Quả không ngoa khi nói về công việc của vợ chồng chị Hoàng Thị Út (tổ 56, thị trấn Liên Nghĩa, Ðức Trọng) bằng cụm từ khá mỹ miều như vậy. Bởi hơn chục năm nay, dưới bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của vợ chồng anh chị, những gốc đào sau bao ngày được chăm sóc, lại vươn mình khoe sắc, mang mùa xuân ấm áp, đẹp tươi tới mỗi gia đình trong dịp Tến đến, Xuân về.
Quả không ngoa khi nói về công việc của vợ chồng chị Hoàng Thị Út (tổ 56, thị trấn Liên Nghĩa, Ðức Trọng) bằng cụm từ khá mỹ miều như vậy. Bởi hơn chục năm nay, dưới bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của vợ chồng anh chị, những gốc đào sau bao ngày được chăm sóc, lại vươn mình khoe sắc, mang mùa xuân ấm áp, đẹp tươi tới mỗi gia đình trong dịp Tến đến, Xuân về.
|
Chị Hoàng Thị Út đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để kịp giao đào cho khách vào dịp Tết. Ảnh: T.Vũ |
Chúng tôi tìm đến vườn đào của vợ chồng chị Út khi chỉ còn chưa đến hai chục ngày nữa là tới Tết Nguyên đán. Lúc này, gần 1.000 gốc đào trong khu vườn rộng khoảng 5 sào của vợ chồng anh chị đã lác đác điểm bông.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn đào, chị Út hào hứng bắt đầu câu chuyện: “Trong số gần 1.000 gốc đào ở đây, có một nửa là do khách gửi chăm sóc, nửa còn lại vợ chồng tôi trồng để bán hoặc để thế cho khách nếu như cây đào mà chúng tôi nhận chăm sóc của khách không ra hoa như ý muốn. Nhưng chắc trời cũng thương, thời tiết đa phần là thuận lợi nên từ lúc thật sự bắt tay vào kinh doanh loại hình này tới giờ, đào lúc nào cũng ra hoa đẹp, đều với tỷ lệ 90%”.
Vợ chồng chị Út, anh Khương vốn quê gốc Thái Bình - “cái nôi” trồng đào như lời chị nói. Vào Đức Trọng lập nghiệp từ năm 1997, lúc đó, vợ chồng chị cũng chọn trồng cây cảnh tết nhưng là cây quất chứ không phải cây đào như hiện nay. “Trồng quất một vài năm, thấy không hiệu quả, vợ chồng tôi liền chuyển hướng làm ăn và quyết định trồng và nhận chăm sóc đào vì nghĩ cây đào vốn đắt tiền mà chơi một lần rồi bỏ đi thì phí quá! ” - chị Út cho biết thêm.
Vốn sinh ra và lớn lên ở đất trồng đào nên kỹ thuật trồng loại cây này, vợ chồng chị đã thuộc nằm lòng từ nhỏ. Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào trồng, vợ chồng chị chỉ trồng thử nghiệm 150 cây vì kỹ thuật chỉ biết trên lý thuyết nên cũng chưa chắc lắm, thời tiết anh chị cũng chưa hiểu nhiều. “Đó là năm 2008, năm đầu tiên này đào nở chỉ đạt khoảng 50-60%. Bước sang năm thứ 2, vợ chồng tôi đã nắm vững kỹ thuật hơn nên quyết định trồng và chăm sóc cũng nhiều hơn. Theo thời gian, với chất lượng tăng, số cây chúng tôi trồng và nhận chăm sóc cũng tăng dần lên” - chị Út nói thêm.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, khách hàng của anh chị ngoài dân Đức Trọng, có người còn ở TP Đà Lạt, Lâm Hà, Di Linh hay ở tận Sàn Gòn, sau khi ăn tết xong, họ lại gửi đào lên nhờ anh chị chăm sóc. So với việc mua gốc cây mới thì tiền công chăm sóc cũng khá mềm, dao động trung bình từ 800 ngàn - 1,5 triệu đồng/gốc.
Nói thêm về kỹ thuật chăm sóc đào, chị Út cho hay, sau khi nhận gốc đào chăm sóc, vợ chồng chị sẽ cắt bỏ hết cành nhỏ, giữ lại thế cây, rồi đào hố với chiều sâu và chiều rộng tùy theo độ rộng của gốc đào, trộn vôi và phân xuống hố để đất bớt độ chua.
Để đảm bảo cây đào có thế đẹp, người trồng đào sẽ phải chăm sóc, tỉa lá theo đúng thời kỳ, đúng quy trình. Đặc biệt, đào là cây không ưa nước, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên làm sao cho đào nở hoa vào đúng dịp tết luôn là nỗi trăn trở, do vậy, công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn của người chăm sóc.
Mỗi năm, trồng và chăm sóc đào cũng cho vợ chồng anh chị thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chị Út thì đây vẫn là nghề “tay trái” của vợ chồng chị vì cái nghề này cũng chỉ bận rộn nhất vào vài ba tháng cận tết. Việc chính của cặp vợ chồng “hay lam hay làm” vốn là cán bộ tổ 56 này (chị là chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ, anh là tổ trưởng của tổ) trong nhiều năm nay vẫn là trồng và chăm sóc hơn 2 ha rau, củ với các loại cây xoay vòng quanh năm như cà rốt, củ cải và khoai lang.
THY VŨ