Đi về phía mặt trời…

08:01, 29/01/2017

Cảm giác lúc đó thật khó để mô tả, khi cô bé ấy cảm được mùi hoa mà chẳng thể biết màu, cảm được ánh nắng mà chẳng thể thấy ánh dương. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm là niềm vui sướng vô bờ, bởi cô nhận ra rằng, thân thể mình đã dần lấy lại cảm giác. Thể Hạnh bắt đầu cảm nhận được cuộc sống và càng muốn sống, sống hữu ích. Hàng ngày, cô dò dẫm đi về phía mặt trời… 

Cảm giác lúc đó thật khó để mô tả, khi cô bé ấy cảm được mùi hoa mà chẳng thể biết màu, cảm được ánh nắng mà chẳng thể thấy ánh dương. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm là niềm vui sướng vô bờ, bởi cô nhận ra rằng, thân thể mình đã dần lấy lại cảm giác. Thể Hạnh bắt đầu cảm nhận được cuộc sống và càng muốn sống, sống hữu ích. Hàng ngày, cô dò dẫm đi về phía mặt trời… 
 
Thể Hạnh dạy học qua Skype. Ảnh: N.Nghĩa
Thể Hạnh dạy học qua Skype. Ảnh: N.Nghĩa

Chỉ có khát vọng sống mãnh liệt và nghị lực phi thường mới có thể thúc đẩy cô gái khiếm thị Lê Dương Thể Hạnh trở thành tác giả một cuốn sách được phát hành để gây quỹ xây dựng thư viện chữ nổi, và rồi trở thành người tham gia phát triển phần mềm từ điển phát âm dành cho những người cùng cảnh ngộ.
 
Lạc vào bóng đêm
 
Năm 2003, cô gái Đà Lạt 23 tuổi ấy đã khẳng định năng lực của mình bằng vị trí thông dịch viên, kiêm thư ký Tổng Giám đốc một công ty lớn của Nhật tại TP HCM. Cô được tuyển dụng ngay khi vừa tốt nghiệp ngành Nhật Bản học, Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM trong lúc bạn bè đang còn đôn đáo tìm việc khắp nơi. Những tưởng chỉ có niềm vui và hạnh phúc đợi chờ phía trước, bao mơ ước tương lai của Thể Hạnh bỗng chốc tan tành sau một cơn đau đầu dữ dội vào cuối năm 2007. Các bác sỹ thông báo với ba mẹ Hạnh là họ vừa phát hiện một khối u nơi bán cầu não trái của cô.
 
Sẽ chẳng có bút mực nào kể siết những mất mát và đau đớn mà một cô gái nhỏ bé phải chịu đựng sau ba lần phẫu thuật và gần ba mươi lần xạ trị. Cô đã chiến thắng “thần chết” nhưng di chứng để lại là một thân thể tiều tụy, khuyết tật nặng đến cả bạn bè, người thân cũng chẳng còn nhận ra. Toàn bộ hệ thống thần kinh do bán cầu não trái chỉ huy của cô gần như bị tê liệt, chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng, cộng với cơ miệng bị lệch về phía phải khiến ngay việc uống nước, cô cũng không thể uống một cách tự nhiên mà phải nhờ sự trợ giúp của một loại bột kết dính đặc biệt. Một bên tai đã điếc, miệng không nói rõ lời và đôi mắt vĩnh viễn không còn ánh sáng! Cô bắt đầu một cuộc sống mới mò mẫm trong bóng tối bằng một cơ thể tàn tật và một khát vọng sống. “Sau khi rời bàn mổ, ngay cả những lúc đau đớn nhất là biết mình bị mù, em cũng chưa một lần nghĩ sẽ bỏ cuộc, mà luôn khát khao được tiếp tục sống”, Hạnh tâm sự.
 
Điểm tựa yêu thương
 
Thể Hạnh xinh đẹp thời sinh viên. Ảnh N.V cung cấp
Thể Hạnh xinh đẹp thời sinh viên.
Ảnh N.V cung cấp
Đành chấp nhận số phận, Thể Hạnh cùng gia đình đón xe về lại Đà Lạt vào một ngày cuối năm. Đêm đầu tiên trở về quê hương mong được xoa dịu nỗi đau lại là đêm kinh hoàng. Những vết mổ chưa kịp lành gặp thời tiết lạnh đã khiến Hạnh hầu như tê liệt hoàn toàn từ cổ lên đến thái dương bên trái, còn từ cổ xuống phía bên phải lại nóng như lửa đốt, tai lạnh buốt khiến đầu cô đau như búa bổ. Không kiềm nén được, chốc chốc Hạnh lại rú lên giữa đêm khuya.
 
“Một tuần sau em mới quen dần với tiết trời se lạnh của Đà Lạt. Quê hương và ký ức tuổi thơ cuối cùng đã trở thành điểm tựa chữa lành nỗi đau thể xác vẫn ngấm ngầm chống lại em mỗi ngày. Qua lời tả của chị, em như nhìn thấy từng góc phố, sân trường hôm nào đã vui đùa cùng bạn bè, và cả những đổi thay của thành phố quê hương. Và cứ thế, trong sự bao bọc yêu thương của gia đình và quê hương, em bắt đầu đặt quyết tâm tìm lại sự độc lập cho thân thể”. 
 
Những điều đơn giản mà đứa trẻ lên hai cũng làm được lại là một nỗ lực phi thường của Hạnh. Cô tập đi từng bước nhỏ, tập ăn uống, tập đứng... Nhà cửa chật chội, mỗi tối, khi hoàng hôn chùng xuống, chị gái và mẹ lại dìu Hạnh sang sân nhà hàng xóm để tập đi. Lần tập đi thứ hai trong đời quá đỗi khó khăn… Mỗi ngày trôi qua là một chuỗi dài những bài tập phục hồi vận động cơ thể, tìm lại giọng nói và tìm lại cả kỹ năng gõ bàn phím máy tính. Hạnh tập lại khả năng nói bằng cách cố gắng điều khiển môi, răng, lưỡi phát âm theo những lời ca trong băng đĩa nhạc thiếu nhi. Cô gái ấy quyết phải độc lập cả về tinh thần lẫn thể chất. Tiếng nói dần tròn trịa, bước chân cứng cáp hơn, các động tác cơ thể rồi cũng phối hợp đồng bộ. Cô bắt đầu cảm nhận được mùi hương của hoa cỏ và sự ấm áp của ánh nắng mỗi sáng trước hiên nhà…
 
Hạnh bảo: “Sự tự ti theo em chỉ là một cảm giác và cái cảm giác ấy nếu tồn tại trong mình sẽ có nguy cơ làm bé nhỏ số phận mình. Điều đó không phải là rất phi lý sao? Em đã tự động viên tinh thần để xóa bỏ tự ti cho mình rằng, mỗi người, dù lành lặn hay khuyết tật đều có một hoàn cảnh, một số phận. Với hoàn cảnh và số phận riêng, đôi khi lựa chọn để làm điều gì đó, dù rất nhỏ bé trong khả năng vẫn còn có ích hơn là chẳng làm gì cả”.
 
Ngày lại ngày, trong bóng đêm cuộc đời, Thể Hạnh tự đặt ra những câu hỏi rồi tự trả lời và biến những giấc mơ thành sự thật…
 
“Có một mặt trời không bao giờ tắt”
 
Hạnh bắt đầu viết văn. Cô khởi đầu bằng chính câu chuyện về cuộc đời đầy sóng gió ở tuổi đẹp nhất thì con gái của mình. Thật bất ngờ, những mẩu chuyện ra đời trên những ngón tay mò mẫm, chất chứa nghị lực ấy được NXB Phụ nữ quan tâm và ấn hành. Cuốn “Có một mặt trời không bao giờ tắt” ra đời và đến tay bạn đọc, trở thành ngọn lửa thắp sáng tâm hồn để Hạnh nuôi hy vọng xây dựng ứng dụng từ điển song ngữ Nhật-Việt hai chiều cho những người khiếm thị.
 
Chiếc máy tính với những phần mềm hỗ trợ giọng nói trở thành phương tiện đắc lực đầu tiên giúp Hạnh vượt qua thế giới bóng đêm. Cô đã xây dựng một lớp học qua skype để dạy tiếng Anh, tiếng Nhật cho người khiếm thị và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Lớp học của cô nhận được sự đồng cảm của cộng đồng người khiếm thị và cứ thế mở rộng từ Nam ra Bắc, có cả học viên quốc tế tham gia. Không dừng lại ở đó, Hạnh cùng với một số người bạn lập trang web “sắc màu hy vọng”, như một địa chỉ để tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng người khiếm thị.
 
Niềm đam mê với tiếng Nhật chưa bao giờ ngừng chảy trong Hạnh. Cô bắt đầu lên kế hoạch cho dự án từ điển phát âm Nhật-Việt. Được sự giúp đỡ của các nhà tin học phần mềm chuyên nghiệp, Thể Hạnh bắt đầu phối hợp cùng mọi người, thực hiện dự án phần mềm từ điển phát âm song ngữ Nhật-Việt hai chiều.
 
Nhiều người hỏi cô, sao lại tham gia dự án này? Với Thể Hạnh, chỉ đơn giản, bởi đó là ngôn ngữ cô yêu thích và đã được học bài bản suốt bốn năm đại học. Cô lại cực kỳ thích văn hóa và cách sống của người Nhật. Khi rơi vào hoàn cảnh này, cũng nhờ triết lý và tinh thần mạnh mẽ của người Nhật qua những câu danh ngôn ngày xưa được học mà cô chưa một ngày muốn từ bỏ cuộc đời, dù trong những ngày thân xác đau đớn nhất. Và khi sống trong thế giới bóng tối, cô cũng nghiệm ra một điều: Sở dĩ người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng hầu hết đều muốn học ngoại ngữ và âm nhạc, bởi đó là nguồn bổ sung tri thức và cảm xúc cho thế giới vốn nhỏ bé của họ. 
 
Ứng dụng từ điển ra mắt đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Hạnh được mọi người dành cho ưu ái là người bấm nghe thử đầu tiên. “Nước mắt tự nhiên tuôn trào, không kìm được. Niềm tin, hy vọng và tình người quyện hòa trong từng câu chữ phát ra trên phần mềm. Tiếng Nhật đây rồi, tiếng Việt đây rồi! Hôm ấy, có lẽ là ngày rực rỡ nhất trong thế giới bóng tối của em”, Thể Hạnh nói. Và cộng đồng người khiếm thị Việt Nam chính thức có ứng dụng từ điển phát âm Nhật-Việt của riêng mình.
 
***
 
Trong nắng xuân dịu nhẹ bên hiên nhà, có thể Hạnh cảm được, cô lại ấp ủ dự tính mới: Cùng với mái ấm Thiên Ân (thành phố Hồ Chí Minh) - nơi cô đang sinh hoạt, xây dựng một thư viện chữ nổi cho cộng đồng người khiếm thị và viết tiểu thuyết bằng tiếng Nhật. Hạnh thổ lộ: “Sẽ còn vô vàn khó khăn ở phía trước, nhưng với em, hoàn thành được trang viết của mình hôm nay là đã sống trọn vẹn với cuộc đời này... Dù sống trong bóng tối, nhưng chưa bao giờ em nghĩ, phía trước mắt mình không có gì cả. Ở đó, cái gì cũng có. Chỉ là mình có chịu đi tới hay không”.

Lớp học của người mù qua mạng Skype
(Trích chương 18 tiểu thuyết Có một mặt trời không bao giờ tắt của Lê Dương Thể Hạnh)
 
Lúc về đến nhà từ Hội Người mù tới giờ, Lý cứ lục lọi, mò mẫm tìm gì đó, hết mở nhạc tình, rồi lại hòa tấu, vừa nghe máy có dấu hiệu khởi động thì cô tắt ngang. Thấy con cứ bật tắt cả tiếng đồng hồ quên ăn uống, mẹ Lý sốt ruột hỏi:
 
- Chứ con đang làm gì vậy Lý, rửa tay ăn sinh tố bơ kìa, bơ đầu mùa ngon lắm!
 
- Con đang thử lại mấy cái đĩa CD để tìm đĩa giáo trình đàm thoại tiếng Anh hàng ngày - Lý trả lời mẹ nhưng tay vẫn không ngừng lục lục, tìm tìm.
 
- Có cần mẹ tìm phụ không? Hay là nói anh Sáu mua cái mới? - Mẹ cô quan tâm, chẳng vặn vẹo hỏi lý do vì sao gặp như vậy.
 
- Hôm nay, con xuống Hội người mù, tình cờ lúc đó có một bà ngoại kiều Úc vừa làm massage xong, bà muốn thanh toán tiền và nhờ gọi giúp một chiếc xe ôm để về khách sạn, nhưng vì thầy Đại có việc ra ngoài nên các em khiếm thị lúng túng không biết tính sao. Đang xài động từ... “to quơ” thì con xuống dịch giùm. “Chị Dạ Lý xuống đúng lúc quá!”. Mấy em reo lên. Trời ơi! Mừng như bắt được vàng vậy đó mẹ!... Té ra con gái mẹ cũng còn bảnh chán! - Lý cười và lại tiếp tục thử hết cái đĩa này tới cái đĩa khác.
 
- A, đây rồi! Chính nó, giáo trình tiếng Anh của Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai, con sẽ làm cô giáo... lalala.
 
Một lớp học tiếng Anh sơ cấp cây nhà lá vườn được mở ra sau đó, học viên lớn có, nhỏ có, và đặc biệt cả cô, cả trò đều là người khiếm thị.
 
- Thông! Con lấy cái bàn tròn để giữa phòng vi tính, còn bé Yến xếp ghế ra đi này! - Thầy Đại bận rộn bố trí đội hình.
 
- Cô Dạ Lý chỉ nghe được một bên phải. Tai tao cũng không rõ lắm nên nhường cho tao ngồi đây đi! - Thằng Nam đang học lớp 6 giành chỗ bên cạnh Lý.
 
- Mày ngồi đó còn tao ngồi đâu? - Bé Yến hì hục xếp ghế nãy giờ phân bì.
 
- Thôi, thôi, không mày tao gì nữa, chỗ này là của chú Cung.
 
- Thầy Đại ra mặt.
 
Cuối cùng Lý được sắp xếp ngồi một vị trí không gần ai để lập lại hòa bình và buổi học bắt đầu. Tiếng giảng bài ngọng nghịu của cô giáo vừa mù, vừa điếc một bên tai, còn không đi lại được vang lên, học trò lớn nhỏ chăm chú lắng nghe và cong lưỡi uốn theo những câu ngoại ngữ vỡ lòng. Bóng tối lạnh lùng là thế! Nhưng trong cái không gian mù mịt này, phải chăng cô trò họ tìm thấy ở nhau niềm vui, sự chia sẻ không nói lên được bằng lời.
Nhưng rồi chẳng bao lâu, lớp học của cô giáo Dạ Lý tại Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng phải giải tán vì sức khỏe không cho phép cô đi lại mỗi ngày.
 
Mấy hôm nay Dạ Lý cứ buồn buồn, lúc nào cũng có vẻ đăm chiêu, mẹ cô không im lặng được, thắc mắc:
 
- Lại chuyện gì nữa đây cô nương; đóng phim “Người Mĩ trầm lặng” là hơi mệt đó nha!
 
Biết không giấu được mẹ mình, Lý tâm sự:
 
- Con đang suy nghĩ coi có cách nào dạy tiếng Anh cho mấy em khiếm thị mà không phải lê gót hồng ra đường?
- Hỏi thầy Đại đi, một mình con ngồi bó gối làm sao nghĩ ra cái gì hay! - Mẹ Lý gợi ý.
 
***
 
- Thầy ơi! Có cách nào dạy tiếng Anh cho các bạn không thầy, cũng tại mập quá, đi lại khó khăn mà ra hết! - Lý mếu máo gọi điện thoại cho thầy Đại.
 
- Thầy vẫn học Thiền Minh Triết qua mạng Skype, hay là em thử đi! - Thầy Đại tư vấn.
 
- A, đúng rồi! Em sẽ lôi kéo đồng minh ngay lập tức. Cám ơn thầy thật nhiều! - Lý reo lên vui sướng.
 
Mẹ Lý ngồi bên cạnh theo dõi diễn biến cuộc nói chuyện của hai thầy trò, bà mắng yêu con gái:
 
- Nói chuyện với thầy giáo mà không nghiêm túc tí nào!
 
- Thì con mập thiệt mà, mĩ nhân lm6, nặng chưa tới 50 kg, sau khi dậy thì muộn tăng trưởng chiều cao thành lm63, và nặng sơ sơ gần 70 kg à. Hình như hài hước là bản chất của con mà mẹ, con nhớ không lầm thì cái gì thuộc về bản chất rất khó thay đổi, hihihi. - Cô múa võ mồm.
 
Bệnh tật không chỉ mang đi ánh sáng và khiến Lý thành một người khuyết tật nặng, mà ngay cả cảm giác no - đói cũng bị rối loạn, cô có thể ngồi ăn liên tục hàng giờ đồng hồ nhưng vẫn thấy ngon miệng. Và kết quả cuối cùng là xuất hiện một Dạ Lý phì nhiêu, bụ bẫm lạ thường!
 
Sau đó không lâu, một lớp học nữa lại ra đời. Lần này coi bộ hoành tráng hơn, vì học viên ở khắp mọi miền đất nước, có cả cái tên không giống Việt Nam, chị Lisa. Cô trò họ quen nhau qua cầu nối rất đơn giản, bóng tối và trang mạng “nhiều chuyện” - skype. Vào room nhà này biết thêm một vài người bạn đồng tật cao niên, vào nhà khác, nơi tập trung nhiều em tuổi teen... thì trở về thời cắp sách cùng các em. Cuộc sống người mù là vậy, buồn và tẻ nhạt biết bao! Họ không có nhiều cơ hội để gặp gỡ, trao đổi thông tin, niềm vui cũng như việc kết bạn, tiếp xúc chủ yếu là qua cổng quan trọng nhất - mạng skype.
 
- Chú Hồng online chưa nhỉ, sao hôm nay chú trễ vậy ta? - Lý lo lắng hỏi.
 
- Thủy à, Thủy ơi! Có mặt chưa? - Lý điểm danh.
 
Tối nào cũng thế, lớp học vỏn vẹn năm người mà lục đục chuẩn bị để đông đủ cả nhà cũng hơn 15 phút. Suôn sẻ, mạng internet ổn định thì cô trò đi đến cuối bài, bằng không đành hẹn hôm khác vậy. Mỗi ngày mọi người tập trung vào room của Phú, chàng trai quê ở Lầm Đồng nhưng xuống Sài Gòn học tập và làm việc, em chuyên đóng vai chủ nhà, rất giỏi vi tính dành cho người mù, có thể kéo một lần năm, sáu bạn vào nhà mình chơi và xử lý những sự cố tin học bất ngờ. Câu chuyện về Phú cũng là một trong những tấm gương nghị lực mà Lý thu gom được trên con đường kết thân với bóng tối.
 
Hơn hai mươi năm trước, cũng như bao đứa trẻ khác, Phú chào đời trong niềm hạnh phúc với một cơ thể lành lặn, một đôi mắt sáng, và một gia đình đủ cha, đủ mẹ. Nhưng rồi mọi thứ đã đến như ác mộng, một kíp mìn còn sót lại sau chiến tranh đã phát nổ trên sân nhà và cướp đi đôi mắt của Phú, đồng thời đưa đẩy cuộc đời Phú thành trẻ mồ côi mẹ khi ở tuổi lên ba. Ba tuổi, cái tuổi còn chưa nhận ra sự khác nhau giữa xanh, đỏ, tím, vàng, thì nói gì đến chuyện buồn vui, mặc cảm cho số phận. Và rồi năm tháng qua đi, em khôn lớn và đến tuổi đi học, nghe lũ trẻ trong xóm bi bô tập đánh vần mà lòng em cháy bỏng một khao khát được đến trường. Người ta vẫn thường hay nói rằng “trời không lấy đi của ai tất cả” điều may mắn còn ở lại với em chính là người cha, đồng thời cũng là người mẹ, người thầy giáo đầu đời của Phú. Năm lên tám tuổi, cho dù cuộc sống có vất vả đến đâu, cha em vẫn quyết tâm cho con lên trường mù Nguyễn Đình Chiểu tận Sài Gòn để hòa nhập cùng bạn bè. Và rồi chính tại nơi đây, Phú đã bắt đầu những năm phổ thông và bộc lộ những khả năng thiên phú như hát hay, đàn giỏi, và đặc biệt em rất đam mê môn tin học dành cho người khiếm thị. Vượt qua muôn vàn thử thách về tâm lí, sức khỏe lẫn vật chất, Phú nhận tấm bằng cử nhân khoa công nghệ thông tin Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, và hiện Phú đang phụ trách giảng dạy tin học cho các em khiếm thị ở ngôi trường đã nâng bước em vào đời.
 
Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Phú, cô giáo Dạ Lý ngoài thao tác đơn giản là nhấn shilf-space để nhận cuộc gọi đến theo phím tắt đã được cài đặt, thì ưu tiên không làm gì thêm về máy móc do tay yếu. Cứ như vậy, đầu bên này mở giáo trình phát ra tiếng nói, đó là giáo trình tiếng Anh của Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai soạn thảo đặc biệt dành riêng cho người khiếm thị, Lý đã tìm hiểu và tậu được từ thầy Đại khi xuống thăm hội người mù. Đĩa CD phát ra âm thanh cả hai đầu cùng nghe, sau đó máy tạm dừng, cô giáo giảng trò nói theo. Giọng cô không tròn chữ, mắt mũi cô trò họ không nhìn thấy đã đành, có trò còn mất cả một tay do nổ mìn. Nhưng rồi lớp học vẫn cứ đều đặn mỗi đêm, lâu lâu lại nghe cô khúc khích cười vui vẻ.
 
***
 
- 8 giờ 45 rồi, trễ 15 phút mà sao chả thấy ai vậy ta, gọi điện thì không có tín hiệu trả lời là nghĩa gì? - Lý sốt ruột lầm bầm một mình.
 
Giờ này mỗi tối là đến giờ lên lớp, sao hôm nay đã trễ cô vẫn chưa nhận được tín hiệu cuộc gọi, phải chăng đã có chuyện bất ổn xảy ra với những học trò khiếm thị? Nhưng lẽ nào một lúc mà rủi ro xảy ra với toàn bộ học trò sao? Hết đứng lên rồi lại ngồi xuống, đó là cách duy nhất mà cô có thể làm để giải tỏa sự nôn nóng trong lòng. Rồi bỗng nhiên, giữa lúc đang ngổn ngang với hàng trăm suy nghĩ, thì tiếng chuông điện thoại vang lên.
 
- Congratulation on teacher day! - Đầu bên kia vang lên một câu tiếng Anh.
 
- Phú à! Sao lại gọi cho cô qua điện thoại, sao không online gọi cho khỏi tốn tiền? Mọi người trốn đâu hết rồi? - Lý ngạc nhiên hỏi tới tấp.
 
Em thay mặt cả nhà chúc mừng cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11. Và bây giờ câu chuyện sẽ được tiếp tục bằng Skype cho khỏi tốn tiền, hi hi... Hẹn gặp cô hai phút sau nhé! - Không kịp trả lời, Phú đã tắt điện thoại và chuyển qua gọi Skype.
 
Đừng nói đến những món quà giá trị, ngay cả một lần gặp gỡ còn chưa có, thì lời chúc chân thành này quả thật không bạc tiền nào so sánh được. Thâm tâm người cô giáo mù chưa từng suy nghĩ một ngày nào đó trong cuộc đời, cô lại được mọi người trân trọng gọi hai tiếng “cô giáo”, bởi đó không phải chuyên môn của cô khi còn thị giác. Cô đã từng là một thông dịch viên kiêm thư ký tổng giám đốc trong một công ty Nhật Bản. Nhưng giờ đây, khối u đã làm thay đổi cả cuộc đời, cô không còn diễm phúc làm việc trong môi trường năng động, cô chẳng còn cơ hội thể hiện mình qua những cuộc họp hàng giờ đồng hồ. Song, chính nghiệt ngã của số phận đã đưa cô đến với một thế giới lung linh, thế giới ấy không lung linh bởi ánh trăng, ánh sao trên bầu trời, mà lấp lánh bởi tình thương yêu.
 
Hôm nay, khi nhận được lời chúc mừng từ những người học trò nghèo bằng chính thứ ngoại ngữ mà cô đã ra công truyền đạt, giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má cô. Bởi cô nhận ra một điều, sự tồn tại của cô không vô nghĩa, dẫu thính lực không trọn vẹn, mắt không thấy, chân không đi lại được, phát âm không rõ lời, và vô số những di chứng do xạ trị, nhưng người cô giáo mù này vẫn mỉm cười bước tiếp vì cô tin rằng cô không cô đơn, cô không lầm lũi bước trên lối mòn phủ kín bóng đêm.
 
Từ sáng đến giờ Lý cứ lục đục với máy vi tính, tự nhiên hai cái trở chứng một lượt, laptop bị hư gì mà khởi động hoài phần mềm của người mù không được, cái này có trang bị tiếng Nhật, dù chưa sử dụng được, Lý vẫn phải gởi xuống Sài Gòn nhờ bác sĩ Thiệp khám giúp, máy bàn thì lờ quờ mất tiếng nói rồi. Thường thì máy nọ hư còn máy kia, mà không cần gặp trực tiếp, kết nối Skype, khởi động âm thanh, là các bạn khiếm thị giỏi vi tính như Thảo hay Phú có thể chỉnh sửa giúp Lý qua mạng internet. Nhưng chỉ khi nào phát ra tiếng nói thôi, đã không nhìn thấy, lại còn im re, thì đúng là botay.com thôi!
 
- Thầy ơi! Giúp em với! Tình hình hơi căng thẳng vì hai người bạn thân của em bị bệnh một lượt. - Lý gọi điện thoại cho thầy Đại.
 
- Thầy có thể giúp gì cho em, bạn em đang ở đâu, là người khiếm thị hả? - Thầy Đại tỏ ra quan tâm.
 
- Trời! Em xin lỗi thầy, cũng cái tật hay đùa. Em muốn nói là hai cái máy tính của em có vấn đề cùng lúc. Em đã gởi anh xách tay đi Sài Gòn sáng nay. Còn anh để bàn thì em phải nhờ thầy xem giùm, chiều nay thầy rảnh không thầy, ghé qua nhà em cho biết luôn! - Lý nhờ thầy Đại.
 
- Cuối ngày thầy đến, khoảng 6 giờ chiều nhé! - Thầy Đại nhận lời.
 
- Dạ em cám ơn thầy! - Lý cúp điện thoại.
 
Trời vừa sụp tối, thầy Đại cùng anh Cường, bác xe ôm tốt bụng chuyên chở anh chị em khiếm thị với mức giá chỉ đủ tiền xăng, đến nhà Lý.
 
Nhìn tác phong tự tin, đĩnh đạc, đeo mắt kính trắng tay thoăn thoắt chỉnh máy tính của thầy Đại, ba cô buột miệng nói:
 
- Nếu cái loa kia không phát ra tiếng động, mọi người không thể biết thầy là người khiếm thị.
 
- Nhưng sự thật là nó đang phát ra tiếng động, bác nhỉ! Không sao cả bác ạ, mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu vẫn có cách giải quyết. Dạ Lý rất thông minh và tràn đầy nhiệt huyết. Tôi rất vui vì nhận thêm được một học trò như em ấy. - Thầy cười lạc quan.
 
- Mời thầy uống trà atisô ạ! - Mẹ Lý mang vào một ly nước trà túi lọc nóng hổi.
 
- Cháu ở nhà vui vẻ và lạc quan hơn hẳn từ khi tham gia sinh hoạt tại hội người mù. Vợ chồng tôi biết ơn thầy nhiều lắm. - Mẹ Lý tiếp.
 
- Hai bác không cần bận tâm bất cứ điều gì. Bản thân tôi đã từng trải qua cú sốc như Dạ Lý hiện tại, nên tôi rất thông cảm và sẽ hỗ trợ em ấy hết khả năng có thể. - Thầy Đại trấn an ba mẹ Lý.
 
- Thầy hay thiệt nha! Ra tay là được liền. - Lý mừng rỡ reo lên khi máy tính đã được chỉnh sửa đúng ý.
 
- Thầy về cẩn thận. Chúng tôi chỉ biết cám ơn thầy. - Ba Lý tiễn thầy ra xe và nói.
 
- Đây là cháu lớn của tôi, cháu đang là sinh viên năm ba khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Đà Lạt. Còn cháu nhỏ đang học năm thứ nhất Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại ở thành phố Hồ Chí Minh. - Thầy giới thiệu ba Lý với cậu thanh niên khôi ngô, cao ráo vừa trờ xe tới đón thầy.
 
- Cháu chào ông ạ! - Cậu thanh niên khoanh tay lễ phép thưa.
 
- Con trai thầy lớn quá! Chở bố về cẩn thận nhé cháu! - Ba Lý nói với hai bố con thầy Đại.
 
- Dạ, thưa ông cháu về! - Tiếng chào vang lên và ba Lý vô nhà.
 
***
 
Âm thanh mọi ngày lại phát ra từ người bạn thân của Lý, “Còn thời sự 19 giờ trên VTV3 là hơn nửa tiếng nữa mới đến giờ học, kịp chán! lalala...”, Lý vừa nghe ti vi vừa lẩm bẩm.
 
Trời đã tối hẳn, nhưng không lạnh buốt như hôm nào vì Lý được lên lớp qua mạng Skype, được chia sẻ yêu thương trong bóng tối.
 
NGUYỄN NGHĨA