Vì một nền hành chính hiện đại

02:12, 30/12/2016

Chấn chỉnh cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nâng cao ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức; nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính..., đó là những nét chính trong cải cách hành chính của tỉnh năm 2016.

Chấn chỉnh cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nâng cao ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức; nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính..., đó là những nét chính trong cải cách hành chính của tỉnh năm 2016.
 
Giải quyết thủ tục hành chính tại Liên Nghĩa - Đức Trọng. Ảnh: V.Trọng
Giải quyết thủ tục hành chính tại Liên Nghĩa - Đức Trọng. Ảnh: V.Trọng

Gần 99,5% hồ sơ được giải quyết đúng hạn 
 
2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, Lâm Đồng đã tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo lộ trình đã vạch ra. 
 
Tỉnh đến nay đã thực hiện tốt việc đánh giá chỉ số CCHC tỉnh hằng năm, từ cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành đến cấp xã đều thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tính khách quan, phản ánh đúng nỗ lực của từng cơ quan, đơn vị. 
 
Trong năm, Sở Nội vụ đã phối hợp các ngành chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra CCHC tại 6 huyện, thành, 7 sở, ngành; tại mỗi huyện, thành tiến hành kiểm tra 2 đơn vị cấp xã. Các sở, ngành, địa phương cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất việc thực hiện CCHC; tăng cường vai trò của tổ thanh tra công vụ cấp tỉnh cũng như các huyện, thành trong chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính thực thi công vụ, giờ giấc, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
 
Tính đến thời điểm này, Lâm Đồng đã công bố và thực hiện 1.495 thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh (có 6 thủ tục đặc thù), trong đó cấp tỉnh có 1.039 thủ tục, cấp huyện có 332 thủ tục (có 21 thủ tục đặc thù), cấp xã 124 thủ tục. Lâm Đồng đã cập nhật 27 thủ tục đặc thù của tỉnh, đồng thời chuẩn hóa TTHC trong các lĩnh vực như Công thương; Giao thông Vận tải; Tư pháp; Khoa học - Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch... vào cơ sở dữ liệu quốc gia. 
 
Với cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh trong năm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ngành được bố trí chung tại Trung tâm Hành chính tỉnh cũng như của bộ phận một cửa của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) chung với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các huyện, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giải quyết TTHC.
 
Để công khai hóa TTHC, các quyết định công bố TTHC của UBND tỉnh đã được đăng tải trên trang mạng điện tử của tỉnh (vpubnd.lamdong.gov.vn); bộ phận một cửa từ tỉnh đến huyện, xã đều có bảng niêm yết công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, đồng thời các cơ quan, đơn vị cũng đưa TTHC lên trang mạng.
 
Đến nay, 20/20 sở, ban, ngành của tỉnh; 12/12 huyện, thành phố và 147/147 xã, phường, thị trấn đều thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hầu hết các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền. Đặc biệt, trong năm 2016 hầu hết các sở, ngành cùng nhiều huyện, thành trong tỉnh đã thực hiện khá hiệu quả việc tiếp nhận, trả kết quả; luân chuyển hồ sơ liên thông qua đường bưu điện khi người dân có nhu cầu.
 
Theo số liệu của tỉnh, tổng số hồ sơ tiếp nhận trong năm 2016 của 20 sở, ngành, 12 huyện, thành là 923.767 hồ sơ, đã giải quyết 916.785 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hạn 911.851 (đạt tỷ lệ 99,46%), quá hạn 4.934 hồ sơ, số hồ sơ còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Hồ sơ quá hạn chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, được thẩm định qua Văn phòng một cấp - Sở Tài nguyên Môi trường, tuy nhiên, do lượng hồ sơ nhiều nên việc thẩm định chậm, chưa đảm bảo về thời gian.
 
Đánh giá của Sở Nội vụ cho biết, việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cơ bản đều thực hiện đúng trình tự. Trong quá trình giải quyết, hồ sơ được theo dõi bằng sổ tiếp nhận và trả kết quả hoặc qua phần mềm một cửa điện tử, qua phiếu theo dõi quá trình giải quyết hay giấy biên nhận hồ sơ, tạo điều kiện cho người dân giám sát quá trình giải quyết.
 
Tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính 
 
Đến nay, tất cả cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện đều có mạng nội bộ LAN. Trung tâm Hành chính tỉnh được trang bị hệ thống mạng CAMPUS, đảm bảo hoạt động liên tục cho trên 1.500 người dùng với 51 máy chủ tập trung của các đơn vị và 2 đường truyền chuyên dụng, 37 đường kết nối Internet FTTH. Hệ thống cổng thông tin điện tử, thư điện tử công vụ của tỉnh cũng đang hoạt động ổn định, phục vụ tốt việc điều hành của tất cả các cơ quan, đơn vị.
 
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đến nay đã được tỉnh triển khai đến cấp xã, phường với trên 6.000 tài khoản, hệ thống này đang phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển trong cơ quan nhà nước.
 
Với phần mềm văn phòng điện tử, đến nay tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh, cấp huyện, thành đều ứng dụng, một số địa phương còn đưa đến cấp xã, phường. Đã có 59 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện việc liên thông gửi nhận văn bản điện tử trên phần mềm eOffice thông qua trục liên thông do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý.
 
Riêng hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, đến nay đã triển khai cho 18 sở, ngành và 12 đơn vị cấp huyện, thành phố. Hệ thống này đang cung cấp 1.123/1.495 TTHC, trong đó. các đơn vị cấp tỉnh có 772 thủ tục (có 171 thủ tục mức độ 3 và 14 thủ tục mức độ 4), các đơn vị cấp huyện có 227 thủ tục (có 23 thủ tục mức độ 3; 28 thủ tục mức độ 4), các đơn vị cấp xã, phường cung cấp 124 thủ tục.
 
Lâm Đồng đến nay đã có 28 điểm cầu sử dụng đường truyền cáp quang cho các cuộc họp trực tuyến giữa tỉnh và các huyện thành. Một số cơ quan sở, ngành trong tỉnh đã triển khai các chương trình quản lý thống nhất theo ngành dọc từ trung ương tới địa phương, đáp ứng cơ bản các tác nghiệp trong nội bộ.
 
Trong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008, đến nay, Lâm Đồng đã có 44/48 đơn vị các sở, ban, ngành, các huyện, thành công bố ứng dụng hệ thống, có 2 đơn vị đang triển khai và còn 2 đơn vị chưa thực hiện. Toàn bộ 1.495 TTHC của tỉnh đến nay đã được xây dựng và áp dụng theo hệ thống quản lý chất lượng này, trong đó, có 30/48 đơn vị đã áp dụng cho tất cả các TTHC đã được phê duyệt.
 
Vẫn còn những tồn tại nhất định trong CCHC của tỉnh năm qua. Nhiều người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn về thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết hồ sơ; trụ sở xã nhiều nơi xuống cấp, bộ phận một cửa nhiều đơn vị chưa đủ diện tích làm việc, phương tiện, trang thiết bị còn thiếu ảnh hưởng đến hoạt động chung của cơ sở; đặc biệt là tình trạng trễ hạn hồ sơ trong lĩnh vực đất đai... 
 
Trong năm 2017, tỉnh yêu cầu trong CCHC cần tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về CCHC theo kế hoạch đã đề ra; thực hiện tốt việc đánh giá chỉ số CCHC năm 2016 của tỉnh, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, gặp gỡ đối thoại về CCHC.
 
VIẾT TRỌNG