Với mong muốn lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; những năm qua, một số thôn, buôn vùng đồng bào DTTS ở các huyện phía nam của tỉnh, như: Buôn Go (Cát Tiên), xã Lộc Tân (Bảo Lâm), thôn Đạ Nghịt (Lộc Châu, TP Bảo Lộc)… vẫn duy trì nghề dệt truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó, Buôn Go là một ví dụ điển hình.
Với mong muốn lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; những năm qua, một số thôn, buôn vùng đồng bào DTTS ở các huyện phía nam của tỉnh, như: Buôn Go (Cát Tiên), xã Lộc Tân (Bảo Lâm), thôn Đạ Nghịt (Lộc Châu, TP Bảo Lộc)… vẫn duy trì nghề dệt truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó, Buôn Go là một ví dụ điển hình.
|
Phụ nữ Buôn Go dệt thổ cẩm những lúc rảnh rỗi |
Buôn Go nằm ngay trung tâm huyện Cát Tiên, với 100% là đồng bào DTTS sinh sống. Người Mạ nơi đây sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy nhưng họ luôn duy trì các ngành nghề truyền thống, như ủ rượu cần, rèn và dệt thổ cẩm. Hầu hết người phụ nữ ở Buôn Go ai ai đều biết đan, dệt thổ cẩm vừa phục vụ sinh hoạt cho gia đình và cung cấp cho thị trường.
Ý thức được tầm quan trọng nghề dệt truyền thống của ông bà xưa, nên các phụ nữ Buôn Go luôn bảo ban, truyền dạy cho các thế hệ trẻ giữ được cái nghề của ông bà tổ tiên. Ban đầu truyền dạy cho vài người, sau đó dần dà truyền lại cho nhiều chị em cùng nhau học nghề. Đến nay, đa số các chị em trong buôn ai cũng biết dệt các sản phẩm thổ cẩm từ đơn giản cho đến phức tạp. Người mới học nghề thì chỉ dệt những tấm thổ cẩm trơn, còn những ai có tay nghề cao thì dệt những tấm có hoa văn sặc sỡ, đòi hỏi phải dày công cùng với đôi tay khéo léo, sự tỉ mỉ và có độ chuẩn xác cao trong từng sợi chỉ.
Nghệ nhân Điểu Thị Móc cho biết: “Tôi gắn bó với nghề dệt thổ cẩm cũng đã hơn 15 năm nay rồi. Công việc này chủ yếu làm vào thời gian rảnh rỗi hoặc vào buổi chiều đi làm về. Tùy theo từng sản phẩm và thời gian dệt khác nhau nhưng thấp nhất tôi cũng kiếm được 90 ngàn đồng/sản phẩm. Nghề dệt thổ cẩm vừa tạo thêm công ăn, việc làm, giúp tăng thu nhập cho gia đình, nhưng cái chính là mình duy trì và lưu giữ được nghề truyền thống”.
Thời gian qua, chị em Buôn Go vui mừng vì được HTX dệt thổ cẩm Cát Tiên đặt hàng các sản phẩm thổ cẩm. Tùy theo từng sản phẩm (được chia làm 3 loại) và kỹ thuật dệt mà giá cả khác nhau. Dệt trơn 60 ngàn đồng/tấm, dệt xen kẽ 90 ngàn đồng/tấm, dệt có trang trí hoa văn 130 ngàn đồng/tấm và thường những sản phẩm này được chị em dệt (vào thời gian rảnh rỗi) từ 1 - 3 ngày là hoàn thành.
Nghề dệt thổ cẩm ở Buôn Go đã có sức lan tỏa và thu hút nhiều thế hệ trẻ, nhất là các cháu học sinh tham gia học nghề. Sau các buổi học, ngày nghỉ, đặc biệt là kỳ nghỉ hè, các cháu lại có dịp ngồi bên khung cửi để được các bà, các mẹ, các chị… hướng dẫn những đường nét cơ bản từ việc xâu chỉ, kéo sợi đến dệt ra những tấm thổ cẩm đơn giản nhất.
Em Điểu Thị Xôn (17 tuổi) do đang đi học xa và không thường xuyên ở nhà, nên vào kỳ nghỉ hè là thời gian tốt nhất để em dệt nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, từng bước nâng cao tay nghề và dệt nên những sản phẩm có độ phức tạp hơn, như từ cách phối màu, bày trí hình học và trang trí các loại hoa văn… “Em học dệt thổ cẩm là từ mẹ, từ các chị, các bà trong buôn. Vì em đang đi học, nên em thường dệt thổ cẩm những lúc em được nghỉ hè. Chỉ cần có thời gian rảnh là em sẽ dệt để vừa học dệt, nâng cao tay nghề vừa kiếm được ít tiền phụ bố mẹ” - em Điểu Thị Xôn nói.
Với tâm huyết lưu giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những năm qua, phụ nữ Buôn Go không chỉ chú trọng tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, bền, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của du khách mà luôn thôi thúc họ truyền lại cái nghề cho con cháu mình. Hiện nay, điều đáng mừng là những thiếu nữ ở trong buôn rất nhiệt tình học nghề, được truyền dạy và biết dệt thổ cẩm với hy vọng họ là những người sẽ tiếp bước trong việc duy trì, lưu giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân Điểu Thị Giêng, người đã có thâm niên ở làng nghề dệt thổ cẩm Buôn Go cho biết: “Chúng tôi giờ tuổi cũng đã cao và mắt không còn tinh nữa, nhưng thấy con cháu có tâm huyết học nghề truyền thống, chúng tôi mừng lắm. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chúng tôi sẽ cố truyền thụ cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn và bảo tồn nghề dệt mang bản sắc văn hóa truyền thống”.
LAM PHƯƠNG - THỊ MON