Kiềm chế tỉ lệ sử dụng thuốc lá

09:01, 11/01/2017

Một trong những thành công lớn nhất mà chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được đó là việc kiềm chế để tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng và đây cũng là bài học thành công của nhiều nước trên thế giới. Ðặc biệt là ngăn ngừa thanh thiếu niên không trở thành người hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tương lai giống nòi.

Một trong những thành công lớn nhất mà chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được đó là việc kiềm chế để tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng và đây cũng là bài học thành công của nhiều nước trên thế giới. Ðặc biệt là ngăn ngừa thanh thiếu niên không trở thành người hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tương lai giống nòi.
 
Bệnh nhân can thiệp mạch vành có yếu tố nguy cơ do hút thuốc lá chiếm 29,5%
 
Theo kết quả nghiên cứu 1 năm triển khai chụp và can thiệp động mạch vành qua da tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, có 400 ca chỉ định chụp mạch vành, trong đó có 200 trường hợp được can thiệp. Phân tích yếu tố nguy cơ cho thấy: đứng đầu là tăng huyết áp chiếm 75,5% số ca đã được can thiệp mạch vành; đứng thứ hai là có hút thuốc lá chiếm 29,5%; thứ tự tiếp theo nữa là: đái tháo đường 19,5%; rối loạn Lipid máu 16,9%; tiền căn gia đình 3,1%.                                  DH

Tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam có xu hướng giảm, đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia y tế. Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 cho thấy: So với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% xuống 22,5%, tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% xuống 18,2% và tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở tất cả địa điểm. Giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54,3% xuống 37,9%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Đặc biệt, tại các khu vực thành thị: Tỷ lệ hút thuốc chung giảm đáng kể từ 23,3% xuống 20,6%. 

 
Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%. Một trong những thành công lớn nhất mà chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được đó là việc kìm giữ để tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng và đây cũng là bài học thành công của nhiều nước trên thế giới.
 
Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới, sẽ tập trung đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng, chú trọng các khu vực trong nhà của nhà hàng, quán bar, quán cà phê. Tăng cường các hoạt động truyền thông để duy trì và hướng tới thay đổi hành vi của người hút thuốc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm hút thuốc. Tăng cường hỗ trợ cho các địa phương để giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới tại các khu vực nông thôn. Để xuất Chính phủ và Quốc hội cần đánh giá tác động của việc tăng thuế thuốc lá hiện nay đến tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá và cần có lộ trình tiếp tục tăng thuế đến mức có thể giúp giảm tỷ lệ hút thuốc, đồng thời cũng giúp tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
 
Theo các chuyên gia y tế, việc giữ cho tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để triển khai toàn diện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, hỗ trợ những người cai thuốc bỏ thuốc và ngăn ngừa thanh thiếu niên không trở thành người hút thuốc, bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng.
 
THỤY HỢP