Những vụ tai nạn do đuối nước trong thời gian qua ở Lâm Ðồng đặc biệt là trẻ em, học sinh cho thấy, việc nâng cao ý thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước hết sức cần thiết nên việc đưa môn bơi vào dạy học trong nhà trường là điều mà các bậc phụ huynh hết sức quan tâm.
Những vụ tai nạn do đuối nước trong thời gian qua ở Lâm Ðồng đặc biệt là trẻ em, học sinh cho thấy, việc nâng cao ý thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước hết sức cần thiết nên việc đưa môn bơi vào dạy học trong nhà trường là điều mà các bậc phụ huynh hết sức quan tâm.
|
Học sinh Trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc) tham gia học bơi. Ảnh: Khánh Phúc |
Lâm Đồng là địa phương có hệ thống sông suối, ao hồ khá lớn và trải khắp ở các huyện, thành phố trong tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất lớn, nhất là đối với trẻ em.
Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ trẻ em bị đuối nước do tắm sông suối, ao hồ hết sức thương tâm. Đó là trường hợp của hai anh em Nguyễn Hoàng Long (12 tuổi) và Trần Tấn Phát (5 tuổi, ngụ tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) không may bị trượt chân rơi xuống hồ bị đuối nước trong sự đau xót của gia đình. Hay trường hợp 3 học sinh nữ lớp 6 tại Trường Tiểu học - THCS Lê Lợi (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) tử vong do đuối nước khi ra tắm tại một hồ thủy lợi ở địa phương. Cùng với đó, trong thời gian qua, còn xảy ra nhiều vụ trẻ em, học sinh bị đuối nước thương tâm tại TP Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh… Theo thống kê của các ngành chức năng, trong năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 29 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong năm 2016, chỉ tính riêng ở huyện Bảo Lâm đã có ít nhất 8 trẻ em, học sinh bị đuối nước. Đó là những “con số biết nói” dấy lên hồi chuông báo động về nguy cơ và tình trạng trẻ em bị đuối nước mà nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em thiếu kỹ năng bơi lội, thiếu sân chơi trong mùa hè.
Thấy rõ mức độ nguy hiểm của các vụ đuối nước, trong năm 2016, 5 lớp dạy bơi miễn phí được mở cho trẻ nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại thành phố Đà Lạt, Di Linh, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Cùng với đó, một số trường học đã đưa môn bơi vào dạy như một môn học năng khiếu trong các giờ ngoại khóa. Tại huyện Bảo Lâm, ở Trường Phổ thông DTNT đã đầu tư xây dựng hồ bơi để dạy bơi cho các em học sinh trong và ngoài trường. Vấn đề này đã và đang được các bậc phụ huynh hết sức đồng tình ủng hộ. Ông Lê Đức, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có tất cả 67 trường học, trong đó chỉ có Trường Phổ thông DTNT có hồ bơi. Ngành xác định việc đưa môn bơi vào trong trường học là rất cần thiết để dạy kỹ năng bơi và chống đuối nước cho học sinh. Tuy nhiên, để đưa môn bơi trở thành một môn học chính là rất khó khăn vì cần một nguồn kinh phí lớn đầu tư cơ sở vật chất hồ bơi nên hầu hết các trường trên địa bàn vẫn chưa thể đưa môn bơi vào dạy trong nhà trường. Trong năm học tới, chúng tôi sẽ kiến nghị tới chính quyền địa phương xem xét đầu tư xây dựng một số hồ bơi tại trường học để dạy bơi cho các em học sinh”.
Việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em là một trong những giải pháp cơ bản và cần thiết để giảm thiểu tai nạn đuối nước. Hiện nay, ở Lâm Đồng, bơi vẫn chưa được đưa vào nhà trường là một môn học chính thức để dạy cho học sinh và nếu có thì bơi lội trong nhà trường chỉ được xem là một môn học năng khiếu, ngoại khóa nhưng vẫn chưa được chú trọng tổ chức vì thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Ở TP Bảo Lộc, với mục đích giúp học sinh tiếp cận với kỹ năng bơi lội để rèn luyện sức khỏe và chống đuối nước, ngay từ đầu tháng 9/2016, Trường THPT Lộc Phát đã đưa môn bơi vào chương trình học. Theo đó, bơi được nhà trường xếp vào môn học tự chọn và được tổ chức 3 buổi học/tuần cho 6 lớp (2 lớp khối 10, 2 lớp khối 11 và 2 lớp khối 12) đã thu hút gần 400 học sinh đăng ký tham gia học bơi.
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát cho biết: “Từ những vụ đuối nước thương tâm xảy ra đối với học sinh trong thời gian qua, Ban giám hiệu nhà trường nhận thấy việc đưa môn bơi vào chương trình học là rất cần thiết đối với học sinh. Ngoài việc giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, thì bơi là môn học tự chọn được nhà trường chú trọng đầu tư để các em học sinh tăng cường kỹ năng sống nhằm thích nghi với môi trường tự nhiên của địa phương. Mặc dù vậy, do chưa có hồ bơi nên buộc nhà trường phải thuê hồ bơi để tổ chức dạy bơi cho học sinh”.
Trên thực tế, dạo quanh các bể bơi tại TP Bảo Lộc vào đầu giờ chiều, hầu hết các bể bơi đều đông nghịt người đưa con tới học bơi. Điều này cho thấy, việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em đã được người dân ý thức rất rõ. Anh Nguyễn Văn Nam, ngụ phường Lộc Tiến (TP Bảo Lộc) cho biết: “Nghe báo, đài thông tin về các vụ trẻ em đuối nước tôi thấy rất thương tâm. Mấy năm gần đây, lúc nào rảnh tôi lại cho các cháu đi học bơi để rèn luyện kỹ năng bơi lội. Nhà tôi có 2 cháu, đứa lớn năm nay lên lớp 6, cháu thứ 2 năm nay lên lớp 3 đều biết bơi thuần thục. Tôi thấy đi bơi về các cháu vận động nhiều nên ăn uống rất tốt. Thậm chí các bệnh thường gặp như cảm cúm, tai mũi họng, sốt… còn giảm hẳn”.
Như vậy, có thể thấy rằng, vấn đề phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em được coi là vấn đề cấp thiết, cần sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội.
KHÁNH PHÚC