Cháy bỏng một niềm đam mê

08:01, 29/01/2017

Ở ngay thị trấn Lạc Dương, còn sót lại căn nhà dài (hìu rọt) hiếm hoi của người K'Ho bằng gỗ, nguyên sơ. Nơi ấy có hai cha con chung một niềm đam mê cháy bỏng với văn hóa bản địa. Bằng tiếng K'Ho, tiếng Kinh, tiếng Pháp, tiếng Anh họ vẫn đang ngày ngày kể với du khách gần xa...

Ở ngay thị trấn Lạc Dương, còn sót lại căn nhà dài (hìu rọt) hiếm hoi của người K’Ho bằng gỗ, nguyên sơ. Nơi ấy có hai cha con chung một niềm đam mê cháy bỏng với văn hóa bản địa. Bằng tiếng K’Ho, tiếng Kinh, tiếng Pháp, tiếng Anh họ vẫn đang ngày ngày kể với du khách gần xa những câu chuyện về Lang Biang, về buôn làng.
 
Đã bao năm trôi qua, ông Krajar Hai vẫn kể chuyện với cô con gái Blui bên bếp lửa. Ảnh: N.Ngà
Đã bao năm trôi qua, ông Krajar Hai vẫn kể chuyện với cô con gái Blui bên bếp lửa. Ảnh: N.Ngà

Bước ra từ căn hìu rọt bằng gỗ, người đàn ông gần 80 tuổi ở thôn Bon Dưng 1, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp. Hai tay nắm vào nhau trước bụng đầy lịch thiệp, Krajan Hai - người mà bà con trong thôn quen gọi là Krajan Hai bác sỹ, nói: “Trước tiên tôi rất mừng và vinh dự khi được tiếp đón các bạn ghé thăm buôn làng tôi và nhất là gia đình tôi. Xin gửi lời chào tới các bạn - Niêm sá! (theo tiếng của bà con tôi niêm sá nghĩa là xin chào)”. Cách đón khách của Krajan Hai vô cùng đặc biệt, rất trang trọng mà cũng thật gần gũi để khách ghé thăm ai cũng nở nụ cười. 
 
Cha - người nhóm lửa
 
Như để giải đáp thắc mắc của chúng tôi về cách bà con ở đây gọi ông là bác sỹ, Krajan Hai nói: “Mấy chục năm trước, tôi là người hiếm hoi ở buôn làng này được học hành đầy đủ. Tôi thông thạo tiếng Pháp nên đi làm phụ tá cho các bác sỹ người Pháp một thời gian. Mặc dù đã trở về làm rẫy từ lâu, nhưng bà con vẫn quen gọi tôi là Krajan Hai bác sỹ”.
 
Năm 1991 cũng nhờ biết tiếng Pháp nên ông Hai được mời làm phiên dịch cho một đoàn khách Pháp đến Lang Biang. Lần đó, ông đã giới thiệu thêm cho những vị khách này về cuộc sống và văn hóa của người K’Ho. Sau này, Krajan Hai còn tự học thêm tiếng Anh và rồi mỗi khi có khách nước ngoài đến Lang Biang, người ta lại tìm tới Krajan Hai. Và, ông trở thành người kể chuyện buôn làng từ đó. 
 
Những câu chuyện kể, những kiến thức văn hóa bản địa bằng tiếng Anh mà chị Blui đang dùng lưu loát hôm nay đều được thừa hưởng từ chính người cha đáng kính của mình. Với Blui, Krajan Hai không chỉ là cha mà còn là người bạn lớn và cũng là người thầy không bao giờ đứng trên bục giảng của riêng chị. Krajan Hai đã nhen nhóm trong người con gái này niềm đam mê cháy bỏng “phải tiếp nối công việc của cha, phải để khách được trải nghiệm những gì mà cha chị đã kể, để họ thêm hiểu thêm yêu con người và vùng đất này”.
Trải qua bao thăng trầm biến chuyển của cuộc sống, khi buôn làng đã đổi thay nhiều, Krajan Hai vẫn giữ cho riêng mình những nét xưa cũ, đó là căn nhà truyền thống, là những câu chuyện của ông cha. Đã mười mấy năm trôi qua, đêm đêm bên ánh lửa bập bùng, ông Krajan Hai - người đàn ông sống cảnh gà trống nuôi con vẫn tưới tắm cho tâm hồn những đứa trẻ của mình bằng những câu chuyện. Đó là truyền thuyết về chuyện tình cảm động của chàng Lang và nàng Biang. Họ yêu nhau và chết đi trong sự chia cắt, đau đớn để rồi giờ đây ở xứ này có ngọn núi ít cây cối trên đỉnh hơn người ta gọi là núi Ông. Và nơi ngọn núi có cây cối xanh tươi như mái tóc của nàng Biang người ta gọi là núi Bà. Sau núi Bà có dòng sông Đạ Nhim (Đạ là nước mắt, Nhim là người khóc) được tạo thành từ nước mắt của chuyện tình này…
 
Không chỉ kể chuyện cho các con, Krajan Hai còn là người kể chuyện cho du khách trong và ngoài nước. Ngoài những câu chuyện mang chút phong vị của truyền thuyết, có dấu tích của thời xa xưa, chuyện của Krajan Hai còn thú vị với những điều mới mẻ mà ông được trải nghiệm bằng chính cuộc đời mình. 
 
“Thế hệ của tôi người ta mua ông chồng. Mua không phải bằng vàng bằng bạc mà mua bằng con trâu. Khi đó, thông thường một ông chồng giá trị một con trâu, nhưng vợ tôi mua tôi tới 5 con trâu vì tôi không chỉ thông thạo tiếng K’Ho mà còn biết tiếng Kinh, tiếng Pháp” - Krajan Hai chia sẻ.
 
Hơn 25 năm qua, Krajan Hai vẫn miệt mài với những câu chuyện kể, để bao lượt khách đến rồi đi, mang theo cả những câu chuyện thú vị về cộng đồng người K’Ho, về người đàn ông đắt giá và thú vị Krajan Hai.
 
Cho con cháy bỏng đam mê
 
Thời gian trôi qua, bếp lửa trong hìu rọt của Krajan Hai vẫn luôn rực hồng. Những đứa trẻ đã lớn, nhưng câu chuyện của ông vẫn cứ nối tiếp nhau, cuốn hút và dạt dào như dòng nước chảy. Khách ghé thăm Krajan Hai giờ đây đều được ông hân hoan mời nếm rượu cần do chính con gái út Cil Mom Blui ủ. Và cô gái ấy cũng chính là người dẫn khách leo lên những đỉnh núi trong câu chuyện của Krajan Hai.
 
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Blui sống cùng với cha mẹ và làm vườn, rẫy. Kể từ khi người mẹ mất đi, Blui - người phụ nữ của gia đình đã ngoài 30 tuổi vẫn quẩn quanh bên cha già. Để rồi những câu chuyện bên bếp lửa của cha đã thấm đẫm nhen nhóm lên trong người con gái này niềm đam mê cháy bỏng được giới thiệu văn hóa của buôn làng, của dân tộc mình đến với bè bạn gần xa. Với những thứ tài sản quý giá đó, cộng thêm kinh nghiệm của những năm tháng tuổi thơ “theo cha lên rừng” và quãng thời gian làm trưởng nhóm du lịch cộng đồng tuyến Lang Biang (thuộc VQG Bidoup - Núi Bà) được Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đào tạo về cách làm du lịch, Blui hiện đang là người con gái duy nhất dẫn khách du lịch leo núi ở khu vực Lang Biang. 
 
Mỗi lần có khách, trước khi lên đường chị đã tự tay làm các món: rau bùm xào tỏi, rau biếp nấu canh đọt mây, đọt sắn, cá suối... để đãi khách. Bởi với chị “giới thiệu cho du khách thực phẩm địa phương cũng là để bảo tồn”. 
 
Krajar Hai mời du khách nếm thử rượu cần do con gái mình ủ. Ảnh: N.Ngà
Krajar Hai mời du khách nếm thử rượu cần do con gái mình ủ. Ảnh: N.Ngà

Nếu đến Lang Biang đi xe jeep lên đỉnh radar cao 1.929 m phóng tầm mắt nhìn ngắm đất trời là chưa đủ, mà phải đặt chân lên đỉnh núi Ông cao 2.124 m và núi Bà cao 2.167 m mới thấy hết vẻ đẹp huyền thoại của miền sơn cước này. Theo chân chị Blui, chúng tôi lên đỉnh núi bằng cách đi bộ băng qua những rừng thông bạt ngàn; bãi cỏ rộng, bãi hoa mua tím rực rỡ; hay khu vực rừng già, ánh nắng chỉ còn le lói... 
 
Trên hành trình đó Blui đã chỉ cho chúng tôi những cây nấm muôn hình trồi lên từ lớp lá thông. Hay khi thấy một con nhím lủi dưới gốc cây thông, Blui đã kể cho mọi người nghe chuyện về cái cần uống rượu. Rằng ngày xưa, khi uống rượu ché người ta không dùng cần để uống như bây giờ. Cho đến một hôm, có người dân trong buôn nhìn thấy con nhím dùng lông chích vào trái cây rừng để ăn. Thấy vậy, người đó vào rừng chọn những tay cây tre, nứa nhỏ, dài và thẳng mang về làm thành một cái cần cắm vào ché rượu để uống. Kể từ đó, việc này được truyền đi các bộ tộc và lan rộng khắp cao nguyên… 
 
Suốt hành trình dẫn khách, Blui sắm khá nhiều vai: khi đóng vai người dân ngày ngày kiếm sống dựa vào rừng, khi lại là một nhà văn hóa bản địa… Và, đối với các du khách nước ngoài, chị như một vị đại sứ giới thiệu hình ảnh, nét đẹp thiên nhiên, đặc trưng văn hóa của vùng đất này.
 
 Khi mồ hôi ướt đẫm áo, chân bắt đầu căng cơ và co rút, thấy trên đầu mình ánh sáng mạnh mẽ hơn cũng là lúc chúng tôi vượt qua bao nhiêu bảng chỉ đường, để lên tới đỉnh núi. Tất cả du khách ai cũng khoan khoái khi chinh phục được tự nhiên, thu được muôn trùng núi non vào tầm mắt, đặc biệt là hiểu hơn về đời sống tinh thần và cuộc sống gắn với rừng của con người nơi đây.
 
NGỌC NGÀ