Giữa bạt ngàn những ngọn đồi trồng cà phê, sẽ rất khó để nhận ra những vườn lan đang dần được hình thành. Những lão nông quanh năm chỉ biết đến đọt chè, hạt cà phê, nay cũng bắt tay vào chơi lan, từ nuôi cấy mô đến các giống lan rừng đủ chủng loại xem như thú vui tao nhã lại vừa tăng thêm nguồn thu nhập ổn định.
Giữa bạt ngàn những ngọn đồi trồng cà phê, sẽ rất khó để nhận ra những vườn lan đang dần được hình thành. Những lão nông quanh năm chỉ biết đến đọt chè, hạt cà phê, nay cũng bắt tay vào chơi lan, từ nuôi cấy mô đến các giống lan rừng đủ chủng loại xem như thú vui tao nhã lại vừa tăng thêm nguồn thu nhập ổn định.
|
Cha con ông Phạm Thành Đức chăm sóc những giò lan để phục vụ dịp Tết. Ảnh: Đ. Anh |
Làm chơi ăn thiệt
Len lỏi qua những vườn cà phê đang vào vụ thu hoạch của vùng đất Lộc Ngãi, tôi tìm đến nhà ông Phạm Thành Đức, người được cho là nuôi lan vào hàng “khủng” nhất huyện Bảo Lâm hiện nay. Dưới khoảnh sân trước nhà, trên tầng cao sân thượng và phía sau vườn cà phê đều được ông Đức tận dụng làm giàn để treo lan. Ba bên, bốn bề được bao bọc bởi lưới B40 để bảo vệ những giò lan trước nạn trộm cắp luôn rình rập.
Ông Đức đến với thú chơi lan cách đây khoảng 5 năm một cách rất tình cờ. Chẳng là, người con rể của ông Đức rất rành và giỏi về lan và chính ông là người giúp vốn để chàng rể đầu tư vườn lan cách nay khoảng 15 năm. Thấy con đầu tư vườn lan có hiệu quả nên ông cũng đã chuyển một ít diện tích vườn cà phê để làm giàn lan. Ban đầu, ông làm để chơi cho vui nhưng lâu dần ông Đức lại tự mày mò tìm hiểu, nhân giống và mê lan lúc nào không hay. Từ chỗ chỉ chơi cho thỏa niềm đam mê, đến nay, ông Đức đã có một vườn lan với nhiều chủng loại khác nhau mà nhiều người mơ ước.
Với diện tích khoảng 500 m
2 được cải tạo từ vườn cà phê sát nhà, ông Đức đã đầu tư bước đầu khoảng 200 triệu đồng để làm nhà lưới trồng lan rừng và lan nuôi cấy mô. Ông Đức chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ làm với ý định để chơi lan, cho cuộc sống nhàn nhã một chút sau những ngày làm vườn vất vả nhưng không ngờ giờ lại chuyển sang hướng kinh doanh. Dù công chăm sóc cũng mất rất nhiều nhưng bù lại thì lợi tức khá cao. Khi bắt đầu làm, tôi chỉ trồng các loại lan thông thường để dễ làm và vốn ít. Lâu dần, tôi vay mượn thêm từ nhiều nơi để mở rộng vườn lan với nhiều loại quý hiếm hơn. Tôi cũng nhờ những người bạn ở Sài Gòn mua các loại sách về kỹ thuật trồng, chăm sóc lan và tìm hiểu thêm qua mạng để tìm tòi, học hỏi về các loại lan. Càng chơi thì tôi càng thấy đam mê và càng làm theo hướng kinh doanh thì hiệu quả ngày càng cao. Bình quân mỗi năm vườn lan nhà tôi xuất khoảng 4, 5 đợt cho lái buôn với giá trị từ 150 - 170 triệu đồng/đợt. Dịp Tết thì xuất nhiều hơn với giá trị từ 250 - 300 triệu đồng. Ngoài bán buôn cho thương lái ở Bảo Lộc phân phối đi các nơi thì tôi còn bán lẻ qua mạng. Nhiều người chơi lan ở các tỉnh trong cả nước cũng đặt mua lan của tôi”.
Hiện tại, vườn lan của ông Đức ước chừng có khoảng 10 ngàn giò và chậu lan. Thế mạnh của ông vẫn là các loại lan nuôi cấy mô nhưng ông vẫn có một số loại lan rừng độc và hiếm. Ngoài mua mô từ các cơ sở nuôi cấy chuyên nghiệp thì ông Đức cũng tự nhân giống nhiều chủng loại. Nhờ đó, nhiều giống lan con cứ nối đuôi nhau để ra chậu. “Mỗi loại lan đều có đặc tính riêng của nó nên trước khi trồng thì phải tìm hiểu kỹ mới mang lại hiệu quả. Bất cứ loại nào tôi cũng trồng thử nghiệm 1, 2 cây trước để nắm rõ cách sống, sinh trưởng và nghiên cứu thị trường xem loại đó có “hút hàng” không thì mới đưa vào nuôi trồng phổ biến. Sau vụ mùa cà phê này, tôi sẽ tiếp tục mở rộng 500 - 700 m
2 giàn nữa mới đủ sức chứa các loại lan hiện nay vì đã quá ken dày” - ông Đức cho biết thêm.
Cách nhà ông Đức không xa, gia đình ông Phạm Hữu Nghĩa cũng có giàn lan rộng chừng 500 m
2 nằm lọt thỏm giữa vườn cà phê. Vườn lan này do con gái ông Nghĩa là chị Phạm Thị Xuân Hà gây dựng. Chị Hà học chuyên ngành về công nghệ sinh học và nhận thấy vùng đất Bảo Lâm có những điều kiện thích hợp để nuôi cấy lan. Hơn nữa, nhu cầu của thị trường về “chơi lan” hiện rất lớn nên chị đã lập vườn lan và hướng dẫn cho bố trực tiếp làm. Với diện tích hiện có, ông Nghĩa trồng khoảng 1.000 giò lan; trong đó, có rất nhiều loại lan rừng, như: Long tu, Dã hạc các loại. Những thân gỗ lũa, những gốc cây rừng được ông lựa chọn tỉ mẩn để cấy ghép lan.
Không chuyên bán buôn, những giò lan đẹp luôn được ông Nghĩa và con gái đưa lên mạng để rao bán cho người mê lan trong cả nước. Ông Nghĩa cho biết: “Các loại lan thông thường thì trồng và chăm sóc dễ hơn nhưng giá trị không cao bằng các loại lan rừng. Nếu chăm không chuẩn, không tốt và đầu ra không ổn định thì thu nhập sẽ không hơn cà phê. Thế nhưng, về lâu dài thì lan sẽ là mặt hàng có giá trị khi thú chơi lan ngày càng được nhiều người biết đến”.
Săn lùng lan quý hiếm
“Cây lan rừng luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với những người sành chơi lan, đặc biệt là những chủng loại quý hiếm. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, ngoài lựa chọn những loại nuôi cấy mô được ưa chuộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì tôi vẫn luôn săn lùng những loại lan rừng quý hiếm. Những loại này tôi chủ yếu để chơi cho riêng mình.” - chia sẻ này của ông Đức cũng là đam mê chung của những người chơi lan chuyên nghiệp. Vườn lan nhà ông Đức hiện có một số loại quý hiếm như: Dã hạc Châu Như, Đại Ý thảo Di Linh, Dã hạc Di Linh 5 cánh trắng đột biến, Dã hạc Gia Lai, Đắc Lắc, Long tu Lào, Phi Điệp Lào Cai, Yên Bái, Kim Điệp, Ngọc Điểm… Theo lời ông Đức, Dã hạc Châu Như là loại lan không chỉ nổi tiếng trong cả nước mà còn có tiếng vang ở cả khu vực Đông Nam Á. Loại lan này do người ở vùng Di Linh lai tạo từ Dã hạc Di Linh và Đại Ý Thảo Di Linh. Tên gọi của nó được đặt theo tên người lai tạo. Loài hoa này nở vào đúng mùa xuân, cánh rất đẹp nên rất có giá trị. Đây là loại được săn lùng nhiều nhất vào dịp Tết.
|
Ảnh: Đ. Anh |
Các giống lan rừng hiện nay rất được ưa thích và đang được nhiều người săn lùng, nhất là những loại đột biến. Thế nhưng, hiện để “săn” được lan rừng quý hiếm là rất khó. Theo ông Nguyễn Ry - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng hiện có nhiều giống lan mà giới chơi lan cả thế giới đang cất công săn tìm. Ngoài các loại như Dã hạc Di Linh, Dã hạc Châu Như thì lan Lồng Đèn ở vùng Lộc Bắc, Lộc Bảo của huyện Bảo Lâm cũng đang được giới chơi lan tìm kiếm. Loại lan này còn được gọi với cái tên mỹ miều là Thủy Tiên. Hoa có màu trắng muốt và ra đúng dịp Tết. Khi nở, hoa không chỉ đẹp từ màu sắc đến hình dáng mà còn có mùi hương rất thơm, tạo sự hưng phấn cho người thưởng lãm. Đây là loại lan đang được giới chơi lan mong muốn sở hữu để nhân giống. Cách làm này cũng mở ra hướng bảo tồn cho các loại hoa lan quý hiếm.
Cũng theo ông Nguyễn Ry, Bảo Lâm có rất nhiều vườn lan vừa phục vụ nhu cầu chơi lan của gia chủ, vừa gắn với phát triển kinh tế gia đình. Quy mô phát triển của các vườn lan ngày càng tăng, góp phần vào việc phát triển đời sống của các hộ nông dân nói chung và các hội viên Hội Sinh vật cảnh nói riêng. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong việc xây dựng tổ chức hội gắn với việc phát triển kinh tế của hội viên. Nhu cầu chơi lan hiện không chỉ bó hẹp ở Việt Nam mà còn có ở hầu hết các nước trên thế giới. Hiện, các chủng loại lan quý hiếm của Việt Nam đang được các nước như: Thái Lan, Trung Quốc, một số nước châu Âu, châu Mỹ săn lùng và đã đặt hàng tại các hội hoa lan trong cả nước. Vì vậy, đầu ra để cây lan phát triển là tương đối rộng. Nguồn cung hiện tại, nhất là đối với các loại lan rừng quý hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu chung của xã hội. Toàn huyện Bảo Lâm hiện có gần 20 hộ trồng lan theo hướng kinh doanh. Sắp tới, các hộ này sẽ tập hợp lại để thành lập CLB Hoa lan huyện Bảo Lâm nhằm phát triển nghề trồng lan với quy mô lớn hơn.
Không chỉ các vườn lan, người đam mê chơi lan mỗi tháng đôi ba lần lại tìm về khu vực Quảng trường huyện Bảo Lâm để tìm kiếm những loại lan rừng thuần chủng, quý hiếm. Lan ở đây chủ yếu được những người đồng bào dân tộc thiểu số đi lấy tại các khu rừng ở Lộc Bắc, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) hoặc Bảo Thuận (huyện Di Linh) đem ra bán. Tùy từng chủng loại mà lan được bán theo ký hoặc nhánh với giá không hề rẻ. Bà Ka Đức, người bán lan rừng tại khu vực này cho biết: “Để có những nhánh lan rừng mang ra đây bán, những đứa con, đứa cháu của tôi phải vào tận rừng sâu ở Bảo Thuận, Di Linh để tìm kiếm. Mỗi chuyến đi như vậy phải mang theo cả lương thực để ở lại trong rừng vài ngày. Mà giờ đây, việc kiếm lan rừng cũng chẳng mấy dễ dàng khi có quá nhiều người đi lấy, muốn lấy được lan phải đi sâu vào rừng và lên những cây cổ thụ cao. Do đó, để kiếm được vài ba triệu đồng mỗi tháng thì nhiều khi phải đánh đổi cả tính mạng. Cách đây mấy tháng, đứa cháu tôi bị té từ cây cao khi lấy lan nhưng rất may chỉ bị gãy tay, chứ không thiệt mạng”.
Đã có những câu chuyện mà báo chí nêu về việc tàn phá rừng để lấy lan hoặc lấy lan rừng theo kiểu “tận diệt” đang diễn ra ở nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, chơi lan gắn với việc bảo tồn và nhân rộng những giống lan quý hiếm đang được những người có tâm huyết đặt ra. Thế nhưng, lời giải cuối cùng có vẻ đang là vấn đề nan giải khi mà lan rừng đã bị tách khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng để hòa mình vào đời sống phồn hoa chốn thị thành.
ÐÔNG ANH