"Về nguồn" ký ức

08:12, 21/12/2016

Những ngày này, mảng hồi ức về chiến tranh, chiến đấu lại hiện về trong lòng những người cựu chiến binh (CCB) - như những thước phim quay chậm, cùng chung một nhịp đau thương mà oanh liệt.

Những ngày này, mảng hồi ức về chiến tranh, chiến đấu lại hiện về trong lòng những người cựu chiến binh (CCB) - như những thước phim quay chậm, cùng chung một nhịp đau thương mà oanh liệt.
 
Tình đồng đội làm nên sức mạnh vượt qua khổ ải ngục tù
 
“Khi ấy mới 13 tuổi, chẳng hiểu vì sao mà mình có thể gan dạ đến thế. Vừa đi ở cho nhà người ta, vừa làm liên lạc cho các chiến sĩ cách mạng mà không hề nghĩ đến những hiểm nguy…”. Người CCB Trần Phát Xuân (SN 1949) đã nói với chúng tôi như vậy khi chốt lại câu chuyện về một thời chiến đấu của ông, và nhắc đi nhắc lại rằng: “Cuộc đời tôi đã thật may mắn khi được sống trong những tháng năm chiến tranh khốc liệt nhưng thắm đượm tình người”. 
 
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Tiến Lợi, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cậu bé Xuân từ nhỏ đã phải đi chăn trâu cắt cỏ thuê. Trong những chuyến vào rừng lấy gỗ, cậu được gặp các anh bộ đội, được nghe các anh kể những câu chuyện chiến đấu hào hùng và anh dũng. Cảm nhận được tình yêu thương của các anh và sự vĩ đại của cuộc cách mạng, lòng yêu nước cũng dần lớn lên trong cậu bé 15 tuổi. Năm 1964, Trần Phát Xuân bắt đầu tham gia làm du kích xã, làm công tác đào hầm bí mật và tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội đóng trong rừng.
 
Và cho đến tận bây giờ, ông Xuân vẫn chưa quên được cảm xúc khi lần đầu tiên được mang khẩu súng AK: “Lớn hơn cả niềm vui là cảm giác như mang cả trọng trách giết giặc cứu nước trên đôi vai mình”.
 
Sau thời gian hoạt động bí mật tại chiến trường thị xã Phan Thiết, ngày 15/5/1968, ông bị giặc bắt sau 3 tiếng chiến đấu cầm cự trong hầm. Trước đó, mọi tài liệu, thức ăn và vũ khí đều đã bị đốt và tiêu hủy. Địch đưa ông về giam ở khu nhà giam Phan Thiết, tra tấn dã man nhưng không khai thác được thông tin gì. Ngày 23/6/ 1968, ông là người trẻ nhất trong số 100 người bị đưa ra nhà tù Phú Quốc cùng đợt.
 
Câu chuyện về những ngày trong tù của ông có những đau thương mất mát, nhưng những điều đó như bị phai mờ bởi những câu chuyện đẹp khác về tình thương yêu. “Nếu khi bị bắt mà không có sự động viên của cơ sở, không có tình thương yêu của các anh chị em, không có sự kiên định của đồng đội thì chắc tôi đã không có đủ sức mạnh để đứng vững” - ông bồi hồi. Cũng trong thời gian này, lần đầu tiên ông được tiếp cận với những con chữ từ chính đồng đội. Bút là chiếc đũa tre được vót nhọn. Bảng là tấm bìa cạc tông được bôi mỡ cá và bao ni lông. “Đó là tài sản quý giá nhất của tôi lúc đó” - ông Xuân chia sẻ.
 
Sau 5 năm chịu cảnh tù đày, năm 1973, ông thuộc nhóm được trao trả đợt cuối cùng. Sau khi khỏe mạnh trở lại, ông xin vào chiến đấu tại chiến trường Tuyên Đức, sau đó tham gia công tác và gắn với mảnh đất Đà Lạt cho đến tận bây giờ. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với vai trò Bí thư chi bộ Tổ dân phố 11, phường 1, với tâm sự: “Mình còn được sống để trở về, được sống những mùa xuân tự do, yên bình của đất nước đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Tuổi trẻ trải qua những tháng ngày như vậy, tôi không còn gì để nuối tiếc hay ân hận. Chỉ tiếc duy nhất một điều là mình không có điều kiện học hành như lớp trẻ bây giờ, nên không thể cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước”.
 
Nữ tù binh Phú Tài tuổi 16
 
13 tuổi, rời quê hương Quảng Nam vào mảnh đất Sài Gòn đầy khói lửa. Cũng 13 tuổi bước chân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy ác liệt, cô giao liên Trần Thị Thảo (SN 1952) khi ấy chắc không thể hình dung rằng, cuộc đời mình có thể phải trải qua những thăng trầm biến cố, cả những phút giây thập tử nhất sinh
 
Mỗi khi nhắc lại, bà không khỏi chìm trong bao cảm xúc khi nghĩ về những ngày tháng khổ ải chốn tù lao, ở độ tuổi trăng tròn.
 
Năm 1969, trong một lần đang làm nhiệm vụ ở Sài Gòn, bà bị địch bắt giam và chuyển đến trại dành cho nữ tù binh ở Phú Tài, Bình Định - nơi giam giữ hàng nghìn chị em nữ tù binh toàn miền Nam. “Ở đây tuy không bị tra tấn như nhà tù khác, nhưng việc đàn áp tù binh vẫn diễn ra hằng ngày. Quân đội đế quốc bắt ép các nữ tù binh hàng tuần phải xếp hàng điểm danh, chào cờ, hô khẩu hiệu. Nếu không làm theo thì bị đàn áp bằng những thủ đoạn dã man như bắt ra sân phơi nắng, không cho ăn uống. Nhiều người không chịu được đã bị ngất xỉu. Bản thân tôi cũng có lần lâm vào tình trạng tê liệt toàn thân. Chỉ đến khi có người hi sinh thân mình nhảy xuống giếng thì mới có thể giải tán cuộc đàn áp và trở về buồng giam” - Đó chỉ là một trong số những sự việc mà mỗi khi nhớ lại, bà Thảo lại không cầm được nước mắt.
 
Và ngày định mệnh, 15/2/1973, khi quân đội đế quốc lại một lần nữa tập trung tù binh trên những chuyến xe không biết bến đỗ, tưởng rằng cái chết cận kề thì lại là lúc hình ảnh lá cờ cách mạng tung bay. Lúc ấy, các nữ tù binh mới ôm nhau và vỡ òa trong tiếng khóc - âm thanh gần như không nghe thấy trong suốt những năm tháng tù đày. 
 
Trở về thời bình, bà Thảo luôn sôi nổi trong các phong trào tuyên truyền của Hội Phụ nữ khu VI. Và cái duyên đã đưa bà về làm dâu mảnh đất Đà Lạt từ đầu những năm 80. Trước khi về hưu, bà giữ vai trò Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trong nhiều năm liền. 
 
Bà Thảo bồi hồi: “Ngày ấy chẳng biết lấy đâu ra dũng cảm mà cứ thế xung phong làm liên lạc, mặc cho cảnh tượng quân lính bắn giết ở đường phố Sài Gòn. Có lẽ dòng chữ “Hãy xứng đáng là người cộng sản” được viết bằng máu trên vách nhà tù chính là động lực để tôi cố gắng sống và chiến đấu cho đến tận ngày hôm nay”.
 
Thương binh “tàn” nhưng không “phế”
 
Chiến tranh đã qua lâu, nhưng những nỗi đau mà nó mang lại vẫn âm ỉ trong người CCB Phan Đình Cường (SN 1939), nhất là trong những ngày trái gió trở trời, khi vết thương nơi đầu gối chân phải vì bị đóng đinh những ngày bị tra tấn dã man tại nhà tù Phú Quốc lại làm ông nhức nhối. Đau đớn là vậy, hi sinh nhiều là vậy, nhưng cuộc chiến đấu qua lời kể của ông chỉ thấy anh dũng, vinh dự và tự hào.
 
Năm 1964, trong lúc cao trào kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta lan rộng khắp cả nước, tỉnh Tuyên Đức (cũ), nay là tỉnh Lâm Đồng cũng vùng lên diệt ác phá kìm khắp nơi. Chàng thanh niên 25 tuổi Phan Đình Cường cũng hăm hở tham gia vào phong trào giải phóng quê hương. Cái tên “Cường trung liên” dần trở nên quen thuộc với cả Đại đội 810 với những chiến tích gan dạ và dũng cảm. 
 
Tháng 3/1967, khi tham gia hỗ trợ cho đội công tác vào ấp Lạc Sơn làm công tác tuyên truyền, ông bị địch phát hiện và bắt giữ. Sau đó, ông bắt đầu trải qua những tháng năm mà như ông nói là “khốc liệt và khắc nghiệt nhất của cuộc đời tôi”. Lần lượt ông bị biệt giam ở khu Tuyên Đức, Ban Mê Thuột, Hố Nai Biên Hòa rồi đưa ra Phú Quốc vào tháng 3/1968. Suốt 6 năm trời, ông đã cùng đồng đội chịu những tra tấn, đàn áp trong tù, đồng thời đấu tranh chống đối mạnh mẽ cho đến ngày trao trả tù binh vào năm 1973.
 
Những đòn tâm lý chiến, dùi cui, đấm đá, bao nhiêu lần ngất đi tỉnh lại, người chiến sĩ cách mạng vẫn kiên quyết không khai một lời.
 
Trở về với tỉ lệ thương tích 61%, trở thành thương binh hạng 2/4, ông Phan Đình Cường phát huy tinh thần anh bộ đội Cụ Hồ, thương binh “tàn” nhưng không “phế”, tham gia công tác ở Đoàn An điều dưỡng 198 rồi Học viện Lục quân. Năm 1989, trở về đời thường, ông vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Hiện, ông là Bí thư chi bộ tổ 4, khu phố Phan Chu Trinh và là Ủy viên BCH Hội chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày TP Đà Lạt. “Thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, bản thân tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển kinh tế từ trồng hoa, cây cảnh, có thu nhập ổn định…” - ông Phân Đình Cường chia sẻ.
 
VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM