TS. Phan Xuân Huyên - Trưởng Phòng Công nghệ Thực vật của Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, đã có 20 năm theo đuổi niềm đam mê trong lĩnh vực này; mới đây anh đã thành công trong nghiên cứu nuôi trồng Lan gấm ở điều kiện ngoài vườn ươm.
TS. Phan Xuân Huyên - Trưởng Phòng Công nghệ Thực vật của Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, đã có 20 năm theo đuổi niềm đam mê trong lĩnh vực này; mới đây anh đã thành công trong nghiên cứu nuôi trồng Lan gấm ở điều kiện ngoài vườn ươm.
|
TS Phan Xuân Huyên kiểm tra vườn Lan gấm. Ảnh: D.Hiền |
Thăm vườn Lan gấm của TS. Huyên với 15.000 cây của 3 loài mà anh cùng cộng sự đã dày công lập vườn nghiên cứu gần 2 năm nay, nhìn anh khoe những chậu Lan gấm 18 tháng tuổi đã ra hoa với vẻ mặt rạng ngời mới thấy được niềm vui khó tả trước thành quả nghiên cứu mới nhất về Lan gấm.
Làm rừng nhân tạo cho Lan gấm
Trong giới khoa học, việc nghiên cứu nhân giống, nuôi cấy mô cây Lan gấm là chuyện thường rồi nhưng nghiên cứu nuôi trồng nhân tạo cây Lan gấm thành vườn như thế này thì chưa có nghiên cứu nào công bố.
Khi tôi tò mò hỏi điều gì thôi thúc anh dày công nghiên cứu đưa Lan gấm ra vườn, TS. Huyên cho biết: Chúng tôi nghiên cứu nuôi trồng nhân tạo cây Lan gấm (Anoectochilus sp.) bởi đây là một loại thảo dược quý dùng để tăng cường sức khỏe và chữa bệnh cho con người. Tây Nguyên nói chung và Đà Lạt - Lâm Đồng nói riêng có điều kiện tự nhiên phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây dược liệu, trong đó có Lan gấm.
Trên thế giới, y học cổ truyền ngàn năm và các nghiên cứu y học hiện đại ghi nhận Lan gấm là vua của các loài thảo dược, do tác dụng dược lý đa dạng như bảo vệ gan, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh tiểu đường, điều trị các bệnh tim mạch, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, kháng viêm.
Ngoài ra, Lan gấm được dùng chữa viêm phế quản, thần kinh suy nhược, cao huyết áp, suy thận, chữa dị tinh, đau lưng, phong thấp, giải độc, chống loãng xương, bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe và làm khí huyết lưu thông...
Chính vì những giá trị trên mà hiện nay cây Lan gấm trong tự nhiên bị thu hái một cách triệt để, dẫn đến nguồn Lan gấm ngày càng cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng cao (Nghị định số 32/2006/NĐ-CP; Sách đỏ Việt Nam - Phần thực vật, 2007 xếp Lan gấm vào loài có nguy cơ tuyệt chủng). Vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu bảo tồn, nhân giống và nuôi trồng cây Lan gấm thương phẩm tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ trong lĩnh vực y học, thực phẩm và mỹ phẩm là vấn đề rất cần thiết. Việc tiến hành nghiên cứu nuôi trồng loài Lan gấm nhằm góp phần xây dựng quy trình nuôi trồng nhân tạo cây Lan gấm ở điều kiện ngoài vườn ươm.
Theo quan sát của chúng tôi, để có được thành công này, TS. Huyên đã xây dựng một không gian có đủ ánh sáng, môi trường, nhiệt độ như rừng tự nhiên thích hợp cho cây Lan gấm sinh trưởng. Có thể nói, TS. Huyên đã thiết lập một môi trường rừng nhân tạo để trồng Lan gấm. Anh giải thích rằng, cây Lan gấm sinh trưởng dưới tán rừng, ở độ cao lý tưởng từ 1.000 m trở lên, vì vậy trong môi trường ươm trồng nhân tạo, anh cùng cộng sự làm mái che 2 lớp lưới đen cho ánh sáng phù hợp, lắp hệ thống tưới, phun sương theo giờ hẹn cho cây để duy trì độ ẩm tốt nhất.
Ánh sáng của mồ hôi
- TS Phan Xuân Huyên sinh ngày 27/2/1974 tại tỉnh Phú Yên, học Cử nhân và Thạc sĩ Sinh học tại Trường Đại học Đà Lạt, làm Tiến sĩ tại Trung Quốc về lĩnh vực Sinh học môi trường.
- Tham gia và chủ nhiệm 24 đề tài nghiên cứu. Trong đó, chủ nhiệm 5 đề tài: 3 đề tài đã nghiệm thu, gồm có “Bảo quản và nhân nhanh nguồn thực vật quý hiếm bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật”, “Sản xuất thử nghiệm hoa chậu Thu hải đường (Begonia sp.) tại Đà Lạt, Lâm Đồng”, “Vi nhân giống cây hoa lan (Miltonia sp.)” và 2 đề tài đang triển khai gồm: “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống Lan gấm (Anoectochilus sp.) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” (năm 2015-2017), “Nghiên cứu nuôi trồng cây Lan gấm (Anoectochilus formosanus Hayata) thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh tại Đà Lạt - Lâm Đồng” (năm 2016-2017).
- Tác giả và đồng tác giả 49 công trình nghiên cứu khoa học, bài báo đã công bố trong nước và quốc tế.
|
Tạo một khu rừng nhân tạo cho Lan gấm sinh trưởng, phát triển chỉ mới là điều kiện cần; điều kiện đủ để thành công là TS. Huyên cùng cộng sự đã kỳ công nghiên cứu để xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi trồng cây Lan gấm ngoài vườn ươm. Anh cho biết: Lan gấm có rất nhiều loài, ở nước ta có khoảng 12 loài, chúng tôi nghiên cứu những loài có giá trị dược liệu, làm cây cảnh và có giá trị kinh tế cao (Anoectochilus lylei, Anoectochilus roxburghii, Anoectochilus formosanus) để nuôi cấy mô trong ống nghiệm và đưa ra vườn ươm trồng 15.000 cây.
Công đoạn khó nhất là khi chuyển cây Lan gấm từ ống nghiệm ra vườn ươm, nhóm phải nghiên cứu đảm bảo độ ẩm cho cây nên ngày nào cũng ở bên vườn thường xuyên. Bởi cây cấy mô được nuôi cấy trên môi trường thạch khi chuyển ra điều kiện vườn ươm trồng trên giá thể mới, độ ẩm ở vườn ươm thấp và có sự dao động trong ngày, dẫn đến cây con dễ bị héo. Do đó, trong thời gian đầu cần phải che chắn và phun sương giữ ẩm cho cây.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu thử nghiệm nhiều loại giá thể để chọn ra loại giá thể thích hợp nhất. Qua nghiên cứu thử nghiệm nhiều loại giá thể đã đi đến kết luận: giá thể 90% vụn xơ dừa phối trộn 10% tro trấu là tốt nhất cho sự thích nghi của cây Lan gấm cấy mô ở ngoài vườn ươm. Đồng thời nghiên cứu về nhiệt độ, ánh sáng, phân bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây...
TS. Huyên chia sẻ: Trong nuôi trồng cây Lan gấm, vào mùa khô thường có nhiều sâu cắn lá và cắn thân nhưng ít nấm bệnh; vào mùa mưa có nấm bệnh làm hư lá nhưng có ít sâu hại. Nấm bệnh chỉ làm hư một đến hai lá trên chậu Lan gấm, còn sâu hại có thể cắn đứt cây Lan gấm thành nhiều đoạn; một con sâu có thể cắn đứt 10 cây Lan gấm trong vòng 1 - 2 đêm. Sâu hại ở giai đoạn nhỏ (chiều dài khoảng 0,5 - 1 cm) chỉ hút nhựa lá, làm cho lá khô và héo nhưng khi sâu hại lớn hơn thì không hút nhựa lá mà chuyên cắn phá thân cây. Cây Lan gấm sau khi bị sâu cắn phá, phần gốc mọc ra từ 1 - 2 chồi mới; nếu tận dụng lại phần thân và ngọn giâm trên giá thể với độ ẩm thích hợp sẽ tái sinh chồi và rễ tạo thành những cây Lan gấm mới. Để diệt sâu, TS. Huyên nghiên cứu phun thuốc trừ sâu sinh học AMECTIN AIC 36 EC (3 ml/l) định kỳ 1 tháng/lần và kết hợp với hàng ngày quan sát bắt sâu là một phương pháp rất hiệu quả trong phòng và trị sâu hại trên cây Lan gấm. Phun thuốc nấm Kasuran 47WP (3 g/l) theo định kỳ 1 - 2 tháng/lần để phòng ngừa và trị nấm bệnh trên cây Lan gấm.
Cây Lan gấm cấy mô đưa ra vườn trồng dưới công sức của TS. Huyên và cộng sự có tỉ lệ sống cao, đạt 100% và cây sinh trưởng tốt. Hiện đã có 1 loài trồng đến 18 tháng tuổi thì ra hoa (mỗi cành hoa mang 6 - 10 hoa) và 1 loài khác đang ra nụ hoa. Cây Lan gấm cấy mô 18 tháng tuổi mới có khả năng ra hoa, nhưng cây con tái sinh từ cây mẹ chỉ 3 - 4 tháng tuổi thì có thể ra hoa. Điều này cho thấy, cây con tái sinh từ cây mẹ cũng tương đồng với cây Lan gấm mọc trong tự nhiên... Một điều lý thú nữa là khi TS. Huyên theo dõi quá trình sinh trưởng của một loài Lan gấm trồng nhân tạo đã phát hiện ra rằng: Sau khi thu hoạch phần thân và lá cây lan gấm cấy mô 18 tháng tuổi, từ phần gốc tiếp tục tái sinh những chồi mới, chồi cây sinh trưởng, phát triển và ra hoa sau 3 - 4 tháng, chiều cao cây đạt 10 - 16 cm, chúng ta có thể thu hoạch phần thân và lá, tiếp tục từ phần gốc lại tái sinh chồi mới. Do trong điều kiện vườn ươm được chăm sóc tốt, có độ ẩm thích hợp, từ gốc cây đã thu hoạch lại tái sinh các chồi mới cho một lứa cây tiếp theo. So sánh với cây Lan gấm trong tự nhiên, tái sinh vào đầu mùa mưa, nở hoa, kết quả và tàn lụi đi phải qua một năm sau mới có thể tái sinh cây mới. Trong nuôi trồng nhân tạo cây Lan gấm, sau khi trồng 6 tháng thì có thể thu hoạch phần thân và lá, phần gốc của mỗi cây tái sinh những protocorm like bodies (những thể tròn có thể phân cực thành ngọn và gốc), sau đó sinh trưởng phát triển thành cây mới, chúng ta lại thu hoạch để tái sinh lứa cây mới. Kết quả của nghiên cứu này có triển vọng, có thể ứng dụng nuôi trồng nhân tạo cây Lan gấm và tăng năng suất cây trồng nhờ rút ngắn thời gian cho thu hoạch so với cây Lan gấm trong tự nhiên.
TS. Huyên cho biết, từ sự thành công trong việc nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi trồng nhân tạo cây Lan gấm ở điều kiện ngoài vườn ươm, trong tương lai gần, quy trình này có thể chuyển giao kỹ thuật cho các Trung tâm ứng dụng nghiên cứu nuôi trồng và sản xuất thử nghiệm Lan gấm. Tiến tới trồng cây Lan gấm thương phẩm để sản xuất các loại thực phẩm chức năng như: Trà Lan gấm, viên nang Lan gấm, viên nén Lan gấm, cao và rượu Lan gấm, giống như cách chúng ta đã trồng và khai thác thành công giá trị của cây artiso Đà Lạt. Việc xây dựng thành công quy trình ươm trồng Lan gấm có giá trị bảo tồn, giá trị khoa học và giá trị thực tiễn về nhiều mặt (trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm).
DIỆU HIỀN