Cách đây 40 năm, thực hiện chủ trương phân bố lại lao động, khai thác tiềm năng thế mạnh và giữ vững quốc phòng an ninh khu vực Tây Nguyên; sau khi khảo sát, bàn bạc thống nhất giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng, đã lấy vùng Nam Ban và Lán Tranh của huyện Đức Trọng để thành lập Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.
Cách đây 40 năm, thực hiện chủ trương phân bố lại lao động, khai thác tiềm năng thế mạnh và giữ vững quốc phòng an ninh khu vực Tây Nguyên; sau khi khảo sát, bàn bạc thống nhất giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng, đã lấy vùng Nam Ban và Lán Tranh của huyện Đức Trọng để thành lập Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, thành phố Hà Nội và huyện Lâm Hà chụp hình lưu niệm với nguyên lãnh đạo Vùng Kinh tế mới Hà Nội |
Vùng Nam Ban và Lán Tranh xưa kia là vùng hoang vu, toàn cây rừng tái sinh rậm rạp. Với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội giao phó, 106 cán bộ kỹ thuật luồn rừng, vượt suối khảo sát thiết kế, quy hoạch; 2.662 thanh niên xung phong tiền trạm được biên chế thành 8 tổng đội Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Ba Đình, Thanh Trì hăng hái lên đường xây dựng cơ sở hạ tầng, với bao khó khăn vất vả, thiếu thốn, xa ánh đèn thành phố, thiếu cơm lạt muối, đối diện với sốt rét rừng và fulro luôn rình rập. Họ đã phát huy truyền thống của tuổi trẻ thời đại “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và truyền thống của tuổi trẻ Thủ đô với tinh thần “Ba sẵn sàng” để cống hiến sức trẻ cho Vùng kinh tế mới. Họ đã hăng hái làm nhà, mở đường, bắc cầu, khai hoang và truy quét fulro…
Sau khi có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được hình thành, cán bộ biệt phái và nhân dân các quận, huyện thành phố Hà Nội từng bước được đưa vào, đầu tiên chỉ có 9 hộ của Từ Liêm, sau đó tăng dần hàng năm. Cuộc chiến đấu khắc phục khó khăn, khai hoang mở đất tiếp tục với bao khó khăn thử thách. Đất thử lòng người trên mảnh đất mới. Các thầy giáo, cô giáo miệt mài bên trang giáo án, vận động và chăm chút từng em học sinh ra lớp đến trường; các y, bác sỹ tận tình chu đáo chăm sóc bệnh nhân; các hộ gia đình bỡ ngỡ với vùng đất mới, đối mặt với bao thử thách vợ ốm, con đau, ăn độn sắn khoai, nhưng vẫn bám trụ vượt qua.
Với tinh thần nhiệt tình, lạc quan của tuổi trẻ và quyết tâm của người đi khai hoang, mở đất và truyền thống quyết tâm giữ đất, vượt khó của người Hà Nội, Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng từng bước được hình thành, các mục tiêu nhiệm vụ từng bước được thực hiện. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đường sá, nhà cửa, cầu cống, trường học, trạm xá, lưới điện trung thế được hình thành và hoàn thiện. Sau 11 năm xây dựng, Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng đã đón được 5.124 hộ, với 23.665 nhân khẩu; diện tích khai hoang được 5.539 ha; lực lượng vũ trang được xây dựng vững mạnh, vừa ngăn chặn sự tấn công và tiến hành tổ chức truy quét fulro, giữ vững quốc phòng - an ninh; Đảng bộ Vùng Kinh tế mới khi thành lập chỉ có 47 đảng viên, đã phát triển lên thành 374 đảng viên đảm bảo vai trò lãnh đạo và chỉ đạo trên các lĩnh vực. Tên các quận, huyện của thành phố Hà Nội trở thành tên đất, tên làng của các xã, thôn, tổ dân phố của Vùng Kinh tế mới như: xã Gia Lâm, Mê Linh, Đông Thanh, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ; tổ dân phố Ba Đình, Đống Đa, Từ Liêm, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm...
Ngay từ ngày đầu, lãnh đạo 2 địa phương đã xác định Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng chính là đứa con của tình đoàn kết giữa Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng, vì vậy đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng: Ưu tiên quy hoạch những vùng thuận lợi và màu mỡ nhất, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bắc cầu, làm đường giao thông, thủy lợi, hạ thế điện, góp ý định hướng phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo cung cấp lương thực kể cả lúc khó khăn thiếu thốn của vùng; gắn kết phát triển kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, đảm bảo an ninh - quốc phòng của Vùng Kinh tế mới Hà Nội với huyện Đức Trọng và các địa phương khác trong tỉnh.
Vùng Kinh tế mới Hà Nội không những được sự quan tâm của thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng mà còn có sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong thời gian xây dựng Vùng Kinh tế mới Hà Nội đã được đón đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Quốc Việt vào thăm và động viên. Sau 10 năm xây dựng Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, để ghi nhận những thành tích và thành quả đạt được, Đảng và Nhà Nước đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba, trong đó có ghi “Nhân dân, cán bộ và chiến sỹ Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại tỉnh Lâm Đồng đã có thành tích xuất sắc trong việc khắc phục khó khăn, kiên cường bám đất, sản xuất và chiến đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng là một trong những vùng kinh tế mới thành công nhất trong nước trên mọi phương diện.
Sau khi Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng phát triển về hạ tầng kinh tế - xã hội, về dân số, cũng như mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, để thúc đẩy sự phát triển của Vùng kinh tế mới Hà Nội và các địa phương khác trong khu vực của huyện Đức Trọng, huyện mới Lâm Hà được thành lập vào ngày 28 tháng 10 năm 1987, trên cơ sở sáp nhập Vùng Kinh tế mới Hà Nội với 5 xã của huyện Đức Trọng, với một tên đầy ý nghĩa của tình đoàn kết giữa Lâm Đồng và Hà Nội là huyện Lâm Hà.
Kế thừa truyền thống của Vùng Kinh tế mới Hà Nội và 5 xã của huyện Đức Trọng, cùng với sự chỉ đạo và đầu tư thường xuyên của tỉnh Lâm Đồng và sự hỗ trợ của cán bộ và nhân dân thành phố Hà Nội, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà, Vùng Kinh tế mới Hà Nội và huyện Lâm Hà đã phát triển nhanh chóng, khu vực Nam Ban và Tân Hà trở thành 2 vùng kinh tế trọng điểm và năng động của huyện, dân số khi thành lập huyện các địa phương của Vùng kinh tế mới chỉ có hơn 20.000 khẩu, đến nay có gần 90.000 khẩu, chiếm 60% dân số toàn huyện.
Huyện Lâm Hà sau 29 năm hình thành và phát triển, đã thay đổi và phát triển nhanh chóng, thu hút dân cư ở rất nhiều các vùng miền, các dân tộc trong cả nước về đây sinh sống. Từ khi chỉ có 58.000 khẩu đến nay gần 150.000 khẩu, có 30 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 20%; huyện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mọi mặt đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trung bình theo hướng tiếp cận đa chiều còn 6,61%, đồng bào dân tộc thiểu số còn 17,63%. Văn hóa người Hà Nội, văn hóa của các vùng miền, các dân tộc, được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ; chất lượng giáo dục và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên thường xuyên, an ninh trật tự luôn được giữ vững. Khi thành lập huyện chỉ có hơn 500 đảng viên, đến nay đã nâng lên gần 3.500 đảng viên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng thường xuyên được nâng cao, đảm bảo vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực. Đến nay, huyện đã có 2 xã đạt nông thôn mới. Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà được Đảng và Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Ba, Nhì và hạng Nhất.
Với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” và với tình cảm, trách nhiệm mà thành phố Hà Nội dành cho Lâm Hà, huyện Lâm Hà ngày nay không những nhận được sự chỉ đạo và đầu tư của Nhà nước và tỉnh Lâm Đồng và còn tiếp tục nhận được sự quan tâm, sẻ chia giúp đỡ của cán bộ và nhân dân thành phố Hà Nội. Các thế hệ lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn coi Lâm Hà là một quận, huyện của mình; các quận, huyện của thành phố Hà Nội coi Lâm Hà là một bộ phận anh em máu thịt của mình và đưa vào chương trình kế hoạch hỗ trợ đầu tư của từng giai đoạn và hàng năm. Riêng trong giai đoạn 2011 - 2016, thành phố Hà Nội và các quận, huyện đã hỗ trợ Lâm Hà gần 300 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy Lâm Hà phát triển. Đồng thời, huyện Lâm Hà luôn nhận được bao tình cảm và sự quan tâm của các anh các chị thanh niên tiền trạm, cán bộ biệt phái vẫn đau đáu thương nhớ và dõi theo sự phát triển của Vùng Kinh tế mới Hà Nội và huyện Lâm Hà. Bên cạnh đó, cũng có biết bao người dân thành phố Hà Nội và các vùng miền dõi theo người thân đang sống ở Lâm Hà. Vì vậy đã tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Hà Nội và Lâm Hà - Lâm Đồng, và Lâm Hà - Lâm Đồng với Hà Nội và các vùng miền trong cả nước.
Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng và huyện Lâm Hà ngày nay là kết tinh của bao tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo của thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo của Vùng Kinh tế mới và huyện Lâm Hà; chứa bao mồ hôi, công sức của các thanh niên tiền trạm, cán bộ biệt phái và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà qua các thời kỳ. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà cần nỗ lực cố gắng tiếp tục vun đắp truyền thống của Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng - huyện Lâm Hà và tình đoàn kết giữa Lâm Đồng và thành phố Hà Nội ngày càng phát triển, góp phần xây dựng huyện Lâm Hà ngày càng giàu đẹp.
ÐINH ÐỨC CHÍ