Tự tay làm ra các sản phẩm từ những kiến thức đã được học là điều mà sinh viên Khoa Sinh học - Trường Đại học Đà Lạt được trải nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó cũng là hướng đào tạo của Khoa Sinh học nói riêng và ĐHĐL nói chung giúp sinh viên ra trường tiếp cận với thực tiễn, từ đó nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay.
Tự tay làm ra các sản phẩm từ những kiến thức đã được học là điều mà sinh viên Khoa Sinh học - Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) được trải nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó cũng là hướng đào tạo của Khoa Sinh học nói riêng và ĐHĐL nói chung giúp sinh viên ra trường tiếp cận với thực tiễn, từ đó nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay.
|
Tuấn và Trâm khoe những sản phẩm do chính tay sinh viên Khoa Sinh học làm ra. Ảnh: T. Hương |
Ðào tạo gắn với thực tiễn
Cầm trên tay những chai dầu dừa nguyên chất, chai tinh dầu thơm mùi sả chanh cùng gói bột trà xanh với nhãn hiệu “TNTV essential cils”, Anh Tuấn - sinh viên năm 4 Khoa Sinh học - ĐHĐL hào hứng: “Được tự tay làm ra những sản phẩm mà trước giờ chỉ thấy trên các kệ hàng em rất vui. Những gì được học từ lý thuyết tưởng chừng xa vời nhưng khi bắt tay vào làm em thấy cũng không có gì phức tạp lắm. Qua từng công đoạn làm ra sản phẩm giúp em hiểu rõ hơn những “công thức”, “định nghĩa”… mình đang học gần với thực tế như thế nào”. Còn Bích Trâm - cô sinh viên năm 3 khoe những lọ mỹ phẩm như kem dưỡng da, son dưỡng môi hoàn toàn từ tự nhiên đang được bạn bè đón nhận nhiệt tình. “Những sản phẩm này chúng em tự chưng cất từ nguyên liệu sẵn có ngoài thiên nhiên theo các quy trình được học. Tuy chưa bán rộng rãi ngoài thị trường nhưng cũng được bạn bè ủng hộ”, Trâm cười chia sẻ.
Tiến sĩ (TS) Trần Văn Tiến - Trưởng Khoa Sinh học cho biết, Khoa vừa mới khai trương Trung tâm đào tạo thực hành và sản xuất thử nghiệm với diện tích khoảng 1.000 m
2. Ngoài phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học là những khu nhà kính được trang bị theo hướng công nghệ cao để sinh viên tự tay làm vườn như những nông dân thực thụ. Những luống cà chua, dưa leo không cần đến bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào vẫn xanh tốt và đang cho trái bói. Đó là kết quả của việc tận dụng bã nấm làm giá thể hữu cơ để trồng các loại rau sạch mà Khoa triển khai hơn một năm qua. “Điều quan trọng là khi sinh viên làm ra sản phẩm, các em sẽ hiểu được từ lý thuyết đến thực tế. Đây cũng là hướng đào tạo của Khoa và của trường trong việc gắn lý thuyết với kỹ năng thực hành để sinh viên ra trường có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”, TS Trần Văn Tiến khẳng định.
Ðào tạo gắn với doanh nghiệp
“Trọng tâm đổi mới và sáng tạo trong công tác đào tạo của Khoa Sinh học hiện nay chính là mối quan hệ giữa khoa với các doanh nghiệp. Chiếc cầu nối vững chắc giữa khoa và doanh nghiệp được xây dựng dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từ chất liệu tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ”, TS. Trần Văn Tiến nhấn mạnh. Thời gian qua, Khoa Sinh học đã liên kết với một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt để gửi sinh viên thực tập hay thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Cũng từ đó, nhiều sinh viên ra trường được doanh nghiệp nhận vào làm ngay.
Một trong những doanh nghiệp có mối liên kết khá chặt chẽ với Khoa Sinh học là Công ty Agrivina. Khoa đào tạo thực hành gắn với doanh nghiệp - doanh nghiệp đồng hành tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên là “con đường chung” của hai đơn vị trong nhiều năm liền. Mới đây nhất, Agrivina đã trao tặng Trường ĐHĐL khu nhà kính hiện đại và hàng chục triệu đồng cho 6 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Sinh học. Bên cạnh đó, Agrivina cũng hỗ trợ cán bộ kỹ thuật cũng như tạo điều kiện để sinh viên đến thực tế tại công ty thực hiện đề tài.
Mới đây nhất là sự liên kết giữa Khoa Sinh học với Công ty Nấm Phương Đông tại Bình Dương. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất nấm sạch với quy trình khép kín từ việc tạo ra phôi nấm đến nuôi trồng và đóng gói thành phẩm, sau đó phân phối ra thị trường. Sản phẩm mà khoa hợp tác với Nấm Phương Đông chủ yếu là hồng chi đỏ - một loại nấm thích hợp với khí hậu Đà Lạt, nhộng trùng thảo và một số loại nấm ăn khác… “Công ty đồng hành với khoa để tạo môi trường học tập và nghiên cứu cho sinh viên. Đồng thời, cùng với khoa sản xuất tạo ra một số sản phẩm tiếp cận thương mại hóa”, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Giám đốc Công ty Nấm Phương Đông chia sẻ.
Còn PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho rằng, công tác đào tạo gắn với thực hành của Khoa Sinh học là sự khởi đầu để giúp sinh viên nhà trường bước ra khỏi lý thuyết đến gần hơn với thực tế. Đây cũng là mục tiêu đào tạo của trường nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giúp sinh viên ra trường dễ tiếp cận với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thị trường việc làm hiện nay.
TUẤN HƯƠNG