Những ngày cuối năm 2016, chúng tôi theo đoàn công tác của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về thăm Đơn Dương, huyện Nông thôn mới đầu tiên của Lâm Đồng được công nhận cuối năm 2015.
Những ngày cuối năm 2016, chúng tôi theo đoàn công tác của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về thăm Đơn Dương, huyện Nông thôn mới đầu tiên của Lâm Đồng được công nhận cuối năm 2015. Mục đích chuyến đi theo Bí thư Tỉnh ủy là khảo sát các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc mà điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp khó khăn để cùng các ban, ngành của tỉnh và huyện tìm cách tháo gỡ, đề ra giải pháp phát triển trong thời gian tới.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến thăm mô hình sản xuất rau, quả theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường liên kết với nông dân ở doanh nghiệp Cao Nguyên, huyện Đơn Dương. Ảnh: Đ.Thanh |
Góc nhìn toàn cục
Trên đường xuống xã, tôi rất tâm đắc với tâm sự của Bí thư Huyện ủy Lưu Tấn Huệ: Nếu tính 10 tháng đầu năm 2016, phần lớn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội huyện đều đạt khá và ước cả năm sẽ hoàn thành, vượt kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp ước 4.777,9 tỷ đồng, đạt 73,5% KH, tăng 6,5% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách 93,845 tỷ, đạt 80,3% dự toán, bằng 113,3% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 1.272,3 tỷ đồng, đạt 74,8% KH, tăng 12,9% so với cùng kỳ… Trả lời nguyên nhân nào để có được kết quả đó, nụ cười sáng gương mặt hồn hậu Bí thư Huyện ủy phấn khởi: Ngay từ đầu năm, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo phát huy lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng; ban hành 2 kết luận nhằm tập trung lãnh đạo về tái cơ cấu nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; về phát triển đàn bò sữa; đây là 2 trong 5 chương trình kinh tế trọng tâm của huyện cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020. Do vậy, thời gian qua, diện tích gieo trồng rau thương phẩm toàn huyện đạt 20.895 ha, trong đó diện tích sản xuất rau hoa CNC 8.900 ha. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 170 triệu đồng, những mô hình rau hoa ứng dụng CNC cho giá trị sản xuất từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Đàn bò sữa tăng lên trên 11.000 con (nhân dân nuôi gần 8.100 con), tiếp tục phát triển theo hướng quy mô tăng đàn… Đề cập chuyện xây dựng nông thôn mới, chúng tôi được biết: năm nay, Đơn Dương ban hành Kết luận tiếp tục thực hiện Đề án giữ vững và nâng cao chất lượng giai đoạn 2016-2020. Huyện tăng cường cho xã Pró để đạt chuẩn xã nông thôn mới vào giữa năm 2017. Quá trình thực hiện chú trọng các tiêu chí về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho dân, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; huy động sức dân phù hợp với thu nhập thực tế trên tinh thần tự nguyện, không để xảy ra nợ đọng trong quá trình thực hiện các công trình…
Kinh tế phát triển rồi… thế còn lĩnh vực văn hóa thì sao? Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hữu Túc cởi mở giải đáp: Năm 2016, Đơn Dương có 21.411/21.420 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH), đạt 99,96%; ước tính qua công tác bình xét sẽ có 19.200 hộ đạt GĐVH vào cuối năm. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở nơi nào phong trào xây dựng GĐVH biết khai thác và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống sẽ có sức lôi cuốn mạnh mẽ nhân dân tham gia. Về xây dựng thôn và tổ dân phố văn hóa, toàn huyện có 105/105 thôn, tổ đăng ký và dự tính cuối năm có 92 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Thực hiện phong trào, các xã, thị trấn luôn củng cố hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế, nhất là trong xây dựng NTM. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường cảnh quan: sáng, xanh, sạch đẹp; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Các quy định và chuẩn mực văn hóa dần thấm sâu vào từng người dân, hộ gia đình và cộng đồng, góp phần phòng chống TNXH…
Sinh động bức tranh kinh tế phát triển, sức dân đang lên
Tuy là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng qua quan sát, cảm nhận của chúng tôi cho thấy một sự thật đáng mừng là: Kinh tế các địa phương phát triển thuận lợi, sức dân đang lên, nông thôn mới khởi sắc. Về thăm và làm việc với các xã Tu Tra, ấn tượng với chúng tôi là nông dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiếp cận nhanh nhạy với nền kinh tế hàng hóa. Trong năm, xã trồng trên 2.084 ha rau thương phẩm, đạt 189,5% KH năm, năng suất đạt 3,1 tấn/ha. Vốn quen canh tác cây lúa, cây bắp nay việc ứng dụng KHKT vào sản xuất NNCNC được nhân dân, nhất là đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng. Hiện toàn xã có 2.394,5 ha trồng rau hoa theo mô hình NNCNC; trong đó, diện tích nhà kính, nhà lưới 44,47 ha, diện tích phủ bạt 1.060, diện tích tưới tự động 1.290 ha và đã có trên 100 ha trồng hoa thương phẩm. Cùng với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng phát triển. Xã có tổng đàn gia súc, gia cầm gần 34.400 con với trên 3.540 con bò sữa có giá trị kinh tế cao. Hiện xã đang tiến hành xây dựng Đề án duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020. Trong năm, huy động nhân dân đóng góp 1,8 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng. Kinh tế phát triển, Tu Tra thu hút 15 công ty trong và ngoài nước hoạt động, hơn 300 hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ góp phần tạo việc làm, thu nhập cho xấp xỉ 600 lao động địa phương… Do vậy thật dễ hiểu khi xã vùng sâu này đã ước đạt thu nhập bình quân đầu người 49,5 triệu đồng/năm, một con số mơ ước đối với vài năm về trước. Điều ngoạn mục nữa là chuyện xóa đói giảm nghèo. Nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,24% (giảm 1,95%), trong đó hộ nghèo DTTS 7,18% (giảm 2%); tỷ lệ hộ cận nghèo 9,71% (giảm 2,11%), trong đó hộ cận nghèo là đồng bào DTTS 12,63% (giảm 2,26%)…
|
Mỗi ngày, Cao Nguyên xuất 8 tấn rau, củ, quả chất lượng về các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ.Thanh |
Ở xã đông đồng bào DTTS Pró, Đảng bộ nơi đây có 117 đảng viên với 46% là đảng viên đồng bào DTTS. Nhìn chung trong năm kinh tế địa phương tiếp tục đột phá đi lên. Cùng với gieo trồng 434 ha lúa, cho sản lượng trên 2.343 tấn, xã trồng 1.681 ha rau thương phẩm các loại, cho sản lượng trên 48.830 tấn. Trong năm, xã tập trung lãnh, chỉ đạo chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC nên nay có 8 ha rau ứng dụng kỹ thuật CNC. Chú trọng giảm nghèo nhanh và bền vững, tuy nhiên do điều kiện kinh tế - xã hội còn thấp nên thu nhập bình quân đầu người mới đạt 33 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn chiếm tới 19,62%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS tới 24,65%; hộ cận nghèo 315 hộ, chiếm 22,89% (hộ DTTS chiếm 26,89%)… Dịp cuối năm, Pró đang đánh giá 17/19 tiêu chí NTM đã đạt và tiếp tục hoàn thiện tiếp 2 tiêu chí giao thông và nhà ở dân cư. Vừa qua, xã đầu tư gần 1,537 tỷ đồng để làm đường giao thông và đèn đường thắp sáng (nhân dân đối ứng 242,1 triệu đồng), chi 417 triệu đồng xóa 32 căn nhà tạm… Đối với xã Anh hùng Quảng Lập, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp phát triển. Quảng Lập có diện tích rau thương phẩm xoay vòng 2.656 ha/759 ha, năng suất bình quân 26 tấn/ ha, tổng sản lượng 42.146 tấn. Trong năm, toàn xã phát triển diện tích NNCN cao lên 110 ha nhà lưới, 17 ha nhà kính; phủ bạt nông nghiệp chiếm hơn 95% diện tích đất nông nghiệp; tưới tự động, nhỏ giọt 720 ha. Với truyền thống cần cù lao động, có kinh nghiệm thâm canh, ở xã nông thôn mới này thu nhập bình quân đầu người đã đạt tới 56 triệu đồng. Xã tiếp tục củng cố, duy trì và giữ vững 19/19 tiêu chí NTM đạt từ năm 2013. Để giữ vững tiêu chí 17 về môi trường, Quảng Lập triển khai kế hoạch thu gom rác thải tập trung. UBMTTQ, các đoàn thể của xã và ban thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng mô hình thu gom rác thải được 100% hộ đăng ký hợp đồng. Vừa qua bình xét, xã có 1.037/1.146 hộ đạt gia đình văn hóa (90,5%). Quảng Lập đã bình xét thôn văn hóa, lập hồ sơ đề nghị huyện kiểm tra công nhận lại xã đạt chuẩn văn hóa NTM năm 2016.
Bí thư Tỉnh ủy trăn trở với vấn đề liên kết
Vòng qua các xã và quay lại làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đơn Dương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến trước hết chia sẻ với cán bộ, nhân dân trong huyện về thiệt hại tài sản do Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận Đa Mi xả lũ gây cục bộ và ngập úng một số vùng sản xuất, một số tuyến đường giao thông nông thôn; đồng thời biểu dương huyện kịp thời có phương án, biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất. Về tình hình kinh tế - xã hội, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực, bứt phá trong hơn 10 năm qua của một huyện thuần nông với những cây trồng hiệu quả kinh tế thấp như lúa, bắp, lang… sang nền kinh tế hàng hóa, ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Từ một huyện nghèo, Đơn Dương đang tích lũy nội lực vươn lên thành một trong những địa phương trù phú. Riêng năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đơn Dương đạt nhiều thành tích khả quan và tiếp tục là “điểm sáng” cho Lâm Đồng, đất nước về phát triển nền nông nghiệp CNC, xây dựng NTM. Đồng chí cũng lưu ý Đơn Dương cần tổng kết phạm vi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để nhân rộng bởi hiện quy mô liên kết hạn chế, chưa nhiều mô hình, dân vẫn còn lo “đầu ra” cho rau, hoa, quả. Ở Đơn Dương có mô hình rất cần nhân rộng là Doanh nghiệp Cao Nguyên (Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương). Trong chuyến đi này, đoàn có tới thăm và được biết doanh nghiệp có 20 ha đất canh tác theo hướng CNC, liên kết trồng rau, quả và bao tiêu sản phẩm cho 15 hộ; thu hút 20 lao động. Mỗi ngày Cao Nguyên xuất về các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh 8 tấn rau, củ, quả đảm bảo chất lượng. Bí thư nhấn mạnh: Đơn Dương có 11 HTX (7 HTX nông nghiệp, 4 HTX chăn nuôi bò sữa), 14 THT và 65 trang trại cơ bản hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở này, huyện phải tập trung duy trì và nâng cao tiêu chí hình thức sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình THT, HTX hoạt động cơ bản đáp ứng các nhu cầu cung ứng sản phẩm đầu vào và thu mua nông sản cho xã viên. Hiện mới có 25% tổng sản lượng cây trồng được liên kết hợp đồng tiêu thụ là quá khiêm tốn. Phát triển nông nghiệp CNC và chăn nuôi bò sữa, gia súc, gia cầm là cần thiết song phải bảo vệ môi trường đang là vấn đề thách thức mà riêng mình người dân không giải quyết được. Về phương hướng thời gian tới cũng như nhiệm vụ trong năm 2017, Đảng bộ Đơn Dương tập trung hoàn thành toàn diện, vượt mức các kế hoạch, chỉ tiêu KT-XH đã đặt ra, phấn đấu xây dựng NTM bền vững. Sắp tới, huyện tiếp tục lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; khắc phục yếu kém, khó khăn trong sản xuất. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ - thương mại, du lịch nông nghiệp; chỉ đạo quyết liệt để tạo diện mạo sinh động cho địa phương nông thôn mới tiêu biểu. Với vị thế vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh, Đơn Dương chú trọng mở rộng liên kết phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là nòng cốt. Một vấn đề quan trọng nữa là quan tâm xây dựng “thế hệ nông dân mới” là lớp trẻ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thanh niên trong nông thôn, nông dân làm nòng cốt phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế - xã hội để đưa Đơn Dương không những là huyện nông thôn mới kiểu mẫu mà còn là địa phương kiểu mẫu của tỉnh về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Tạm biệt Đơn Dương, mùa Cúc quỳ vàng thắm đang rộ ấm áp, khơi gợi niềm tin về một vùng quê trù phú, hạnh phúc!
ÐAN THANH