Làm tốt công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ

08:01, 04/01/2017

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp và sự phối hợp đồng bộ, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, nâng cao mặt bằng dân trí.

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp và sự phối hợp đồng bộ, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phổ cập giáo dục (PCGD) - xóa mù chữ (XMC) với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, nâng cao mặt bằng dân trí.
 
Giáo dục vùng dân tộc ngày càng được quan tâm đầu tư góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: T.Hương
Giáo dục vùng dân tộc ngày càng được quan tâm đầu tư góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ảnh: T.Hương

Kết quả nổi bật nhất của công tác PCGD - XMC trên địa bàn tỉnh là năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công nhận tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Cùng với đó, 12/12 huyện, thành phố duy trì kết quả đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi, đủ điều kiện đạt chuẩn PCGD THCS và XMC. 
 
Hoàn thành PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi
 
Để hoàn thành mục tiêu PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đã bổ sung và hoàn thiện chính sách bảo đảm các điều kiện cần thiết hỗ trợ bậc mầm non phát triển bền vững; nâng dần tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi được học mẫu giáo, thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày. 
 
Từ năm học 2010 - 2011 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện các biện pháp huy động trẻ cùng với thực hiện tốt chế độ chính sách về hỗ trợ chi phí học tập, chế độ miễn giảm, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ 5 tuổi... Do đó, duy trì tốt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường, lớp mầm non đều đạt bình quân từ 99,6% - 99,7% số trẻ trong độ tuổi. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới, tính đến nay, 100% trường đã thực hiện; đồng thời hướng dẫn giáo viên thực hiện chương trình giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi vùng khó, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc tại các lớp mẫu giáo ở vùng đồng bào dân tộc.
 
PCGD Tiểu học đúng độ tuổi và PCGD THCS tiếp tục được củng cố vững chắc. Với phương châm “Huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, duy trì sĩ số, chống bỏ học, hạn chế lưu ban, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo”, ngành giáo dục luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nên đã tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo PCGD cấp tỉnh. Cùng với đó là thực hiện mở rộng mạng lưới trường lớp ở các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đều có các điểm trường. 
 
Qua 5 năm (2011 - 2015), tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 18 có bằng tốt nghiệp THCS tăng hàng năm: năm 2011 đạt 82,94%; đến năm 2015 đạt 86,63%.
 
98,3% dân số biết chữ
 
Đối với công tác XMC, tỉnh Lâm Đồng đã quyết tâm thực hiện với nhiều biện pháp cụ thể như: tổ chức điều tra, khảo sát toàn bộ số người mù chữ trên địa bàn xã, thôn, bản của 147/147 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; lập danh sách chi tiết người mù chữ trong độ tuổi trên thực tế để mở lớp XMC theo kế hoạch. Qua đó, tăng cường vận động, thuyết phục người mù chữ ra lớp, nhất là tại các xã, thôn có tỷ lệ người mù chữ cao. Đồng thời, hướng dẫn các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức điều tra trình độ văn hóa, vận động và mở các lớp XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (GDTTSKBC). 
 
Sở GDĐT đã chỉ đạo các phòng GDĐT triển khai thực hiện chương trình XMC, GDTTSKBC mới do Bộ GDĐT ban hành, dạy học đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của mỗi khối lớp, tổ chức các lớp học linh hoạt phù hợp với công việc, tập quán, đặc trưng của đồng bào vùng sâu, vùng xa; rà soát, bố trí giáo viên trường tiểu học, THCS sang làm việc bán thời gian tại các TTHTCĐ; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho học viên và giáo viên tham gia giảng dạy tại các lớp XMC, GDTTSKBC. 
 
Tính đến tháng 12/2015, số đối tượng biết chữ toàn tỉnh là 856.579/871.781 tổng dân số trong độ tuổi từ 15 - 60, chiếm tỷ lệ 98,3%, tăng 1,5% so với năm 2011. 
 
Để PCGD - XMC tiếp tục được duy trì bền vững, nhiều giải pháp được Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở được đưa ra như: đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác PCGD - XMC; thực hiện tốt các chính sách về PCGD, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, đồng thời, có chính sách thu hút giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, giáo viên dạy bổ túc văn hóa, dạy nghề, thực hiện chính sách cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc...
 
Ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng: “Công tác PCGD phải luôn gắn liền với công tác XMC”
 
 Ngay từ thời điểm triển khai công tác PCGD, ngành Giáo dục đã xác định duy trì mục tiêu XMC là một trong những tiền đề quan trọng cho việc duy trì PCGD các bậc học. Qua nhiều năm thực hiện kế hoạch PCGD - XMC, duy trì kết quả PCGD trong điều kiện không ít khó khăn của một tỉnh miền núi, với sự tập trung lãnh, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy Đảng, HĐND, UBND từ tỉnh đến cơ sở, Lâm Đồng đã hoàn thành công tác PCGD tiểu học, THCS, công tác XMC. Hoạt động quản lý, điều hành của Ban Chỉ đạo PCGD tỉnh đến huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng là những yếu tố rất cơ bản đem lại thành quả chung cho công tác PCGD - XMC toàn tỉnh. Các ban, ngành, chức năng, đoàn thể và các lực lượng xã hội đã phối hợp đồng bộ với các địa phương và ngành Giáo dục để thực hiện tốt công tác này. 
 
Anh Hồ Ngọc Phong Hải - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng: “Vận động thanh - thiếu nhi trong độ tuổi đến lớp”
 
Thời gian qua, với tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, Tỉnh Đoàn đã tích cực tham gia thực hiện chỉ tiêu PCGD - XMC của tỉnh như: tuyên truyền, vận động và duy trì tốt số đối tượng thanh - thiếu nhi trong độ tuổi đã và đang theo học các lớp bổ túc văn hóa; tích cực tham gia vận động số người đã đạt chuẩn XMC ra học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ nhằm chống tái mù chữ và nâng cao dân trí địa phương; tham gia theo phân công trong việc lập danh sách các đối tượng đoàn viên, thanh thiếu nhi có hộ khẩu thường trú và tạm trú dài hạn còn trong độ tuổi 11 - 18, đã tốt nghiệp tiểu học, chưa tốt nghiệp THCS để có kế hoạch vận động hoàn thành PCTHCS; tổ chức các hoạt động phong trào vui tươi để vận động thanh niên tham gia; vận động các nguồn lực hỗ trợ để động viên, khích lệ người học…
 
Ông Nguyễn Phước Bảo Cường - Phó Trưởng Phòng GDĐT Di Linh: “Đưa trường học đến với học sinh”
 
Để thực hiện được mục tiêu chiến lược PCGD - XMC trên địa bàn, trong thời gian qua, Phòng GDĐT Di Linh đã chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của ngành học, bậc học nhằm đảm bảo sự bền vững, ổn định và hiệu quả nhất đối với công tác PCGD - XMC. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân làm tốt việc huy động hết học sinh trong độ tuổi ra lớp; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục được thực hiện đồng bộ từ tiểu học đến THCS. Bên cạnh đó, tham mưu với chính quyền trong việc quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp với phương châm “Đưa trường học đến với học sinh”; tổ chức huy động, mở lớp PCGD THCS ở các địa bàn có học sinh bỏ học cao; phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục… 
VIỆT HÀO (Thực hiện)
 
TUẤN HƯƠNG