Công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn nhiều khó khăn

08:01, 13/01/2017

Mục tiêu của Việt Nam là giảm số nam giới hút thuốc lá từ 47,4% hiện nay xuống còn 39% và giảm số thanh thiếu niên hút thuốc từ 26% xuống 18% từ nay đến năm 2020. 

Mục tiêu của Việt Nam là giảm số nam giới hút thuốc lá từ 47,4% hiện nay xuống còn 39% và giảm số thanh thiếu niên hút thuốc từ 26% xuống 18% từ nay đến năm 2020. 
 
Lực lượng thanh niên tham gia diễu hành tại Khu Hòa Bình - Đà Lạt với thông điệp kêu gọi cấm hút thuốc lá khu vực trong nhà tại nhà hàng, quán ăn, quán cà phê. Ảnh: BS Ka Sum
Lực lượng thanh niên tham gia diễu hành tại Khu Hòa Bình - Đà Lạt với thông điệp kêu gọi cấm hút thuốc lá khu vực trong nhà tại nhà hàng, quán ăn, quán cà phê. Ảnh: BS Ka Sum
Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh truyền hình, có qui định cấm hút thuốc lá tại các điểm công cộng trong nhà nhưng thực tế chưa thực hiện triệt để. Khi tới nhiều điểm công cộng trong nhà như bến xe, nhà ga, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… thì tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra, dù biết rằng hút thuốc lá có hại cho sức khỏe.
 
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại Khoản 1, Điều 12 quy định “Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa”. Tại Điều 13 của luật này cũng quy định đối với người hút thuốc lá là: “Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi”. 
 
Luật quy định người đứng đầu chính quyền phường, xã; ngành Y tế và ngành Công an chịu trách nhiệm tổ chức giám sát, xử phạt vi phạm hành chính về hút thuốc lá. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra xử phạt và chưa có ai bị phạt vì hút thuốc lá không đúng nơi quy định. Vì thế, khói thuốc lá vẫn bay ở nơi công cộng.
 
Tại Lâm Đồng, để đẩy mạnh công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, từ năm 2015, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, các ngành. Giao cho ngành Y tế làm đầu mối để triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá…  
 
Tại một số cơ quan, ban, ngành đoàn thể đã đưa nội dung thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; treo biển cấm hút thuốc tại 100% trụ sở cơ quan, đơn vị; tổ chức ký cam kết giữa cá nhân, tập thể trong việc thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá; tổ chức tuyên truyền, vận động CBCCVC, nhân dân không sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong cộng đồng dân cư, trong các lễ hội… Nhờ vậy, đã hạn chế được một phần tình trạng hút thuốc trong phòng làm việc tại cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, công tác triển khai phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ý thức của một số CBCCVC và người dân chưa tốt.
 
Theo qui định, với cá nhân hút thuốc lá tại nơi cấm có thể xử phạt tới 300.000 đồng; người đứng đầu cơ quan, tổ chức không triển khai quy định cấm hút thuốc tại địa điểm bị cấm có thể bị phạt tới tiền triệu. Dù quy định rõ ràng như vậy nhưng việc cấm và xử lý hút thuốc tại các địa điểm công cộng vẫn chưa thực hiện nghiêm. 
 
Trong thời gian tới, với sự triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, tổ chức hội thi, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn và điều quan trọng nhất đó là sự nỗ lực vào cuộc của tất cả các cơ quan, ban, ngành, mà trước hết là từ ý thức và quyết tâm “Nói không với thuốc lá” của mỗi người, hy vọng công tác phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Lâm Đồng sẽ có nhiều chuyển biến, mang lại nhiều kết quả hơn và đạt được mục tiêu đã đề ra.
 
THỤY HỢP