Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đến đảo Trương Sa - "Thủ đô" của quần đảo Trường Sa vào một ngày sóng lớn. Tàu không thể cập cảng, người và hàng hóa, quà Tết được đưa vào đảo bằng xuồng. Hòn đảo "huyền thoại" mà tôi chỉ mới biết qua lời ca, vần thơ hiện ra trước mắt oai nghiêm, vững chãi. Cảm xúc lúc ấy thật thiêng liêng khó tả.
[links()]
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đến đảo Trương Sa - “Thủ đô” của quần đảo Trường Sa vào một ngày sóng lớn. Tàu không thể cập cảng, người và hàng hóa, quà Tết được đưa vào đảo bằng xuồng. Hòn đảo “huyền thoại” mà tôi chỉ mới biết qua lời ca, vần thơ hiện ra trước mắt oai nghiêm, vững chãi. Cảm xúc lúc ấy thật thiêng liêng khó tả.
|
Lễ rước cờ Tổ quốc ở đảo Trường Sa. Ảnh: D.Thương |
Đó là một buổi trưa nắng gắt, bầy trẻ nhỏ ở đảo Trường Sa ùa ra đón chúng tôi bằng những lời chào lễ phép và ánh cười trong veo như làn gió mát lành. Nhanh chóng ngay sau đó, mọi người cất vội hành lý để tham gia Lễ chào cờ, nghi thức đầu tiên đón tiếp khách đến đảo. Một buổi lễ chào cờ mà có lẽ tôi sẽ không thể nào quên trong cuộc đời của mình.
Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa - Trung tá Đỗ Đình Tuyến chủ trì buổi lễ bằng những tiếng hô dõng dạc. Giọng người chỉ huy vang vọng giữa sân cờ càng làm tăng thêm sự trang nghiêm của buổi lễ. Bên dưới là người dân Trường Sa, các chiến sỹ và đoàn công tác. Những giai điệu hào hùng vang lên giữa đất trời, giữa nắng và gió lồng lộng thổi vào từ phía biển…
Vẫn bài Quốc ca hào hùng chúng tôi hát từ thuở nhỏ nhưng hôm nay ở đây, khi cất vang lời ca, tôi thấy trong màu cờ đỏ sao vàng đang phấp phới giữa đảo này là những hy sinh mà bao lớp người đi trước đã nằm xuống, là những vất vả gian khó mà tôi được tận mắt nhìn thấy trong hành trình của những người lính Hải quân những ngày qua, là biết bao điều thầm lặng mà những người lính đảo vẫn hàng ngày vẫn cống hiến hết mình vì Tổ quốc, vì vùng trời, vùng biển quê hương. Giọng ca của tôi hòa cùng giọng các chiến sỹ Hải quân, các cư dân trên đảo, nước mắt tôi tuôn trào. Xúc động nghẹn ngào! Lần đầu tiên một cô gái thị thành 27 tuổi là tôi mới hiểu hết được hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng đến nhường nào.
|
Cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo chuẩn bị làm lễ chào cờ. Ảnh: D.Thương |
Sau lễ chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca, một sỹ quan nghiêm trang tiến lên trước cột cờ đọc vang mười lời thề danh dự. Dưới cái nắng cháy thịt da, những lời thề đanh thép vang vọng giữa vùng biển trời đầu sóng khẳng định ý chí và sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Một, hi sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam...”.
Tiếp đó là lễ duyệt binh, quân nhạc nổi lên, tiếng nhạc hùng tráng của bài “Tiến bước dưới quân kỳ”, đoàn quân rầm rập bước những bước thẳng tắp đầy vững chãi theo lá cờ quyết thắng.
Cả khối người xếp hàng trang nghiêm dõi theo từng bước quân hành, trong phút giây nghiêm trang ấy, tim chúng tôi xúc động dâng trào. Nước mắt mọi người đều rưng rưng với những cảm xúc khó tả.
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng - Trung tâm phim tài liệu truyền hình Việt Nam chia sẻ sự xúc động: “Đây là buổi lễ chào cờ ấn tượng với tôi nhất trong suốt cuộc đời. Đã nghe rất nhiều đồng nghiệp, xem rất nhiều chương trình về Trường Sa nhưng hôm nay, đứng trên chính vùng đất này, được hát Quốc ca cùng các chiến sỹ và chứng kiến lễ duyệt binh của bộ đội. Bao nhiêu cảm xúc tự hào trỗi dậy trong lòng”.
Có lẽ mọi người trong đoàn công tác hôm ấy đều giống như tôi, khóc vì yêu Tổ quốc, thương quần đảo này đã thấm máu của bao người ngã xuống, trân quí những người lính Trường Sa đang thầm lặng dâng hiến tuổi xanh của mình cho đất nước, để chúng tôi có một cuộc sống yên bình ở đất liền và khóc vì lòng tự hào dân tộc luôn ở trong tim mỗi người Việt Nam.
DIỄM THƯƠNG