Chuyện giữ loài cây của thời… khủng long

10:01, 30/01/2017

Nhiều năm, cho đến gần đây, các nhà khoa học khẳng định về giá trị của một loài cây, tổ tiên nó sinh ra cùng thời với loài động vật khủng long. Quý và hiếm, giới khoa học những tưởng nó đang tuyệt chủng, chỉ còn rất ít cá thể. Không, còn cả những quần thể, gần 500 cây, ẩn nấp xen kẽ trong rừng lá rộng thường xanh, trên diện tích rộng 900 ha.

Nhiều năm, cho đến gần đây, các nhà khoa học khẳng định về giá trị của một loài cây, tổ tiên nó sinh ra cùng thời với loài động vật khủng long. Quý và hiếm, giới khoa học những tưởng nó đang tuyệt chủng, chỉ còn rất ít cá thể. Không, còn cả những quần thể, gần 500 cây, ẩn nấp xen kẽ trong rừng lá rộng thường xanh, trên diện tích rộng 900 ha. Nó thường cao nhất thiên hạ, sừng sững reo với nắng gió, hãnh diện giữa mưa bão vùng đất Nam Tây Nguyên. Mấy chục năm, mấy trăm năm, chưa ai xác định được tuổi. Nó tồn tại, phát triển nhờ hợp đồng duy nhất với một người bảo vệ gần 10 năm nay, là dân tộc bản địa, nhưng chưa một lần lên mặt báo…
 
Những cây Thông đỏ ẩn nấp giữa rừng xanh huyền thoại. Ảnh: Minh Đạo
Những cây Thông đỏ ẩn nấp giữa rừng xanh huyền thoại. Ảnh: Minh Đạo

Quần thể gần 500 cây Thông đỏ 
 
Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng Đồng Văn Tuyên cho biết: Tôi là người đại diện cơ quan nhà nước ký hợp đồng với một mình anh Cill Ha Duy bảo vệ Thông đỏ từ năm 2007 đến nay. Hàng năm, tôi giám sát, nghiệm thu để thanh toán tiền cho Ha Duy. Anh ấy luôn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc”. Do tính đặc biệt của loài này, tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng ký hợp đồng trực tiếp với cá nhân Cill Ha Duy. Trong lâm phần này, có một phần diện tích đang giao cho một doanh nghiệp làm du lịch sinh thái nên doanh nghiệp này thuê một người (cũng là người bản địa) trông coi rừng, trong đó có Thông đỏ, nên báo chí đã nhầm.  
Trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) bên con đường mịt mù bụi. 5-7 cán bộ đang xúm bên những sổ sách. “Chào các anh, tôi là nhà báo, cho hỏi có anh Ha Duy ở đây không?”, tôi cất tiếng. “Đây, Ha Duy là anh này này”, họ đồng thanh chỉ vào một thanh niên thấp đậm, săn chắc, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt linh lợi và hồn hậu. Chúng tôi mở lòng, chuyện trò tay tư tay năm rổn rảng về loài Thông đỏ. Tiếng bản địa của Ha Duy, Thông đỏ gọi là Cil B’rê, nghĩa là cây Tùng. 
 
Quần thể Thông đỏ mà Ha Duy đang bảo vệ là rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh nhận giao khoán quản lý; trực tiếp phụ trách là anh Phạm Mạnh Thùy - Trạm trưởng Trạm QLBVR Hiệp An. Anh Thùy là người có mặt 17 năm tại rừng có phân bố loài Thông đỏ nên rất tường tận. Anh cho biết: Thông đỏ sống ở lâm phần thuộc 2 tiểu khu 268 và 278a; gần 500 cây, trên diện tích rừng 900 ha… Năm 2010, 2 tháng kiểm kê, các anh đã kiểm đếm được tổng số 410 cây. Đường kính từ gốc lên 1,3 m khoảng 25 cm trở lên; cũng có những cây rất lớn, tới 2,3 m. Số cây này đã được đánh số thứ tự, nhưng hiện còn khoảng gần 100 cây chưa đánh số do chưa kiểm kê được. Hỏi về độ tuổi của Thông đỏ, anh Thùy nói: “Rừng tự nhiên có từ xưa, đến giờ cũng chưa thể tính được năm tuổi, tuy đã có nhiều đoàn khoa học trong nước và quốc tế đến khảo cứu”.  
 
Cill Ha Duy bên cây Thông đỏ chưa có số. Ảnh:  Minh Đạo
Cill Ha Duy bên cây Thông đỏ chưa có số. Ảnh: Minh Đạo

Gần 10 năm sắt son giữ Thông đỏ 
 
Cill Ha Duy là người dân tộc K’Ho Cill, sinh năm 1975, tại phường 2, thành phố Đà Lạt. Sau đó, anh theo ba mẹ di cư về vùng Suối Tía rồi định cư ở Đa Ra Hoa. Lần mò qua nhiều người, hẹn nhiều lần, tôi mới tìm gặp được Ha Duy. Bởi, cả tháng, nắng hay mưa, anh coi rừng xanh là mái nhà thân thiết để lui tới. Anh nói: “Hôm nay may anh gọi điện trước chứ không thì em đã vào rừng từ 8 giờ rồi”. “Ừ, thì bây giờ tôi với anh ta bắt đầu đi nhé”, tôi đề xuất.  
 
Chúng tôi tạt vào quán nhỏ ven đường mua mấy chai nước và hướng rừng xanh phía cao và xa lên đường. Vừa đi, Ha Duy vừa chia sẻ với tôi lý do anh thích cái nghề đơn độc và hiểm nguy luôn tiềm ẩn này trong khi mỗi tháng chỉ được lĩnh 2,5 triệu đồng lương. Hóa ra Ha Duy yêu thích nghề này từ nhỏ. Những năm 1991-1992, thời ông Hồ Quang Thanh làm Giám đốc Rừng đầu nguồn Trị An, anh là tổ trưởng tổ trồng rừng. Ha Duy không giấu niềm tự hào về một thời quá vãng: “Em vận động bà con trong buôn phát dọn trồng rừng, gieo Thông ngay trong rừng. Hồi đó, Thông 3 lá lên nhanh lắm anh”.     
 
Cây Thông đỏ chất chứa những trầm tích trong rừng lá rộng. Ảnh: M.Đ
Cây Thông đỏ chất chứa những trầm tích
trong rừng lá rộng. Ảnh: M.Đ
Năm 2007, khi các nhà khoa học phát hiện ra quần thể “rừng hôi” Thông đỏ, Ha Duy trở thành bên B ký hợp đồng bảo vệ. Anh thú thật chẳng biết giá trị của Thông đỏ đến đâu, chỉ biết đã hợp đồng thì phải làm cho nó tốt. “Quan trọng là bảo vệ rừng sẽ bảo vệ được nguồn nước cho buôn mình. Có rừng thì đất trên cao không bị nước chảy xói và sạt lở xuống. Có rừng thì có màu xanh, đẹp quê…”. Ý niệm đơn giản đó trở thành hành trang và động lực thôi thúc anh nắng mưa với rừng; cũng là tri thức để anh giảng giải cho bà con mỗi khi gặp họ. Hàng ngày, 8 giờ sáng ra khỏi nhà, khoảng 13-14 giờ Ha Duy một mình từ rừng quay về Trạm báo cáo tình hình với kiểm lâm địa bàn. Lâu lâu cũng có thêm người của Ban, hoặc các đợt truy quét có lực lượng kiểm lâm. Gần 10 năm, không ngọn núi hay dòng suối nào không lưu lại dấu chân của Ha Duy. Trên địa hạt 900 ha này, ở đâu có Thông đỏ, ở đó có Ha Duy - từ M’Lin, Hồ Tiên đến YôRôu… Trạm trưởng Phạm Mạnh Thùy xác nhận: Ngày nào Ha Duy cũng đi rừng, quãng đường xa nhất cả đi và về trong 5 giờ đồng hồ. “Anh phối kết hợp với anh em của Trạm khá chặt chẽ, rất tự giác và hiệu quả”, anh Thùy nhận xét. 
 
Lên đến một con dốc đứng, tôi và Ha Duy dừng lại nghỉ giữa lối mòn để uống nước. Tôi thuộc típ cừ khôi lội rừng mấy chục năm nay nhưng lần này cũng khá thấm mệt. Ha Duy thì cười: “Em quen rồi, mùa khô này dễ đi chứ ban đêm hay mùa mưa trơn trượt và vắt với muỗi nhiều lắm anh ạ. Có những đêm truy quét, tụi em phải nằm lại trong rừng sâu”. 
 
Một mình với chiếc máy định vị GPS để xác định vị trí. Khi có cây Thông đỏ nào đó bị tác động như cưa hạ, bẻ cành, bóc vỏ… thì Ha Duy gọi điện báo ngay về cho lãnh đạo Hạt để kịp thời ngăn chặn. 
 
Loài cây huyền thoại
 
Tôi lược vài thông tin đã được kiểm chứng về loài cây này. Vâng, cây Thông đỏ, Họ Thanh tùng, tên khoa học là Taxaceae. Phân loại Họ hiện đang gộp cùng các nhóm thực vật hạt trần trong bộ Thông (Pinales). Các nhà khoa học cho rằng, lá và vỏ cây Thông đỏ có hàm lượng hoạt chất 10 - DB III để sản xuất Taxol, nguyên liệu chính điều chế thuốc chữa trị một số bệnh ung thư. Kho tàng tri thức dân gian cũng coi Thông đỏ là dược liệu qúy, trị các bệnh về hen, suyễn, viêm phế quản, nấc, tiêu hóa, thực tích, giun đũa, đau đầu… Theo chuyên gia Nguyễn Đức Tố Lưu và Philip Ian Thomat, ở Việt Nam, Thông đỏ (Taxus Wallichiana) là loài chỉ mới gặp ở Lâm Đồng. 
Ngày 29/12, tôi xác tín thông tin thêm qua ThS Lương Văn Dũng - Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt, anh cũng khẳng định: Trong Sách đỏ Việt Nam 2007, Thông đỏ được xếp vào cấp VU - loài sẽ nguy cấp; còn Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Thông đỏ xếp nhóm IA - nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. “Thần dược” Thông đỏ ước tính có từ hàng trăm đến hàng ngàn năm tuổi, bởi đây là loài phân bố hẹp, rất chậm lớn và tái sinh kém. Vì sự quý hiếm của loài “thảo dược vàng” này, tệ nạn săn lùng Thông đỏ của lâm tặc diễn ra thường xuyên. Ở Lâm Đồng, đã không ít vụ khai thác loài này bị phát hiện trên địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, đối tượng đã phải chịu án phạt tù…    
Tôi thắc mắc với Ha Duy: “Anh không hiểu một mình sao em có thể bảo vệ tốt được rừng Thông đỏ rải rác khắp các triền núi cao và hiểm trở như vậy?!”. Ha Duy trả lời những kinh nghiệm và kỹ năng sống thật quý: “Nói thật với anh là em nhờ vào bà con đồng bào mình nhiều mới giữ được đấy. Hễ rừng có gì hoặc gặp người lạ trong rừng là họ gọi báo cho em ngay. Rất nhiều bữa em nhờ họ mà có nước uống, có cơm ăn, và nghỉ lại trong nhà đó. Bà con dân tộc thiểu số ở đây hiểu được công việc của em và thương em. Họ càng có ý thức bảo vệ rừng cùng em. Tuy nhiên, cũng có một số ít bị tác động nên họ phản ứng lại em”. 
 
Bị lâm tặc đánh phải vào viện 
 
Anh Thùy cũng xác nhận với tôi, gian khó và phức tạp nhất là đối tượng phá rừng rất manh động và liều lĩnh. Phức tạp nhất là địa bàn giáp ranh, thuộc tiểu khu 267c. Với Ha Duy, cũng không ít lần bị kẻ xấu phá xe máy khi anh bỏ lại bìa rừng đi bộ. Hai anh vẫn chưa quên vụ phá rừng và chống người thi hành công vụ nghiêm trọng xảy ra năm 2013. Hồi đó, đoàn truy quét do Hạt Kiểm lâm tổ chức, phát hiện lâm tặc và tổ chức bắt giữ các đối tượng. Trên đường dẫn lâm tặc ra khỏi rừng, hàng chục người dân tấn công giải vây. Họ liều lĩnh lao vào giật súng của anh Hùng kiểm lâm và bóp cò đạn bay loạn xạ. Lúc đó, chính Ha Duy là người đã dũng cảm nhảy vào ôm chặt đối tượng lâm tặc và kịp thời tháo được băng đạn ra khỏi súng. Ha Duy đã bị các đối tượng vi phạm đánh bầm dập với nhiều thương tích trên thân thể phải điều trị. Vụ án sau đó đã được cơ quan chức năng xử lý, 8 đối tượng bị xử lý hình sự. 
 
Thế mà 10 năm nay, quần thể rừng Thông đỏ chưa bị cưa hạ một cây nào, chỉ có 2 cây đổ do mưa bão. Quả là một kỳ tích giữ rừng vô cùng trân quý! Kết quả này là công lao của nhiều người trong Hạt Kiểm lâm và chủ rừng, của cộng đồng đồng bào, trong đó Cill Ha Duy là hạt nhân điển hình và tỏa sáng. Có yêu rừng, có kỹ năng sống thì Cill Ha Duy mới đủ nghị lực bám rừng son sắt đến vậy. Anh không chỉ vượt gian khó trong cuộc chiến giữ vẹn toàn cho rừng Thông đỏ, mà còn vươn lên khỏi hoàn cảnh gia đình khó khăn với 6 miệng ăn, trong đó còn 3 đứa con nhỏ (2 tuổi, học mẫu giáo và học THCS). Tôi nhận ra một điều ở Ha Duy, anh rất kiệm lời khi tôi hỏi đến gia cảnh; nhưng say sưa lắm, khi nói chuyện về rừng và về loài Thông đỏ…    
 
TĨNH XUYÊN