Giữ hồn quê trên đất mới

09:01, 26/01/2017

Những tên đất, tên làng được đặt theo tên của làng xã nơi quê nhà. Những nét văn hóa truyền thống trong từng món ăn, từng trò chơi dân gian và từng vật dụng sinh hoạt hàng ngày đều được họ lưu giữ rất trân quý. Những thứ ấy như một sợi dây kết nối thiêng liêng giữa vùng đất cũ và mới, giữa thế hệ trước đây và mai sau.

Những tên đất, tên làng được đặt theo tên của làng xã nơi quê nhà. Những nét văn hóa truyền thống trong từng món ăn, từng trò chơi dân gian và từng vật dụng sinh hoạt hàng ngày đều được họ lưu giữ rất trân quý. Những thứ ấy như một sợi dây kết nối thiêng liêng giữa vùng đất cũ và mới, giữa thế hệ trước đây và mai sau.
 
Hàng rào trúc xanh mướt dẫn lối vào căn nhà Rường hiếm hoi của ông Khuyến ở Đạ Lây. Ảnh: H.Sang
Hàng rào trúc xanh mướt dẫn lối vào căn nhà Rường hiếm hoi của ông Khuyến ở Đạ Lây. Ảnh: H.Sang

Giữ chút gì rất Huế
 
Qua khỏi con dốc Mạ Ơi là ta đã có thể cảm nhận được hồn quê của xứ Huế. Ngay cái tên Mạ Ơi của con dốc này cũng đã mang đậm chất Huế. Trải qua bao thăng trầm, biến chuyển, dù con dốc đã nhiều lần được cải tạo, tu sửa nhưng cái tên Mạ Ơi rặc ri xứ Huế vẫn không thay đổi. Cái tên ấy gắn với giai thoại của những thanh niên xung phong gốc Huế đi mở đường, khai hoang cho vùng đất này. Khi đó, xe vận chuyển không thể chinh phục được độ cao của con dốc mà chỉ còn cách phụ thuộc vào sức người. Để vượt dốc với tư trang nặng oằn vai, nhiều o thanh niên xung phong đã phải thốt lên rằng: “Mạ ơi, răng dốc cao rứa!”. Thế là, cái tên Mạ Ơi được gắn với con dốc này từ đó cho đến nay. 
 
Qua gần tròn 40 năm, sự trắc trở khi vượt con dốc Mạ Ơi ngày nào đã lùi dần trong trí nhớ nhưng với cựu thanh niên xung phong Đỗ Viết Đủ, đó là những ngày bi tráng của những con người góp phần hình thành vùng đất này. Đạ Lây bây giờ đã đổi khác nhiều, nhưng “chất” Huế của những người con nơi đây thì vẫn vậy. Cứ mỗi cuối tháng 12 hàng năm, những cựu thanh niên xung phong Huế trên mọi miền đất nước lại tề tựu về đây để cùng nhau ôn lại truyền thống đi mở đường, khai hoang cho vùng đất Hương Lâm, Đạ Lây ngày nay. Những câu chuyện xưa cứ được truyền tai nhau và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 
 
Dòng chảy truyền thống, văn hóa Huế cứ thế mà được truyền qua bao đời trên vùng đất mới. Có 35 cựu thanh niên xung phong Huế hiện đang sinh sống và làm ăn tại Đạ Tẻh. Họ là những con người tiên phong đi mở đường và nay họ lại trở thành những người con xứ Huế đang ngày ngày vun đắp cho sự phát triển chung của quê hương thứ hai.
 
Đạ Lây, có lẽ là vùng đất hiếm hoi của huyện Đạ Tẻh không lấy tên theo vùng quê của những người đi kinh tế mới vào đây. Trong câu chuyện của mình, vị Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Quang giải thích: Cùng với Đạ Lây thì thị trấn Đạ Tẻh và xã Đạ Kho là những địa phương được thành lập sớm nhất và được đặt tên theo cách của người bản địa nơi đây. Thế nhưng, khi hình thành các thôn thì những cái tên của xứ Huế như Thuận Lộc, Lộc Hòa, Phước Lợi, Vĩnh Thủy, Thuận Hà, Liêm Phú, Hương Bình vẫn được người dân sử dụng. Lấy tên quê cũ, làng cũ đặt cho nơi chốn mới dường như để làm giảm đi cái lạ lẫm của những ngày đầu nơi đất khách quê người. Những năm mới vào đây, đời sống còn khó khăn nên những tập tục cũng phải “gói ghém lại”. Giờ đây, với cư dân chiếm hơn 70% là người gốc Huế, thì những giá trị truyền thống của người Huế lại được “mở ra” trên vùng đất Đạ Lây này. Mấy chục năm trôi qua, “chất” Huế ở Đạ Lây ngày càng đậm nét. 
 
“Ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên của người Huế không bao giờ thiếu nhánh chuối, mâm ngũ quả và những cái bánh in được gói trong những tờ giấy bóng kính đủ màu sắc. Con cháu dù làm ăn xa cách mấy cũng tề tựu về đông đủ để chúc phúc cho ông bà, cha mẹ. Đó là cái tình của người Huế. Đối với những người Huế ở Đạ Lây thì cái tình này cũng không thay đổi, nhất là tình làng nghĩa xóm nơi quê xa ngày càng được thắt chặt. Đây mới là điều đáng quý trọng nhất” - Chủ tịch UBND xã Đạ Lây chia sẻ.
 
Ông Trương Thái Anh Quốc khoe những vật dụng làm nông của người dân Quảng Trị tại “bảo tàng” ngay nhà ông. Ảnh: H.Sang
Ông Trương Thái Anh Quốc khoe những vật dụng làm nông của người dân Quảng Trị tại “bảo tàng”
ngay nhà ông. Ảnh: H.Sang

Sẽ dễ dàng tìm thấy ở Đạ Lây những tấm bánh lọc, bánh nậm, những tô cơm hến, những ngôi nhà Rường những tưởng chỉ là đặc sản riêng có của vùng đất kinh thành Huế. Ở Đạ Lây, không còn nhiều nhà Rường nên thật may mắn khi tôi được ngồi trò chuyện cùng ông Trần Văn Khuyến (82 tuổi) trong căn nhà Rường hiếm hoi mà ông đang ở. Dù nhiều lần, những người con của ông bày tỏ mong muốn dỡ bỏ để xây cho vợ chồng ông một căn nhà khang trang, nhưng ông vẫn quyết giữ lại ngôi nhà này. Bởi với ông, căn nhà là thứ gợi lại cả một miền ký ức về Huế và chất chứa nỗi niềm của đứa con xa xứ như ông. Càng may mắn hơn, khi tôi còn được nghe ông và những người bạn vong niên vừa khề khà ly rượu vừa nói về những câu chuyện xưa cũ. 
 
10 năm sau ngày đặt chân lên vùng đất Đạ Lây, ông Khuyến thuê thợ từ Huế vào để đục, đẽo từng tấm ván, cây cột để dựng nên ngôi nhà Rường này. Với ông, ngôi nhà này chất chứa những gì rất Huế ở trong đó, có tâm tình của người con xa Huế như ông. Ngôi nhà Rường của ông Khuyến là căn nhà hiếm hoi có mặt tại Đạ Lây. Căn nhà hai gian, ba trái với khoảng sân rộng trước nhà, có ao sen, có hàng rào trúc dẫn lối đi, có đôi cây cau, có bóng vú sữa rợp bóng mát. Vừa trầm ngâm nhìn ngôi nhà đã bạc màu thời gian, ông Khuyến vừa bảo: “Huế đấy, tất cả đều là Huế đấy!”. 
 
Người dân nơi đây thân thương gọi vợ chồng ông là ôn (ông) Khuyến, mệ (bà) Nhàn. Nếu ôn Khuyến được biết đến là người tiên phong đưa dân đi lập nghiệp thì mệ Nhàn lại được mọi người yêu quý bởi cách nuôi dạy con cái, vun vén cho gia đình như thuộc tính của một người phụ nữ Huế. Mệ Nhàn vốn nổi tiếng là người khéo nấu ăn, nhất là những món của người Huế. Mỗi lần có khách trên tỉnh, trên huyện xuống, mệ Nhàn luôn được các cán bộ bên xã nhờ làm đầu bếp chính để nấu những món ngon đãi khách. Giờ đây, khi tuổi đã về chiều, mệ Nhàn đã truyền dạy cách thức nấu món Huế cho các con. Và con cái của ôn Khuyến, mệ Nhàn đều mở những cửa hàng bán món Huế nổi tiếng ở Đạ Lây. Nếu như con gái thứ Phương Thảo học được món cơm hến thì người con trai út Minh Trí lại nối gót bà với món bánh lọc. 
 
Bánh lọc Huế, món ăn quà vặt đã được nhiều người Huế ở Đạ Lây làm để bán buôn. Ảnh: H.Sang
Bánh lọc Huế, món ăn quà vặt đã được nhiều người Huế ở Đạ Lây làm để bán buôn. Ảnh: H.Sang

Tìm về nguồn cội
 
An Nhơn, Triệu Hải, Hà Đông, Quốc Oai, Quảng Trị… những cái tên ấy không biết tự bao giờ như đã trở thành một phần máu thịt của vùng đất Đạ Tẻh. Quãng thời gian 30 năm cũng đã đủ dài để mảnh đất này “hóa tâm hồn” trong những người đi kinh tế mới. Họ xây dựng vùng quê song hành cùng với truyền thống của quê xưa. Nếu như người dân xã Quốc Oai có lễ hội đấu vật vào ngày mùng 4 Tết hàng năm thì người xã Hà Đông lại duy trì hát Then như một phong tục truyền thống mỗi dịp lễ Tết. Ý thức về văn hóa truyền thống ấy như dòng máu, như hơi thở lưu chảy trong khí huyết của mỗi người dân nơi đây. 
 
Ý tưởng để thực hiện bài viết này của tôi cũng xuất phát khi một bạn trẻ người Quảng Trị ở Đạ Tẻh bày tỏ niềm tự hào pha lẫn thích thú khi được xem “bảo tàng” thu nhỏ về làng quê Quảng Trị ngay tại Đạ Tẻh. Bạn bày tỏ mong muốn được đưa các bạn trẻ, các bạn học sinh đến đây để tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống của đất Quảng Trị. Đây là cách để giữ hồn quê trên đất mới này. 
 
Chủ nhân của “bảo tàng” được nhắc đến chính là ông Trương Thái Anh Quốc. Trong căn nhà Rường hiếm hoi nằm ngay trung tâm thị trấn Đạ Tẻh, ông Quốc dành phần lớn không gian phía trước để trưng bày những hiện vật mà ông sưu tầm được. Có những thứ được tìm thấy ở quê nhà Triệu Phong (Quảng Trị), có những vật được sưu tầm từ chính những hộ dân ở xã Quảng Trị (Đạ Tẻh). Một vài món lại được ông đặt người ta kỳ công làm cho được theo giống nguyên bản. Đó là những cái rổ, rá, rọ bằng tre dùng để đánh bắt cá, những bộ lưỡi cày, cái cối xay lúa, dàn xe đạp nước để đưa nước lên đồng ruộng. Tất cả như gói gọn “tâm hồn Quảng Trị” của một người con xa quê. 
 
Vào Đạ Tẻh từ những năm 80, bản tính mê vẽ và làm việc liên quan đến văn hóa thông tin đã giúp ông có cơ hội đi nhiều và sưu tầm các vật dụng. Giờ đây, dù bận bịu với vai trò của một Phó Bí thư Huyện ủy, ông Quốc vẫn dành những ngày cuối tuần để rong ruổi khắp nơi tìm kiếm, sưu tầm những đồ vật mình yêu thích. Nhìn cái cách mà ông khoe từng vật dụng mình có với vẻ đầy tự hào, tôi hiểu rằng, ông làm việc này chắc có lẽ chẳng để dành riêng cho ông. Điều này đúng khi ngày càng có nhiều người tìm đến “bảo tàng” để “bắt gặp” một Quảng Trị với đầy đủ nghĩa tình của những người con xa xứ.     
 
Trên bộ tràng kỷ đặt giữa nhà, ông đãi tôi món khoai mì luộc chấm muối mè. Món ăn dân dã đã gắn bó với cả tuổi thơ ông. Mùi khoai mì nóng quyện với mùi muối mè như gợi lại trong người đàn ông này những kỷ niệm ở quê cũ. Rồi chỉ vào những bức tranh do cháu nội Chí Tâm (6 tuổi) vẽ, ông tự hào: “Còn nhỏ nhưng cháu rất hay tò mò về những vật dụng ông sưu tầm được. Trong từng bức tranh cháu vẽ, hình ảnh làng quê mộc mạc, đậm nét văn hóa truyền thống cũng được thể hiện dù chỉ là những nét vẽ đơn giản. Đó là điều mà tôi mong muốn khi bắt tay vào sưu tập các vật dụng của làng quê. Xem những vật dụng đó, sờ nắn vào chúng, tôi muốn các con, các cháu hiểu rằng người xưa phải vất vả, khổ cực mới có cái ăn, cái mặc. Vì thế, con cháu phải biết tự hào và quý trọng những thứ mình đang có, không được nản trí khi gặp khó khăn. Đó là cách để ôn cố tri tân, để tìm về nguồn cội”.
 
Nếu như ông Quốc muốn lưu giữ những vật dụng truyền thống của làng quê Quảng Trị như một cách để giáo dục con cái thì ông Khuyến ở Đạ Lây lại muốn giữ lại căn nhà Rường như sợi dây gắn kết gia tộc. Tất cả tựu chung lại là cái tình, cái nghĩa của những người xa quê. Họ muốn giữ lại một chút Huế, một chút Quảng Trị, một chút vùng miền của mình trên quê hương mới có lẽ sẽ gắn bó với họ suốt quãng đời còn lại. 
 
HỮU SANG