Đi cùng với sự phát triển chung của xã hội, song, ở xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) các nông cụ được làm từ nghề rèn truyền thống vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của bà con người Châu Mạ nơi đây.
Đi cùng với sự phát triển chung của xã hội, song, ở xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) các nông cụ được làm từ nghề rèn truyền thống vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của bà con người Châu Mạ nơi đây.
|
Nghề rèn truyền thống đang được đàn ông người Mạ ở Đồng Nai Thượng lưu giữ và phát huy. Ảnh: Khánh Phúc |
Hiện nay, ở xã Đồng Nai Thượng đang có 30 lò rèn thủ công và hơn 50 thợ rèn chuyên nghiệp thường xuyên hành nghề. Theo đó, phần lớn thợ rèn nơi đây là các bậc cao niên và đàn ông trung niên dân tộc Mạ. Theo đồng bào người Châu Mạ ở Đồng Nai Thượng, rèn là nghề thủ công có từ lâu đời được họ lưu giữ và bảo tồn đến ngày nay. Trước đây, với cuộc sống du canh, du cư và phát nương làm rẫy. Cùng với đó, đồng bào người Mạ còn có các hoạt động kinh tế khác như chăn nuôi, trồng trọt và săn bắn, hái lượm cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Để đáp ứng nhu cầu lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày, các nghề thủ công truyền thống đã ra đời, trong đó phải kể đến nghề rèn. Từ thực tế đòi hỏi của cuộc sống, buộc đàn ông, con trai người Mạ phải học nghề rèn để thích ứng với tự nhiên. Vì vậy, nghề rèn của người Mạ ở Đồng Nai Thượng khá phát triển và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của họ, nên trong tất cả các buôn làng và các gia đình người Mạ nơi đây hầu như đều biết thao tác nghề rèn. Do rèn là nghề nặng nhọc nên được đàn ông đảm nhiệm và chủ yếu làm trong lúc nông nhàn hoặc khi vào mùa vụ.
Cũng giống như các nghề thủ công truyền thống khác, nghề rèn của người Mạ nơi đây được tổ chức theo một quy trình khép kín từ khâu chọn và xử lý sản phẩm. Công cụ sử dụng trong nghề rèn cũng khá đơn giản gồm có: bếp lò, ống bễ thụt hơi (làm bằng cây lồ ô), kìm, kẹp, đe, búa và máng nước tôi sản phẩm. Ông Điểu K’Bên (44 tuổi, ngụ thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng) bày tỏ: “Tôi không biết nghề rèn có từ khi nào, nhưng nó được cha tôi truyền lại lúc tôi mới 14 - 15 tuổi. Trước đây, khi thổi bếp rèn phải mất hai người, một người đảm nhận việc thổi lửa và một người rèn. Nhưng giờ hiện đại rồi, có lò thổi nên rèn khỏe, nhanh nên đỡ tốn công hơn. Ngày xưa, các sản phẩm rèn không những phục vụ cho nhu cầu sản xuất, mà còn được sử dụng trong các nghi lễ mang yếu tố tâm linh của đồng bào người Mạ. Sản phẩm dùng trong đời sống hằng ngày bao gồm: xà gạc, lao, xà bách, dao, búa, rìu… Hiện nay, trung bình mỗi tháng tôi rèn được từ 15 - 20 sản phẩm và được bán với giá từ 200 - 500 ngàn đồng/sản phẩm”.
Già làng Điểu K’Tốt (72 tuổi, ngụ thôn Bù Gia Rá) chia sẻ: “Sản phẩm rèn của người Mạ chúng tôi có rất nhiều chủng loại, nhưng đặc trưng và gần gũi với cuộc sống hàng ngày thì phải kể đến xà gạc. Tác dụng chính của xà gạc giống như một con dao phát, dùng để phát nương làm rẫy. Song, người Mạ cũng dùng nó để đào củ măng, củ sắn, hay tự vệ khi gặp thú dữ. Lưỡi xà gạc dài khoảng 20 cm, mũi bằng hoặc nhọn. Cán dài khoảng 40 - 50 cm, đầu cán để tra lưỡi cong như lưỡi liềm. Ngoài xà gạc, cuốc cỏ (gọi là xạc lai) và dao là những hành trang không thể thiếu để lên rẫy, vào rừng của đồng bào người Mạ. Đặc biệt, trong khi lưỡi xà gạc tra ngang thì lưỡi xạc lai lại tra thẳng vào cán theo chiều dọc”.
Nói về các sản phẩm rèn dùng trong đời sống tâm linh, già làng Điểu K’Lộc (80 tuổi, ngụ thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thương) cho biết: “Xà gạc và lao là những sản phẩm thường được người Mạ sử dụng trong các nghi lễ truyền thống như đâm trâu, mừng lúa mới, lễ cồng chiêng… Các sản phẩm này được rèn rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng, có độ bền và độ thẩm mỹ cao. Sau khi sử dụng trong các nghi lễ, người ta đem rửa sạch và cất giữ cẩn thận không dùng vào việc sinh hoạt hàng ngày để thể hiện sự kính trọng đến các đấng thần linh nhằm cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn làng bình yên, dân làng khẻo mạnh, no đủ…”.
Ông Lê Quang Chường, Phó Chủ tịch xã Đồng Nai Thượng cho biết: “Hiện, tất cả 5/5 thôn trong xã đều có thợ rèn. Tuy nhiên, nghề rèn thủ công tập trung chủ yếu ở 2 thôn Bù Sa và Bù Gia Rá. Nhằm bảo tồn, phát huy tính kế thừa để lưu giữ nghề rèn truyền thống của người Mạ thì xã đang có ý tưởng thành lập tổ hợp tác rèn trong thời gian tới. Tới đây, ngoài việc phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thì sản phẩm rèn còn được chúng tôi hướng tới để phát triển du lịch. Đặc biệt, trong tương lai các lò rèn thủ công chính là những nơi tham quan cho du khách”.
KHÁNH PHÚC