ngàn, K’Yàng đã cất được căn nhà khang trang, trị giá gần 400 triệu đồng. Cùng với tấm gương sản xuất giỏi K’Yàng, miền đất anh hùng Lộc Lâm hiện có khá nhiều hộ đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như gia đình bà Ka Tuyết, ông K’Hóa, K’Đòi…
 
Buôn làng vào hội
Buôn làng vào hội

Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm - K’Giáp cho biết, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 47,6%, nay giảm còn 9%; thu nhập bình quân đầu người hơn 16 triệu đồng. Hiện xã đã hoàn thành 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngắm nhìn sự đổi thay từng ngày của buôn làng, già làng K’Tin vui mừng: “Mỗi khi nhớ về những ngày tháng tham gia cách mạng, mình rất tự hào về bà con và mảnh đất anh hùng này. Giờ đây, nhiều nhà đã có của ăn, của để, cái bụng mình vui lắm. Rồi đây, quê hương anh hùng Lộc Lâm sẽ lớn mạnh”.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số tại Bảo Lâm chiếm khoảng 30% dân số toàn huyện. 5 năm qua, công tác giảm nghèo của huyện đạt kết quả cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 5,19%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 24% năm 2010, xuống còn 10,9%. Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm K’Wi cho biết: “Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, giờ đây, cuộc sống bà con vùng sâu, vùng xa của huyện đã thay đổi đáng kể, đặc biệt là tại những xã anh hùng, vùng căn cứ xưa”.
 
Sáng. Sương giăng bảng lảng. Đứng trên đỉnh Dốc Mây nhìn xuống, buôn làng người Mạ, S’Tiêng, miền đất anh hùng Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, nép mình bên những triền núi hữu tình. Những vùng đất bằng giờ đã phủ kín màu xanh lúa nước. Chín mươi mùa rẫy đã qua, cũng là ngần ấy thời gian già làng người Mạ Điểu K’Đố nếm trải những khó khăn, sự đổi thay của mảnh đất phía thượng nguồn sông Đồng Nai. Giờ đây, cuộc “cách mạng” lúa nước đã góp phần thay đổi cuộc sống bà con giữa đại ngàn Bù-xa-lu-xiên. Già K’Đố vui ra mặt: “Ngày trước không có gạo, mình phải vào rừng kiếm cái ăn cho cả nhà, vất vả lắm. Giờ mỗi năm thu hoạch hai vụ lúa, nhà mình không còn đói ăn nữa, dân làng mình từ nay được ấm no”. Và, hơn 400 hộ dân đồng bào Mạ, S’Tiêng đã nghĩ về ngày hội “mừng lúa mới”. 
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, mảnh đất này là vùng căn cứ quan trọng thuộc chiến khu D. Sau ngày đất nước thống nhất, một lần nữa nhân dân Đồng Nai Thượng lại bắt đầu cuộc chiến chống lại đói nghèo. Còn nhớ, trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng - Nguyễn Văn Tiến cách đây chưa lâu, ông thổ lộ: “Nhờ lúa nước mà giờ đây bà con đã lo đủ cái ăn. Năm 2015, hộ nghèo giảm còn 17,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng. Ước mơ về những vụ mùa no đủ của những người con phía thượng nguồn đã thành hiện thực”.
 
Tháng mười hai, hoa dã quỳ mộc mạc còn dát vàng bên những sườn đồi Nam Tây Nguyên. Đi qua những miền đất gian lao mà anh dũng một thời, giờ đây trên những cung đường của buôn làng, âm hưởng của ngày hội “mừng lúa mới” đã ùa về…
 
MAI VĂN BẢO