Khi dân biết, dân làm…

08:01, 11/01/2017

Về đêm ở Ðam Pao, Tân Tiến (xã Ðạ Ðờn, huyện Lâm Hà), khắp các đường làng, ngõ xóm đều sáng rực. Các tuyến đường liên xóm được lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng liên tục từ 18h đến 5h sáng hôm sau. 

Về đêm ở Ðam Pao, Tân Tiến (xã Ðạ Ðờn, huyện Lâm Hà), khắp các đường làng, ngõ xóm đều sáng rực. Các tuyến đường liên xóm được lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng liên tục từ 18h đến 5h sáng hôm sau. 
 
2 thôn Tân Tiến và Ðam Pao nằm trong 4 thôn được chọn để triển khai thí điểm quỹ xây dựng NTM của tỉnh, cùng với 2 thôn của huyện Ðơn Dương. Kết quả thực hiện ở các địa phương cho thấy nếu có sự tham gia ngay từ đầu của người dân, được tham gia bàn bạc thì có thể giảm đáng kể chi phí, trong khi công năng sử dụng vẫn phù hợp, tránh tình trạng lãng phí.

Có được kết quả trên là nhờ hỗ trợ từ Dự án “Vận dụng kinh nghiệm quản lý cộng đồng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ, cùng với đó là nỗ lực đóng góp của người dân trong xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới.

 
Ông Dơng Gur Ha Long (dân tộc Cil, xóm Đạ Rglo) bảo, từ ngày có đèn đường sáng như ban ngày, ở xóm chẳng còn tình trạng mất trộm vặt như trước. Trẻ nhỏ có ánh sáng chơi đùa, giao thông cũng an toàn hơn. Là người có uy tín, ông được tham gia bàn bạc trước khi triển khai dự án và cũng tích cực vận động bà con trong xóm tham gia đóng góp mỗi hộ 150.000 đồng. 
 
Với tổng kinh phí được hỗ trợ 100 triệu đồng, thôn vận động nhân dân đối ứng số tiền 68 triệu đồng (theo kế hoạch là nhân dân đối ứng 30%. Trưởng thôn Đam Pao, anh Nguyễn Minh Thu cho biết, sau khi được chọn làm đơn vị thí điểm triển khai quỹ này, toàn thể nhân dân Đam Pao cùng lên kế hoạch họp bàn toàn dân, lấy ý kiến đóng góp của người dân trong việc đề xuất các dự án tại địa phương. Với mục tiêu phải có ý nghĩa thiết thực, phục vụ lợi ích dân sinh, lợi ích của đại đa số nhân dân, trong số 8 tiểu dự án được đề xuất, thôn đã chọn được 2 dự án, là lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các khu dân cư chưa có điện dài 3.500 mét và xây dựng hàng rào khuôn viên hội trường thôn. Hai tiểu dự án thi công hoàn thiện trong 2 tháng, từ tháng 7/2016 với kinh phí hơn 88 triệu đồng. Trong khi theo tính toán, nếu giao khoán cho đơn vị thứ 3 thi công thì kinh phí có thể lên đến hơn 170 triệu đồng. 
 
Dự án Vận dụng kinh nghiệm quản lý cộng đồng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tổng vốn 4,3 tỷ đồng, trong đó vốn không hoàn lại từ Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ (SDC) là 3,87 tỷ đồng. Mục tiêu dự án kéo dài từ tháng 2 - 11/2016 nhằm trao quyền chủ thể cho cộng đồng được tham gia thực sự trong quá trình phát triển nông thôn, đúng vai trò chủ sở hữu, đảm bảo quá trình, kết quả xây dựng nông thôn mới có tính toàn diện, công bằng dựa vào cộng đồng, tăng cường sự gắn kết cộng đồng cũng như gắn kết xã hội. Riêng tại Lâm Đồng, 4 thôn thuộc 2 huyện Lâm Hà và Đơn Dương được hỗ trợ với mức 100 triệu đồng/thôn.

“Các tiểu dự án được triển khai không những đảm bảo số lượng, chất lượng mà còn giảm đáng kể chi phí thi công, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc duy tu, bảo dưỡng công trình khi được đưa vào sử dụng; gắn kết cộng đồng trong công tác xây dựng NTM. Tập thể cán bộ và nhân dân Đam Pao tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực giữ vững 19 tiêu chí và ngày càng nâng cao chất lượng, phấn đấu xây dựng phát triển theo hướng hiện đại đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân”, anh Thu cho biết thêm.

 
Còn tại thôn Tân Tiến, 141 triệu đồng được đầu tư vào 3 tiểu dự án: Nâng cấp nhà văn hóa thôn; lắp đặt hệ thống loa truyền thanh và thắp sáng 1 km đường ở xóm nghèo. Với việc sử dụng nhân công tại địa phương, vật tư của người địa phương, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Nhậm - Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng ban dự án, các công trình được hoàn thiện góp phần cải thiện đáng kể đời sống của bà con. Bằng việc trực tiếp lắng nghe ý dân, dân trực tiếp lên kế hoạch và triển khai thực hiện, thay vì chỉ đơn thuần triển khai thực hiện như trước kia đã trở nên thiết thực hơn rất nhiều. Hưởng thụ thành quả do chính bàn tay, công sức mình làm ra, với người dân, không gì phấn khởi bằng.
 
Ông Hoàng Sỹ Lĩnh - Chủ tịch xã Đạ Đờn đánh giá: “Được chọn thí điểm, các địa phương đã làm rất tốt. Kết quả cho thấy các cộng đồng nông thôn có thể giảm chi phí xây dựng khoảng 35% - 40% trong khi vẫn nâng cao chất lượng các công trình xây dựng. Nguồn kinh phí được thôn trực tiếp quản lý, xã có vai trò định hướng về đường lối. Các đoàn kiểm tra từ Trung ương và Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ cũng đánh giá rất cao những kết quả đã đạt được. Các địa phương đã nỗ lực của thực hiện đúng: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng, dân kiểm tra, giám sát. Xã tiếp tục hỗ trợ từ nguồn vốn NTM để giúp các đơn vị hoàn thiện các công trình xây dựng cơ bản trong những năm tiếp theo”.
 
HỒNG THẮM