Khuyến khích sáng tạo từ trên ghế nhà trường

08:01, 10/01/2017

Thông qua việc tham gia các cuộc thi tổ chức hằng năm, ngành Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng đang khuyến khích học sinh các cấp nghiên cứu khoa học, có những sáng tạo kỹ thuật liên quan đến thực tiễn cuộc sống quanh mình. 

Thông qua việc tham gia các cuộc thi tổ chức hằng năm, ngành Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng đang khuyến khích học sinh các cấp nghiên cứu khoa học, có những sáng tạo kỹ thuật liên quan đến thực tiễn cuộc sống quanh mình. 
 
Thầy giáo Lương Đình Dũng và 2 học sinh Lê Mạnh Trường và Kiều Văn Hải - Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt đang thảo luận đề tài của mình. Ảnh: V.Trọng
Thầy giáo Lương Đình Dũng và 2 học sinh Lê Mạnh Trường và Kiều Văn Hải -
Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt đang thảo luận đề tài của mình. Ảnh: V.Trọng

Bước đầu làm khoa học 
 
Một cách tự tin Lê Mạnh Trường và Kiều Văn Hải - 2 học sinh Trường Trung học phổ thông (THPT) Bùi Thị Xuân - Đà Lạt cho chúng tôi xem công trình nghiên cứu khoa học vừa được giải thưởng cấp quốc gia của mình trong năm học vừa qua.
 
Đó là công trình “Kính cho người mù”, được thực hiện trong năm học 2015 - 2016 lúc cả hai đang học lớp 11. Đó là một chiếc kính râm bình thường dành cho mọi người, nhưng trên chiếc kính này có gắn thêm một thiết bị cảm biến dành cho người mù. Khi mang kính này vào, thiết bị phát tín hiệu ra trước, có vật cản sẽ rung lên để báo cho người mang biết.
 
Để thực hiện công trình này cả 2 được sự hỗ trợ tích cực của thầy giáo Lương Đình Dũng dạy Tin học trong trường. Say mê công nghệ thông tin, cả 3 thầy trò từ một bảng mạch lập trình ban đầu đã lên kế hoạch nghiên cứu, bỏ công rất nhiều để làm nên được chiếc kính mắt này. Công trình đã được trao giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 - 2016 của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC).
 
“Cả hai đều học rất tốt trong trường, rất đam mê và có khiếu nghiên cứu khoa học, làm việc rất chăm chỉ” - thầy Dũng nhận xét về 2 học trò của mình. 
 
Nhưng với Lê Mạnh Trường và Kiều Văn Hải, giải thưởng danh giá này chỉ mới là bước đầu cho một hành trình mới mà cả hai ấp ủ với rất nhiều dự định. “Đây chỉ mới là sản phẩm ban đầu, còn phải cải tiến nhiều để có thể đưa vào áp dụng trong thực tế được” - Kiều Văn Hải cho biết. 
 
Sắp đến chỉ 1 trong 2 học sinh này, em Kiều Văn Hải sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến cho chiếc kính. “Dự kiến là lắp một mạch điện tử với cảm biến và loa để có thể báo cho người sử dụng vật cản bên trái hay bên phải” - Hải cho biết. 
 
Còn riêng em Lê Mạnh Trường đang cùng thầy giáo Lương Đình Dũng nghiên cứu một đề tài mới: Làm cánh tay giả cho người khuyết tật. “Đã xong phần lập trình, đang thử nghiệm cảm biến đo sóng não để thử vận hành cánh tay này” - Trường nói.
 
Chính từ những ngày cặm cụi với thầy giáo trên trường cho công trình nghiên cứu đầu tiên của mình sau những giờ học căng thẳng, cả hai học sinh lớp 12 trên đã bắt đầu say mê khoa học và có quyết định riêng về con đường tương lai cho mình “Dạ, tụi em sẽ thi vào Đại học Bách khoa TP HCM, chọn các ngành kỹ thuật hoặc công nghệ để học, năm nay nếu bận rộn thi cử thì chúng em sẽ tiếp tục công trình khi vào đại học.” - cả 2 tự tin.
 
Khuyến khích sáng tạo từ trên ghế nhà trường
 
Theo cô giáo Hà Nguyễn Bảo Khuyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, nhà trường luôn khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) từ trên ghế học đường. 
 
Cụ thể, theo cô Khuyên, ngay từ khi vào lớp 10 đầu cấp trường đã có kế hoạch bồi dưỡng để học sinh trong trường làm quen với các kỹ năng nghiên cứu; khuyến khích các em vận dụng kiến thức đã học trong học đường để tìm đề tài nghiên cứu; các nhóm nghiên cứu khi có đề tài được trường phân công giáo viên giúp đỡ, hướng dẫn thực hành. Trường còn mời các cơ quan nghiên cứu khoa học trên địa bàn Đà Lạt như Trường Đại học Đà Lạt, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Viện Sinh học Tây Nguyên… về nói chuyện với học sinh trong trường các định hướng nghiên cứu khoa học hiện nay.
 
Điểm thuận lợi cho học sinh của trường khi tham gia nghiên cứu khoa học theo cô Khuyên, là hệ thống cơ sở vật chất hỗ trợ của nhà trường khá bài bản: THPT Bùi Thị Xuân hiện có 5 phòng bộ môn và thí nghiệm, có 3 phòng máy tính với 75 máy nối mạng toàn cầu; thư viện trường cũng khá đầy đủ sách, tài liệu tham khảo lẫn hệ thống máy tính cho học sinh làm việc.
 
“Khi tham gia vào các nhóm nghiên cứu khoa học các em được rèn luyện rất nhiều kỹ năng, từ việc học cách làm việc nhóm cùng nhau, biết cách tham gia vào một dự án khoa học, khả năng phân tích, điều tra xã hội học, biết cách viết báo cáo khoa học, rèn luyện tính kiên nhẫn... Và cái được nhất là phát triển niềm đam mê làm khoa học để các em có thể tiếp tục trong bậc đại học sau này” - cô Khuyên cho biết.
 
Là trường học có chất lượng dạy và học rất tốt tại Đà Lạt, trong nhiều năm học gần đây, THPT Bùi Thị Xuân luôn có rất nhiều nhóm học sinh tham gia nghiên cứu khoa học với các đề tài đạt giải cấp tỉnh và quốc gia. Như trong năm học 2015 - 2016 vừa qua, bên cạnh nhóm 2 học sinh Lê Mạnh Trường và Kiều Văn Hải được giải nhì quốc gia còn có 2 đề tài khác gồm “Khóa chống trộm sử dụng công nghệ cảm biến vân tay” của 2 học sinh Trần Ngọc Bảo Nguyên và Ngô Phúc Vĩnh Huy lớp 11A8 và “Xây dựng thiết bị bay Quadcopter ứng dụng vào thực tế cuộc sống” của Phạm Vũ Lê và Trần Quang Anh lớp 11 A10 cũng được giải ba và giải khuyến khích Hội thi KHKT cấp tỉnh. 
 
Trong lĩnh vực tin học, Trường THPT Bùi Thị Xuân trong năm học vừa qua cũng có nhiều giải thưởng như 3 giải tại Hội thi Tin học trẻ - phần mềm sáng tạo (gồm 1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích); 3 giải gồm 2 giải ba, 1 giải khuyến khích trong cuộc thi Tin học Văn phòng cấp tỉnh. 
 
Theo ông Phan Linh Khánh, Phó Phòng Công nghệ Thông tin và Nghiên cứu Khoa học - Sở Giáo dục (GD) Lâm Đồng, ngành GD Lâm Đồng nhiều năm nay luôn khuyến khích các trường học trên địa bàn vận động học sinh các cấp học tham gia nghiên cứu khoa học, khuyến khích học sinh gắn việc học lý thuyết trong học đường với thực tế cuộc sống, có những sáng tạo kỹ thuật liên quan đến thực tiễn quanh mình.
 
Hằng năm, Sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên các trường học trong tỉnh về công tác nghiên cứu khoa học để giáo viên về trường hỗ trợ cho học sinh của mình. 
 
Rất nhiều trường học trên địa bàn Lâm Đồng đến nay theo đánh giá của ngành, đang làm rất tốt công tác này, điển hình như THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt, THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt, THPT Đức Trọng, THPT Chuyên Bảo Lộc, Phòng Giáo dục Đức Trọng…
 
Trong năm học này, ngành GD Lâm Đồng đã phát động cuộc thi sáng tạo KHKT cho học sinh khối trung học cơ sở và THPT trong toàn tỉnh từ tháng 11/2016 đến tháng 3/2017, sau vòng thi cấp tỉnh, tỉnh sẽ tuyển chọn đội tham gia cuộc thi cấp toàn quốc VIFOTEC lần thứ 13 trong tháng 6/2017.
 
Riêng THPT Bùi Thị Xuân, như cô Hà Nguyễn Bảo Khuyên cho biết, trong niên học này trường sẽ có 4 đề tài của học sinh tham gia giải tỉnh.
 
VIẾT TRỌNG